Quy trình chưa đủ, đầu vào phải sạch
“Nhiều người ngạc nhiên khi mình có hai bằng đại học mà lại đi làm nhang. Thực sự, khởi nghiệp thì làm mảng nào cũng được, miễn là hợp pháp, lương thiện. Nếu tạo ra điều gì đó có lợi cho cộng đồng hoặc góp phần vào một xu hướng tiêu dùng lành mạnh thì càng tốt. Nếu không làm nhang mà làm cái khác, tôi cũng luôn suy nghĩ như vậy. Mình cảm thấy rất vui vì mình đang nỗ lực đóng góp vào việc tạo ra một sản phẩm sạch cho một thị trường sạch”, Xuân nói về câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh (trường ĐH Mở TP. HCM) và ngành Hóa học (trường ĐH Cần Thơ), Xuân cũng lăn lộn qua nhiều công việc. Câu chuyện khởi nghiệp bắt đầu khi chàng trai quê Trà Vinh này cảm thấy nhu cầu phải làm một điều gì đó cho bản thân. Sau rất nhiều lựa chọn, Xuân quyết định chọn nghề làm nhang, vì từ nhỏ đã quá quen thuộc với cây nhang trong gia đình, chòm xóm. Nghĩ là vậy nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, khi kinh nghiệm thì bằng 0, lại chưa nghĩ đến nhang sạch.
“Trong một lần đến thăm xưởng làm nhang của một người bạn, mình rất ngưỡng mộ khi biết họ làm để xuất khẩu. Đây là sản phẩm cao cấp, thành phần nguyên liệu sạch, được kiểm định và kiểm tra rất gắt gao nhưng lại không bán ở thị trường nội địa. Thấy mình thắc mắc, họ cho biết, nếu bán ở trong nước thì chắc chắn ế vì giá quá cao. Nhu cầu sử dụng nhang của người dân rất lớn nhưng đa phần chỉ mua giá rẻ, không quan tâm đến thành phần hay độ an toàn cho sức khỏe”. Xuân tự đặt ra một câu hỏi: “Nhang sạch có bán được ở Việt Nam?” và trả lời bằng một “canh bạc”: Mua lại công thức để khởi nghiệp.
Bắt tay vào khởi nghiệp, Xuân nhận ngay quả đắng khi lô hàng nhang quế đầu tiên thất bại. Nhang không đạt chuẩn “sạch”, dù đã tuân thủ công thức. Đến lúc này, kiến thức của một kỹ sư ngành Hóa mới được sử dụng. Tìm hiểu từ nguồn, anh phát hiện nguyên liệu bột quế ngay từ đầu đã bị người bán trộn thêm... bột đá (cho nặng ký) và cả chất dẫn cháy. Cú “sảy chân” này làm cho Xuân băn khoăn, liệu nhang sạch, không tẩm hóa chất độc hại có “đất sống” ở Việt Nam? Bằng kiến thức ngành Hóa, Xuân biết, chính hóa chất và tạp chất làm nhang phát thải nhiều khói. Hầu hết các sơ sở đều làm nhang từ nguyên liệu là mùn cưa, buộc phải tẩm hóa chất để tạo mùi và tạo màu ở chân nhang, thêm vào đó là keo, chất bảo quản, chất dẫn cháy... Sản phẩm đẹp nhưng độc hại cho người lẫn môi trường. “Câu chuyện đó cho mình bài học: Muốn sản phẩm sạch thì khâu sản xuất và quy trình là chưa đủ, phải sạch từ nguồn”, Xuân kể. Để giải quyết, anh tự ra tận Quảng Nam mua quế về để nghiền bột.
Kiên trì với lựa chọn
Ngoài nhang quế, dự án “Nhang sạch Tâm Minh” của Xuân còn sản xuất nhang trầm. Điểm đặc biệt là sản phẩm không nhuộm đỏ như truyền thống mà giữ nguyên màu tre, đáp ứng tiêu chí sạch, không dùng hóa chất. Nguyên liệu trầm làm từ tự nhiên và vi sinh trầm. Để làm được điều này, chàng kỹ sư Hóa học lại lần mò nghiên cứu về trầm. Đây là loại nguyên liệu đặc biệt, với nhiều loại và thành phần khác nhau.
Nhưng “vận hạn” vẫn chưa hết. Dù đã được Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (Sở KH - CN TP. HCM) chứng nhận 100% tự nhiên, không hóa chất, sản phẩm vẫn bán rất chậm vì người tiêu dùng chưa quen. Thói quen của người dùng là thích sử dụng loại chân nhang đỏ, giá rẻ. Trong khi nhang Tâm Minh có giá cao gấp đôi: “Nếu làm từ mùn cưa thì nguyên liệu khoảng 3.000 đồng/kg trong khi quế và trầm bột giá đã khoảng 50.000 đồng/kg”, Xuân nói. Nhiều tháng trời chào hàng không được, Xuân thấy nản nhưng quyết không quay sang làm nhang hóa chất như nhiều người khuyên.
Để tìm thị trường, ngoài kênh “online”, Xuân “chơi liều” bằng cách tặng không ở một số thành phố lớn để dùng thử. Bằng cách này, người tiêu dùng đã biết đến nhang Tâm Minh và anh bắt đầu có đơn hàng. Nhang cháy ít khói, mùi nhẹ, không cay mắt... nên đã thu phục được người dùng. Doanh số tăng dần, Xuân mở rộng thị trường và đến nay sản phẩm đã có mặt ở hơn 10 địa phương, với khoảng 200 điểm bán. Doanh thu từ chỗ chỉ đủ trả lương nhân viên, nay đã có tích lũy.
Theo Xuân, kiên định với lựa chọn là động lực để khởi nghiệp thành công. Với một mặt hàng đặc thù, cái khó nhất không phải là cách làm hoặc thị trường mà là thay đổi thói quen tiêu dùng và thuyết phục họ theo xu hướng mới. Khi đã tìm được thị trường, dự án của Xuân lại gặp trở ngại lớn khi nhiều cơ sở làm nhang truyền thống tìm cách lôi kéo đại lý, tăng chiết khấu và dùng chiêu “tâm lý chiến” tuyên truyền rằng, sử dụng chân nhang màu trắng là dấu hiệu... tang tóc. “Vậy làm cách nào để vượt qua?”. Xuân cho biết, anh phải tốn nhiều thời gian để thuyết phục chính các cơ sở này chuyển sang làm nhang sạch. Điều này có lợi cho các bên. Xuân đến tận nơi và chia sẻ cách làm nhang sạch cho chính “đối thủ”. Bằng cách này, cộng với việc tập trung chăm sóc đại lý, làm truyền thông về tác dụng của nhang sạch với sức khỏe và môi trường, nhang sạch Tâm Minh đã tìm được chỗ đứng vững. Điều anh mong muốn nhất là các cơ quan quản lý phải kiên quyết với chữ “sạch”. Bởi nhiều cơ sở đang lạm dụng “sạch” nhưng việc kiểm định lại chưa được thực thi trọn vẹn.
“Không chỉ với nhang, xu hướng sản xuất và tiêu dùng “sạch” sẽ lên ngôi, vì bất cứ ai cũng có nhu cầu an toàn cho sức khỏe và môi trường. Mình và các cộng sự sẽ luôn lấy tiêu chí này để đưa vào sản phẩm. Làm nghiêm túc, với cái tâm trong sáng, mình nghĩ, chắc chắn tụi mình sẽ được đền đáp”.