Kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Không có chuyện 'giấy phép con'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Bộ Nội vụ là đơn vị duy nhất được giao thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, nhưng đây không phải là vấn đề bắt buộc. Nếu không qua khâu kiểm định này, các bộ, ngành vẫn có thể tổ chức thi tuyển bình thường theo 2 vòng như trước đây”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Có kiểm định sẽ không phải thi vòng 1

Quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức vừa ban hành sẽ áp dụng từ tháng 8/2024. Khi áp dụng hình thức này, thì việc thi tuyển công chức sẽ thay đổi ra sao, thưa ông?

Từ trước đến nay, việc thi tuyển công chức được thực hiện theo Nghị định 138 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, các bộ, ngành sẽ tổ chức thi tuyển theo hai vòng. Trong đó, vòng 1 là thi kiến thức chung và vòng 2 là thi kiến thức chuyên ngành.

Khi áp dụng kiểm định chất lượng đầu vào thì cả người thi và người tuyển dụng có thể lựa chọn một trong hai hình thức: một là vẫn áp dụng thi theo hai vòng như lâu nay vẫn thực hiện theo Nghị định 138; hai là có thể lựa chọn phương pháp kiểm định chất lượng đầu vào. Khi đã áp dụng theo phương án 2, thì lúc đó sẽ không phải thi vòng 1 nữa, mà sẽ thi luôn sang vòng 2 là thi chuyên ngành.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào nhằm đánh giá chất lượng, kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh muốn tham gia tuyển dụng công chức vào các cơ quan nhà nước, trong đó bao gồm cả cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Không có chuyện 'giấy phép con' ảnh 1

TS Nguyễn Tiến Dĩnh

Nhưng cũng phải lưu ý rằng, đây không phải là kiểm định chất lượng của công chức đang làm việc trong bộ máy, mà chỉ là kiểm định chất lượng đầu vào, tức người chuẩn bị tham gia tuyển dụng thôi. Theo tôi, khâu kiểm định này cần có và cần thiết.

Để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, việc tổ chức đánh giá chất lượng đầu vào nên giao cho đơn vị độc lập kiểm định, hay giao cho hội đồng thi tuyển kiểm định luôn?

Việc này đã được quy định rõ rồi. Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan duy nhất thực hiện khâu kiểm định chất lượng đầu vào. Vì sao? Vì Bộ Nội vụ là đơn vị quản lý công chức chung của cả nước, nên người ta sẽ tổ chức kiểm định kiến thức chung cần có của một công chức trước khi tham gia tuyển dụng vào một bộ, ngành nào đó.

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Không có chuyện 'giấy phép con' ảnh 2

Có kết quả kiểm định chất lượng đầu vào, công chức sẽ không phải thi vòng 1 và chỉ thi chuyên ngành vòng 2 Ảnh minh hoạ

Việc kiểm định chất lượng đầu vào như vậy rất cần thiết. Sau này, khi đã tham gia đánh giá rồi thì được lấy kết quả đó để thi tuyển vòng hai và không phải tham gia thi vòng 1 như trước đây nữa. Cơ quan bộ ngành đó sẽ xem xét chuyển sang thi tuyển vòng 2 - vòng thi chuyên ngành đối với những người đã trải qua thi kiểm định chất lượng đầu vào rồi.

“Kết quả kiểm định đầu vào công chức được dùng chung cho cả nước, có hiệu lực trong vòng 24 tháng. Trong khoảng thời gian này, thí sinh có thể đăng ký thi tuyển vào bất kỳ bộ, ngành nào và chỉ việc tham gia thi chuyên ngành vòng 2 thôi, không cần phải thi vòng 1 như trước nữa”. TS Nguyễn Tiến Dĩnh

Về mặt thời gian, mỗi năm, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức kiểm định thành hai đợt. Việc đăng ký kiểm định cũng có thể theo hai kênh khác nhau: Có thể do nhu cầu của từng thí sinh đăng ký với Bộ Nội vụ; hoặc các bộ, ngành chủ động đăng ký với Bộ Nội vụ để làm cơ sở cho việc tuyển dụng của họ, nếu họ không muốn tổ chức thi vòng 1 mà chỉ thi vòng 2.

Không có chuyện “giấy phép con”

Trong trường hợp Bộ Nội vụ là đơn vị duy nhất được kiểm định, liệu có dễ trở thành như một loại “giấy phép con” và độc quyền, dễ nảy sinh tiêu cực ?

Không có chuyện “giấy phép con” ở đây được. Bởi vì đây không phải là vấn đề bắt buộc. Bộ Nội vụ chỉ tổ chức kiểm định khi có thí sinh đăng ký, hoặc các bộ, ngành đăng ký như tôi vừa đề cập. Nếu không qua khâu kiểm định chất lượng đầu vào công chức này, thì anh vẫn tổ chức thi tuyển bình thường với 2 vòng như trước đây thôi.

Cần phải nhấn mạnh rằng, đây là kết quả kiểm định chung và kết quả này có thể dùng chung cho cả nước, chứ không phải dành riêng cho bộ, ngành, địa phương nào. Kết quả kiểm định đó sẽ có hiệu lực trong vòng 24 tháng, trong khoảng thời gian này, thí sinh có thể đăng ký thi tuyển vào bất kỳ bộ, ngành nào và chỉ việc tham gia thi vòng 2 thôi, không cần phải thi vòng 1 như trước nữa.

Vậy việc triển khai kiểm định đầu vào cần phải thực hiện ra sao, để vừa đơn giản nhưng vẫn đảm bảo thực chất, hiệu quả?

Có rất nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu đó, nhưng trước tiên đó là giải pháp áp dụng công nghệ trong quá trình kiểm định. Việc thi vòng 1 lâu nay tất cả cũng đều được thi trắc nghiệm trên máy và cho ra kết quả luôn. Việc áp dụng công nghệ là công khai, minh bạch nhất. Ngoài ra còn có cả hệ thống giám sát, có hội đồng kiểm định với 7 thành viên cơ mà. Để đảm bảo 100% luôn thì hơi khó, nhưng việc thi trắc nghiệm trên máy như vậy cơ bản đảm bảo sự khách quan, minh bạch.

Công chức vào- ra, bộ máy vẫn được lấp đầy

Lâu nay chúng ta thường nhắc đến vấn đề “chảy máu chất xám” trong khu vực nhà nước. Theo ông, việc áp dụng kiểm định chất lượng đầu vào công chức như vậy sẽ giúp chọn được người tài, hay ngược lại, người tài sẽ càng rời xa khu vực công vì nhiều quy trình thủ tục?

Hiện tượng “chảy máu chất xám” được nhắc đến lâu nay cũng chỉ là một cách nói, phản ánh tình trạng chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Nhưng dù khu vực tư hay công cũng đều phục vụ chung cho đất nước cả. Mặt khác, trong thực tiễn vừa qua, với 40 nghìn người, chủ yếu là đội ngũ thuộc hai ngành y tế và giáo dục ra khỏi bộ máy nhà nước, cũng có người về hưu, cũng có người ra khu vực tư. Nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều người vào khu vực công.

Thực tế các cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục tuyển dụng và tuyển cho đủ số lượng cần thiết. Mà tuyển dụng ở đây vẫn phải thi theo tinh thần Nghị định 138, vẫn phải đảm bảo điều kiện về năng lực, trình độ, chứ có phải tuyển dụng ào ạt đâu. Dù có hiện tượng rời khu vực công, nhưng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước vẫn được lấp đầy, chứ có phải rỗng đâu? Thậm chí nhiều nơi còn lấy không hết, vì số lượng đăng ký vào vẫn đông hơn so với nhu cầu tuyển dụng.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG