Kinh tế đêm: 'Bệ phóng' nào để thắp sáng?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các đơn vị du lịch, lữ hành cho rằng, cần có cơ chế, chính sách cởi mở để gỡ khó cho kinh tế đêm – ngành đang được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Dịch vụ nghèo nàn, thiếu kết nối

Những ngày này, du khách nước ngoài đang trở lại “phố Tây Tạ Hiện” Hà Nội nhiều hơn. Doanh thu bắt đầu hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Quý (chủ quán bia trên đường Tạ Hiện, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), khu vực này vẫn chưa phát huy được giá trị vốn có.

Kinh tế đêm: 'Bệ phóng' nào để thắp sáng? ảnh 1

Phố Tạ Hiện được coi là khu ăn chơi giải trí đêm của Hà Nội. Ảnh: Duy Phạm

“Hiện nay, ngoài các ngày cuối tuần thì chưa đến 12h đêm các quán đã phải thu dọn đóng cửa. Trong khi khách Tây có nhu cầu vui chơi rất lớn vì chênh lệch múi giờ, nhưng họ không còn chỗ nào để chơi”, ông Quý nói.

CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, tại Hà Nội, một số hoạt động đã được triển khai như tour đêm tại Di tích nhà tù Hỏa Lò nhưng đây chỉ là hoạt cảnh, số lượng du khách rất hạn chế (khoảng 30 - 40 người). Còn khu vực phố Tạ Hiện cuối tuần chỉ bán bia, nghe nhạc. “Mỗi cốc bia hơi bán 10.000 -15.000 đồng, tôi cho rằng không hiệu quả”, ông Đạt nhận định.

Với phố đi bộ cuối tuần du khách thường chỉ ghé thăm 1, 2 lần chứ không thể đi mãi được. Ở ngoại thành, show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Quốc Oai là một điểm nhấn nhưng lại thiếu kết nối. “Cá nhân tôi đã đi xem và dẫn các đoàn khách đến đây 4 lần nhưng ngoài xem show thì không có dịch vụ gì xung quanh nên mất tính hấp dẫn”, ông Đạt cho biết.

Đại diện đơn vị tổ chức chương trình Tinh hoa Bắc Bộ (Sài Sơn, huyện Quốc Oai) cho biết, ngoài show diễn tổ chức vào mỗi tối, đơn vị tổ chức thêm một quán cafe tại khu vực biển nhân tạo để níu chân du khách thêm thời gian buổi đêm. Tuy nhiên, du khách thường chỉ xem show rồi lên xe về ngay. Vị này cho rằng, cần có một chính sách thu hút du khách, các huyện thuộc xứ Đoài xưa cần kết nối lại, có sự hỗ trợ lẫn nhau tạo nên một tour trải nghiệm xuyên suốt cho du khách.

Cần cơ chế, chính sách cởi mở

Để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, từ cuối năm 2021, Quận ủy Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ban hành Đề án về phát triển kinh tế đêm. Ngày 20/6/2023, HĐND quận ban hành Nghị quyết về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế ban đêm, trong đó đưa ra 6 không gian tạo động lực phát triển. Đó là không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong phố cổ Hà Nội; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố văn hóa ẩm thực Tống Duy Tân - Ngõ Hàng Bông; tuyến phố Tràng Tiền - Quảng trường Cách mạng tháng 8 (tuyến phố này được đề xuất phát triển thành phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại); tuyến phố nghề truyền thống tại Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống... Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào hoạt động, các dịch vụ ở khu vực này còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp, hoạt động còn xen lẫn khu dân cư nên chưa đảm bảo về trật tự, gây xung đột với cộng đồng dân cư không tham gia vào kinh tế ban đêm.

Kinh tế đêm là những hoạt động dịch vụ diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24; ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc; chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, điểm du lịch mở cửa vào ban đêm... Thúc đẩy chi tiêu của cả người tiêu dùng nội địa lẫn khách du lịch nước ngoài, kinh tế đêm ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, để kinh tế đêm phát triển, cần “bệ phóng” từ cơ chế, chính sách cởi mở cho các hoạt động đêm. Hoạt động đêm sẽ có những vấn đề nhạy cảm nhưng phải quản lý được nó và phát triển hơn là cấm đoán. Ngoài ra, cần có định hướng rõ ràng để thu hút được nguồn lực từ các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation đánh giá, mặc dù Chính phủ đã thông qua đề án phát triển kinh tế đêm gần 3 năm qua nhưng quan điểm phát triển kinh tế đêm của các địa phương vẫn hời hợt, thiếu công thức. Theo ông Kỳ, không phải cứ rào đường, kẻ vạch là thành phố ẩm thực. Mỗi quận, mỗi huyện, mỗi tỉnh, chỗ nào cũng muốn làm phố ẩm thực, mạnh ai nấy làm, không tạo nên được điểm đến bản sắc. Trong khi đó, muốn làm chợ đêm thì ngay từ đầu phải có quy hoạch, từ quy hoạch đất đai, hệ thống giao thông, rồi đến xây dựng quy chế hoạt động, quản lý an ninh trật tự, vệ sinh thực phẩm...

“Chúng ta đang siết rất nhiều quy định, ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ, du lịch. Do đó, cần sớm có quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch rõ ràng”, ông Kỳ đề xuất.

MỚI - NÓNG