Giai đoạn chưa từng có
Đợt dịch này, Nguyễn Ngọc Hoài Văn và Võ Hoàng Phúc (hai chủ tiệm của tiệm bánh “Moca Bakery”) phải tìm kiếm, liên hệ nhiều đơn vị vận chuyển có thể giao hàng nhanh để mỗi hộp bánh đến tay khách hàng đều tươi mới, nguyên vẹn. Văn cho hay, cô khó tìm shipper vào thời điểm này, hoặc nếu có thì chi phí giao hàng rất cao, thậm chí cao hơn tiền bánh. Thời gian giao hàng không đúng tiến độ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng bánh, vì chúng chỉ sử dụng được trong khoảng 7 - 10 ngày.
Khi chưa tìm được đơn vị vận chuyển, Văn và Phúc chấp nhận ngưng nhận đơn hàng và chờ đợi chỉ thị của Chính Phủ. “Tụi mình trân quý từng chiếc bánh làm ra và mình tin khách cũng muốn nhận được thứ tốt nhất, nên không thể chỉ vì tăng doanh thu mà làm ảnh hưởng đến chất lượng bánh”, Hoài Văn nhấn mạnh.
Bánh Trung Thu handmade của tiệm bánh "Moca Bakery". |
Về nguyên liệu làm bánh, đội ngũ “Moca Bakery” đã dự trữ nguyên liệu cho Trung Thu năm nay từ tháng Tư. Văn đã yêu cầu cắt giảm nguyên liệu dự trữ so với các năm trước để đảm bảo chi phí tồn kho ban đầu không quá cao. Thế nhưng, số lượng đơn hàng nhiều đã dẫn đến việc thiếu nguyên liệu trong những ngày cận Trung Thu. Có thể nói, đây là giai đoạn chưa từng có trước đây của tiệm bánh này. “Rất khó để tìm được nguyên liệu khi đã cận ngày, mà còn trong điều kiện dịch bệnh. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao, khan hiếm nguồn cung, phí giao hàng và thời gian vận chuyển cũng tăng. Mình đã liên hệ các cơ sở cung cấp để tìm được nguồn cung hợp lý nhất có thể”, Văn chia sẻ.
Hai founder của "Moca Bakery". |
Trung Thu mọi năm thường mang lại doanh thu khá lớn cho tiệm bánh của hai bạn trẻ. Tuy nhiên, doanh thu năm nay bị giảm, phần vì mọi người cắt giảm chi tiêu, phần vì không thể đi thăm hỏi người thân để biếu tặng.
Thị trường nhiều biến động
Sau thành công của trang thương mại điện tử “Quà tặng lễ tết”, nhóm thành viên 9X của dự án tiếp tục phát triển trang “Quà Trung Thu” để thích ứng bối cảnh Trung Thu mùa COVID-19.
Số lượng khách hàng đặt mua bánh qua các kênh trực tuyến tăng cao. |
Hồ Kim Hiền (trưởng nhóm dự án “Quà Trung Thu”) cho hay, năm nay, khách đặt bánh trễ hơn, từ 10 - 20 ngày so với bình thường. Dù đặt trễ nhưng đa số khách hàng đều yêu cầu giao tận nhà người nhận trước ngày Trung Thu (21/09/2021). Điều đó dẫn đến quá tải cho đơn vị vận chuyển - vốn đã khan hiếm về nhân sự và hạn chế phạm vi hoạt động trong giai đoạn này.
Trở ngại tiếp theo là vấn đề chụp catalog sản phẩm rơi vào thời điểm đầu giãn cách. Giải pháp được Nguyễn Hồ Mạnh Khang (phụ trách truyền thông dự án) và mọi người đưa ra là sử dụng hình ảnh rời rạc đang có, kết hợp xây dựng một “studio tại gia” để tạo thành concept hoàn chỉnh, giúp khách hàng xem được mẫu mã sản phẩm. Khó khăn chưa dừng lại ở đó khi các đối tác thay đổi chính sách hoạt động liên tục, đồng thời kế hoạch sản xuất thường xuyên gián đoạn. Có những ngày, thị trường “đóng băng” hoàn toàn.
Phần quà Trung Thu có lồng đèn và thiệp của dự án "Quà Trung Thu". |
Thế nhưng, nhóm đã nhanh nhạy trong việc chủ động tìm hiểu thị trường Trung Thu 2021 nhiều biến động. Trước khi vận hành dự án, nhóm mất nhiều thời gian tìm kiếm, thuyết phục các đối tác, nhà sản xuất cùng đồng hành để hạn chế tồn đọng hàng hay rủi ro mất an toàn phòng dịch vì tương tác trực tiếp. Khi có đơn hàng, nhóm chỉ việc thông báo cho các đơn vị này, phối hợp với đối tác in ấn, đóng gói và vận chuyển. Mọi thao tác đều được đơn giản hóa.
Về các đơn vị sản xuất bánh, theo ghi nhận từ các đối tác của “Quà Trung Thu”, quy định giãn cách xã hội đã làm nguồn nguyên liệu “đứt quãng” và giá cả chưa ổn định. Quy định vận chuyển thay đổi liên tục khiến một số đối tác “dè chừng”, chọn giải pháp “đóng băng” hoạt động trong giai đoạn căng thẳng. Thậm chí, một số đối tác chọn rời thị trường năm 2021, chấp nhận bỏ qua một trong những mùa quà bánh lớn nhất năm.