Ứng phó đại dịch COVID-19

Kịch bản nào hậu giãn cách?

0:00 / 0:00
0:00
Bảo vệ "vùng xanh" ở Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng
Bảo vệ "vùng xanh" ở Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các thành viên tập trung thảo luận cụ thể về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, nhất là tại TPHCM để đưa vào kịch bản ứng phó dịch bệnh thời gian tới.

Nguy cơ cao nếu không phòng chống triệt để

Chiều 13/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chủ trì, các thành viên tập trung thảo luận cụ thể về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, nhất là tại TPHCM để đưa vào kịch bản ứng phó dịch bệnh thời gian tới.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế nhận định, dịch tại TPHCM sẽ có xu hướng giảm trong một vài tuần tới nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt như hiện nay.

Thực tế cho thấy dịch tại TPHCM bước đầu có những dấu hiệu tích cực sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo, các địa phương lân cận TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao và diễn biến phức tạp nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch.

Bên cạnh đó, một số địa phương có số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch, có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

Nhận định về dịch tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế cho rằng, các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ đã được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời, triệt để. Hà Nội cơ bản kiểm soát được tình hình.

Tuy nhiên, nguy cơ vẫn ở mức cao do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, xuất hiện rải rác tại nhiều địa điểm trên địa bàn và đã ghi nhận các ca mắc tại chợ, siêu thị, các cơ sở sản xuất...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương thiết lập ngay hệ thống đường dây nóng, các đội y tế cộng đồng để tiếp nhận, giám sát, hỗ trợ y tế tại chỗ cho mọi người dân có triệu chứng mắc COVID-19 cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Gần đây, TPHCM đã phổ biến các đơn thuốc, phương pháp tự chăm sóc, theo dõi, bảo vệ sức khoẻ cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa…

Từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, thành viên Ban Chỉ đạo chỉ ra, trước hết phải bảo vệ vững chắc vùng an toàn (vùng xanh); đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ).

Trong tình hình dịch bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước, tất cả các địa phương đều cần thực hiện nghiêm túc phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện những người đến, về từ địa phương khác. Các lực lượng xử lý nghiêm người đến, về từ địa phương khác mà không khai báo và chính quyền cấp cơ sở khi không nắm được và không thực hiện các biện pháp quản lý y tế đối với những người này.

Các ý kiến thống nhất, khi thực hiện giãn cách xã hội nhất thiết phải thực hiện nghiêm, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”. Khi thực hiện giãn cách xã hội phải bảo đảm đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”.

Bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng

Trong công tác xét nghiệm, các ý kiến cho rằng, từ thực tiễn TPHCM cho thấy năng lực “rà đi, soát lại” nhiều lần trên diện rộng chưa đủ; có tình trạng một số địa phương lạm dụng xét nghiệm nhanh, ngại xét nghiệm RT-PCR.

Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định, phải thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền; hướng dẫn người dân tự lấy mẫu để giảm tải cho lực lượng y tế.

Tư lệnh ngành Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tiến hành đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức: Nguy cơ rất cao - Nguy cơ cao -Nguy cơ - Bình thường mới cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh; có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh để có giải pháp xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, tiêm vắc-xin.

Thực hiện bao vây thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng.

Ban Chỉ đạo thống nhất, trong công tác điều trị, kinh nghiệm từ TPHCM và một số tỉnh phía Nam cho thấy, phải tách riêng khu tiếp nhận ban đầu đối với người mắc COVID-19 không có triệu chứng, chưa được coi là bệnh nhân. Từ đó có phương án chăm sóc phù hợp về thể chất và tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 chuyển sang có triệu chứng.

Nhiều địa phương sử dụng các cơ sở có sân chơi, không gian thoáng để các F0 không triệu chứng có không gian vận động, cải thiện sức khỏe.

Thêm 9.180 ca mắc mới, 275 ca tử vong

Ngày 13/8, Bộ Y tế cho biết ghi nhận 9.180 ca nhiễm mới COVID-19 với 30 trường hợp nhập cảnh và 9.150 ca trong nước (1.999 ca trong cộng đồng). Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 503 ca, trong đó TPHCM giảm 310 ca, Bình Dương giảm 212 ca, Đồng Nai giảm 263 ca.

Tối13/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 275 ca tử vong. Như vậy, Việt Nam có 5.088 ca tử vong kể từ khi dịch xuất hiện tại nước ta, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thái Hà

MỚI - NÓNG