Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Năm 2022 tiếp tục mục tiêu kép

0:00 / 0:00
0:00
DN ở nhiều địa phương đã sản xuất trở lại. Ảnh: Nguyễn Thắng
DN ở nhiều địa phương đã sản xuất trở lại. Ảnh: Nguyễn Thắng
TP - Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội trong phiên khai mạc sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến, năm 2022 sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế.

Thu ngân sách khả năng vượt dự toán

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội trong phiên khai mạc sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong những tháng vừa qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho Nhân dân.

Về tình hình kinh tế, xã hội, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế quý III giảm 6,17%. Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của kinh tế cơ bản được đảm bảo, thu ngân sách cả năm khả năng vượt dự toán, ước đạt khoảng trên 1,3 triệu tỷ đồng, vượt khoảng 22.200 tỷ đồng, bội chi ngân sách dưới 4%.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng cho biết, sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn.

Về dự kiến kế hoạch năm 2022, theo Thủ tướng sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội; tăng cường kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng...

Thừa văn bản, thiếu thống nhất

Thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, Chính phủ đã có sự chủ động, kịp thời ban hành trên 100 văn bản, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch, với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Xã hội cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc triển khai các văn bản hướng dẫn. Trong đó, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn do được ban hành gấp, việc đánh giá tác động còn hạn chế.

Theo cơ quan thẩm tra, vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của trung ương. Thậm chí còn xảy ra tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Dự toán thu chi thận trọng hơn

Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực; tuy nhiên tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiến lược tiêm chủng vắc xin gặp thách thức.

Liên quan đến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ quan thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng, nhiệm vụ chi nhiều hơn cho phòng, chống dịch, an sinh xã hội, việc tăng bội chi cao hơn mức 3,7% GDP là cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cung cấp cơ sở tính toán khoa học, khả năng huy động, tài trợ và hấp thụ vốn của nền kinh tế; giải trình rõ, thuyết phục hơn về cơ chế kiểm soát bội chi ở những nội dung không trực tiếp liên quan đến phòng, chống dịch bệnh để tạo sự đồng thuận cao.

Cùng với kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông Vũ Hồng Thanh, nhiệm vụ chủ yếu năm sau cần duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, cân bằng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, giữ nghiêm kỷ luật tài chính; quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ thuế; tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi mua sắm, hội nghị, công tác trong và ngoài nước…

Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần xây dựng dự toán thu chi, mức bội chi ngân sách nhà nước trên cơ sở thận trọng hơn; tăng dự phòng ngân sách để chủ động nguồn nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nghiên cứu, đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng tỷ lệ nợ công phù hợp nhưng phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, bội chi không quá 4% GDP.

Chỉ tiêu chủ yếu gồm 16 chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.

MỚI - NÓNG