Khủng hoảng thầy trò

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vụ cô giáo dạy nhạc ở Tuyên Quang bị học sinh tấn công và khủng bố ngay trong lớp học (phải gọi thẳng tên ra như vậy) đánh mạnh vào cảm xúc toàn xã hội. Bởi gần như cả một lớp học nổi loạn.

Bởi những hành vi trấn áp cô giáo tuy không bạo lực về thể xác nhưng quá kinh hoàng về tinh thần. Bởi đám học trò ấy còn quá nhỏ, mới hơn chục tuổi đầu. Bởi không chỉ là sự manh động nhất thời, mà gần như có tổ chức, diễn ra nhiều lần…

Hai loại phản ứng quen thuộc đã xảy ra. Một là la ó chỉ trích một cách cực đoan về sự xuống cấp/"vỡ trận" của ngành/môi trường giáo dục. Hai là im lặng thở dài, xem như mất luôn “chút niềm tin cuối cùng”!

Trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất trong những vụ như này đương nhiên thuộc về nhà trường, thầy cô giáo, gia đình cũng như bản thân học sinh. Ai cũng nhìn thấy thế, kết luận thế, quá dễ. Nhưng tôi cho rằng đây là một ca điển hình, để đến lúc cần có cái nhìn sâu hơn vào bản chất thực sự, để bình tĩnh và có cách xử lý căn cơ.

Phải thấy rằng giáo dục toàn cầu đang trong cơn khủng hoảng, mà bạo lực học đường chỉ là một biểu hiện. Tháng 8/2023, Hiệp hội Giáo viên bang Washington (Mỹ) công bố số liệu: 30% giáo viên tham gia khảo sát cho biết họ đã bị học sinh hành hung; 42% giáo viên được khảo sát cho biết họ từng bị tát, đấm đá. Các số liệu tương tự ở Canada, Anh, Đức, Pháp, Úc,… cũng đang gia tăng ở mức báo động, nhất là ở khu vực trường công lập.

Có hai vấn đề đặt ra. Một là sự thay đổi chóng mặt của thời đại dẫn đến sự phức tạp và cả phi lý trong tâm lý giáo dục mà những lý thuyết gia cũng như giáo viên chưa thể theo kịp. Khủng hoảng trong quan hệ thầy trò chỉ phản ánh một nét nhỏ trong khủng hoảng về nhân tính. Với một xã hội mà mọi thứ quan hệ đều được cào bằng xoay quanh lợi nhuận; với một thời đại mà thế hệ trẻ đã quá thay đổi về tâm sinh lý, nhận thức, hiểu biết, quan niệm sống,… thì trường lớp không còn được coi là ngôi đền thiêng chuẩn mực, người thầy không còn được đặt vào thứ "tháp ngà" tôn kính như xưa nữa rồi, kể cả một xã hội Á đông như Việt Nam.

Thực tế trên đã dẫn đến hệ luỵ, cũng là mệnh đề thứ hai. Đó là nền giáo dục hiện nay vẫn cố gắng xây dựng trên quan hệ mà thầy cô luôn là “bề trên”, học trò phải tuân phục mọi mệnh lệnh, đúng sai đều phải nghe. Khi không thay đổi để trở thành những người bạn lớn của các em, thì bất cứ giáo viên nào cũng gần như nắm chắc thất bại. Ngay trong mỗi gia đình, hãy quan sát để thấy rằng những đứa trẻ ra đời thành công là khi được ông bà, cha mẹ ứng xử như những người bạn. Để thực sự thấu cảm lẫn nhau, cùng nhau giải quyết một cách tối ưu nhất những vấn đề trong cuộc sống, học hành,… Đồng thời giáo viên cũng luôn phải tuân phục lãnh đạo nhà trường, dễ dàng trở thành “kẻ hy sinh” trong mỗi vụ ồn ào, dù nhiều khi lỗi không thuộc về mình. Đổi lấy sự “thỏa mãn” của hàng ngàn học sinh, phụ huynh; đổi lấy sự yên ổn cũng như bảng thành tích của nhà trường.

Tôi cho rằng, muốn có “lớp học hạnh phúc”, trong nhiều yếu tố, thì phải xây dựng những “lớp học không mệnh lệnh”. Ở đó, chỉ có sự hiểu biết, tôn trọng, chan hòa yêu thương trên tinh thần tự giác.

Nếu không, từ khủng hoảng này sẽ còn xảy ra thêm nhiều cuộc “khủng bố” đau lòng tương tự.

MỚI - NÓNG