Kinh tế số và sự song hành…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kinh tế số và kinh tế xanh là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự về chính sách môi trường và phát triển bền vững hiện nay. Sự tích hợp giữa kinh tế số và các lĩnh vực liên quan đang là mấu chốt dẫn đến những mô hình mới và tạo ra cơ hội phát triển bền vững, cũng như phục hồi kinh tế…

Làm cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng trưởng nhanh, xanh, bền vững

Đó là chủ đề mà trong hầu hết các cuộc hội thảo, diễn đàn, tọa đàm liên quan đến các lĩnh vực về “nhịp cầu phát triển kinh tế Việt Nam” hiện nay đều hướng tới. Trong đó, có khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên…

Kinh tế số và sự song hành… ảnh 1

Một góc đô thị thuộc TP Quy Nhơn hiện nay. Ảnh: Dũng Nhân

Chia sẻ từ các chuyên gia kinh tế, khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, nông - lâm nghiệp bền vững; là nơi đòi hỏi từng địa phương chủ động phát huy thế mạnh của mình - điều kiện cần, song, điều kiện đủ chính là liên kết vùng nhằm đảm bảo sự hài hòa và gia tăng sức mạnh cho từng địa phương trong việc đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững.

Kinh tế số và sự song hành… ảnh 2

Những năm gần đây Bình Định liên tục có những chiến lược kết nối, phát triển về chuyển đổi số. Ảnh: Sở TTTT Bình Định

Tại một cuộc diễn đàn về nhịp cầu phát triển Việt Nam vào năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang từng chia sẻ, trên thế giới, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo hiện là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ và doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và bứt phá vươn lên.

Và Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia với việc chủ động, tích cực khai thác các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước chuyển đổi sang xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, chú trọng quản lý hiệu quả và tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Theo hướng đó, Chính phủ đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

"Mục tiêu chung đến năm 2025, Bình Định sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, đưa Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm khá trong cả nước về chuyển đổi số". - TS Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Ở cấp độ Vùng, TS Hoàng Hồng Hiệp, Q. Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, chia sẻ tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, kinh tế số sẽ từng bước đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo TS Hoàng Hồng Hiệp, kinh tế số sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của vùng nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua các nền tảng trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các startup và doanh nghiệp công nghệ, khuyến khích mạnh mẽ sự sáng tạo và khởi nghiệp; cải thiện mạnh mẽ năng lực quản trị công, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế cho người dân; cải thiện hiệu quả quản lý tài nguyên, hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn, giúp giám sát và bảo vệ các hệ sinh thái;….

Qua chuyển đổi số, các địa phương nội vùng sẽ có cơ hội tận dụng sức mạnh của công nghệ để vượt qua các thách thức nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách nhằm nâng cao chất lượng thể chế địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng.

Bình Định hướng đến Trung tâm Khoa học và Công nghệ

Tháng 12/2023, tại Quyết định (số 1619) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Định phát triển thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

"Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã nêu rõ: "Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn".

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

Kinh tế của Bình Định phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.

Kinh tế số và sự song hành… ảnh 3

Chú trọng vào mục tiêu chuyển đổi số trong các lĩnh vực, Bình Định đang trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực miền Trung. Ảnh: Dũng Nhân

Theo lãnh đạo địa phương, thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước.

Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế.

Trong đó, “tọa độ” được xác định là TP Quy Nhơn sẽ ngày một hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia…

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm (giá so sánh 2010); GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người (tương đương khoảng 7.500 - 7.900 USD). Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa.

"Kinh tế số sẽ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên bằng cách tạo ra các cơ hội mới cho nền kinh tế, tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cho hệ thống doanh nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị công, qua đó không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân" - TS Hoàng Hồng Hiệp, Q Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.

Bên cạnh đó, Bình Định còn có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đặc sắc, là miền "đất võ, trời văn" sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh tướng và danh nhân văn hóa. Đặc biệt, con người Bình Định có tinh thần đoàn kết, yêu nước, trí tuệ, cần cù, sáng tạo, khát vọng vươn lên. Những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bình Định bước vào thời kỳ phát triển mới, bứt phá vươn lên!

MỚI - NÓNG