Kinh tế Trung Quốc xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đóng vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ảnh 1

Khu vực trung tâm của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, nhiều dấu hiệu trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến các lãnh đạo và giới đầu tư quốc tế lo rằng Trung Quốc không còn có thể bù đắp cho những yếu kém ở nhiều nơi khác.

Cuối tuần trước, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm tới hơn 20% so với đỉnh điểm hồi tháng 1. Đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất trong 16 năm, khiến ngân hàng trung ương phải áp dụng biện pháp bảo vệ tiền tệ hiếm thấy, bằng cách thiết lập tỷ giá so với đồng đô la Mỹ cao hơn nhiều so với giá thị trường ước tính.

Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tăng mạnh mẽ sau khi kết thúc giai đoạn chống dịch COVID-19 quyết liệt, nhưng sau đó tăng trưởng chững lại. Chỉ số giá tiêu dùng giảm, cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc và xuất khẩu trì trệ. Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tệ đến mức Chính phủ Trung Quốc quyết định dừng công bố số liệu.

Một tập đoàn bất động sản lớn của nước này gần đây không thể thực hiện nghĩa vụ với các nhà đầu tư, làm dấy lên lo ngại rằng thị trường nhà ở ngày càng khủng hoảng có thể gây rủi ro lớn cho ổn định tài chính.

Thiếu các biện pháp quyết liệt để kích thích nhu cầu trong nước và nỗi lo khủng hoảng lan rộng khiến nhiều ngân hàng đầu tư lớn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống dưới 5%.

“Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc vì suy thoái bất động sản ngày càng sâu, nhu cầu yếu hơn, còn hỗ trợ chính sách không như mong đợi”, các nhà phân tích của UBS viết trong bản lưu ý đưa ra ngày 21/8.

Các nhà nghiên cứu của Nomura, Morgan Stanley và Barclays trước đó cũng hạ dự báo. Điều đó nghĩa là Trung Quốc có thể không thực hiện được mục tiêu “khoảng 5,5%” đã đề ra.

Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc triển khai gói kích thích lớn nhất thế giới và trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi khủng hoảng. Trong những ngày đầu của đại dịch COVId-19, Trung Quốc cũng là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được suy thoái.

Khủng hoảng lây lan

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu ảm đạm từ tháng 4. Nỗi lo ngày càng lớn khi Country Garden, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất tính theo doanh số bán nhà, và Zhongrong Trust, một hãng dịch vụ tài chính hàng đầu, đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Thông tin về việc Country Garden lỡ hẹn chi trả quyền lợi bằng đô la Mỹ cho các trái chủ khiến giới đầu tư lo lắng và liên tưởng đến câu chuyện của Evergrande – tập đoàn khai màn cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc bằng vụ vỡ nợ năm 2021.

Khi Evergrande vẫn trong quá trình tái cấu trúc nợ, những rắc rối của Country Garden gây ra những lo ngại mới về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ để vực thị trường bất động sản. Nhưng ngay cả những tên tuổi lớn cũng đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ, cho thấy thách thức mà Bắc Kinh phải xử lý để khống chế cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản có vẻ đã lan sang ngành tài chính.

Zhongrong Trust, hãng quản lý các quỹ có tổng trị giá 87 tỷ USD cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giàu có, vừa lỡ thời hạn thanh toán hàng loạt sản phẩm đầu tư cho ít nhất 4 công ty, với trị giá khoảng 19 triệu USD, theo thông báo được công ty đưa ra đầu tháng này.

Trước đó, nhiều người biểu tình bên ngoài trụ sở công ty để đòi trả tiền.

“Khủng hoảng bất động sản có nguy cơ lan rộng thành bất ổn tài chính”, Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại hãng Capital Economics (trụ sở tại Anh), nhận định.

Một vấn đề nghiêm trọng nữa là nợ của các chính quyền địa phương. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi nguồn thu từ bán đất giảm mạnh, cùng với tác động từ những khoản chi phí lớn cho giai đoạn phong tỏa.

Sức ép tài khóa nghiêm trọng ở các địa phương không chỉ gây rủi ro cho nhiều ngân hàng, mà còn hạn chế khả năng của chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng dịch vụ công.

Bắc Kinh đến nay đã triển khai một số biện pháp kích thích kinh tế, như giảm lãi suất cơ bản cùng những bước hỗ trợ thị trường bất động sản và kinh doanh khách hàng.

Tuy nhiên, chính quyền trung ương vẫn chưa có bước đi lớn nào. Các nhà kinh tế học và phân tích cho rằng vì Trung Quốc đã không còn đủ sức bơm nhiều tiền vào nền kinh tế như cách đây 15 năm.

Năm đó, các lãnh đạo Trung Quốc triển khai gói kích thích 4 nghìn tỷ tệ (586 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, cách tập trung vào các dự án hạ tầng do chính phủ dẫn dắt dẫn đến tình trạng mở rộng tín dụng chưa từng thấy và mức nợ của chính quyền địa phương tăng mạnh, đến nay nền kinh tế vẫn phải nỗ lực hồi phục.

“Các nhà hoạch định chính sách có vẻ lo ngại rằng cách làm truyền thống đó sẽ khiến mức nợ tăng hơn nữa, gây phản tác dụng trong tương lai”, nhà phân tích Evans-Pritchard nhận định.

Ngày 20/8 vừa qua, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tái khẳng định rằng một trong những ưu tiên của họ là khống chế rủi ro nợ mang tính hệ thống ở địa phương.

Suy giảm dân số

Trung Quốc cũng đối mặt với những rủi ro dài hạn hơn, như khủng hoảng dân số và quan hệ căng thẳng với những đối tác thương mại chủ chốt như Mỹ và châu Âu.

Năm 2022, tỷ lệ sinh trên cả nước giảm xuống 1,09, từ mức 1,30 cách đó 2 năm, theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia. Điều này có nghĩa là tỷ lệ sinh ở Trung Quốc hiện nay thấp hơn cả Nhật Bản, quốc gia từ lâu được biết đến với dân số già hóa.

“Dân số già đi của Trung Quốc tạo nên thách thức đáng kể đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế”, các nhà phân tích của Moody’s viết trong báo cáo nghiên cứu công bố tuần trước.

Suy giảm nguồn lao động dẫn đến gánh nặng tài chính và nợ lớn hơn, nhu cầu nhà ở cũng sẽ giảm trong dài hạn.

Theo CNN
MỚI - NÓNG