Kỹ sư Việt nhận 3 học bổng toàn phần tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từng làm kỹ sư cơ khí nhưng Tô Trường An lại rẽ ngang sang nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong viễn thông. "Vươn mình" trong một lĩnh vực mới, anh bạn thừa nhận, đây mới là một "cuộc chạy marathon" thử thách giúp phá bỏ giới hạn để phát huy hết năng lực của bản thân. 

Không an phận làm "dân kỹ sư"

Tô Trường An (SN 1998, quê ở Tiền Giang) bộc lộ năng khiếu học khoa học tự nhiên và thích tìm hiểu kỹ thuật từ nhỏ. Bố mẹ đôi lúc mệt mỏi vì tính hiếu kỳ của An bởi đồ dùng trong nhà đều bị con tháo lắp để xem các mạch điện tử bên trong. Ngoài ra, nam sinh cũng thích thú với các chương trình giải đố, cuộc thi khoa học công nghệ, hay chương trình Đường lên đỉnh Olympia. "Nó giúp tôi kiểm tra kiến thức của mình và học thêm kiến thức mới", An nhớ lại.

Có khiếu học, nên khi lên cấp 2, cấp 3, nam sinh đều có mặt trong các cuộc thi, đội tuyển học sinh giỏi của trường môn Toán, Hóa. An cũng tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sớm nửa năm.

Sau hơn 1 năm làm kỹ sư nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D engineering) của một công ty, An cảm thấy công việc của mình bị chuyên môn hóa, chỉ phụ trách một công đoạn nhỏ và lặp đi lặp lại. Với bản tính tò mò và thích tìm tòi những cái mới, chàng trai chọn nghỉ việc để xin học bổng du học thạc sĩ, tìm đến nghiên cứu khoa học.

Nhận 2 học bổng thạc sĩ tại Hàn Quốc, An lo nhiều hơn vui. Bởi chuyên ngành cao học là một lĩnh vực mới hoàn toàn, không phải chuyên ngành An đã được đào tạo và có kiến thức căn bản từ bậc cử nhân.

"Tôi thật mạo hiểm. Chọn nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong viễn thông nhưng lại chưa có lăng kính, dữ liệu nền để tỉa ra những ý tưởng mới. Vì thế, những ngày đầu gặp giáo sư hướng dẫn khiến tôi cảm thấy căng thẳng, áp lực, có chút xấu hổ", An nói.

Kỹ sư Việt nhận 3 học bổng toàn phần tiến sĩ ảnh 1

Tô Trường An tại lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ.

Kiên định tìm đến "điểm chạm" khoa học

An bắt đầu tăng tốc ngay từ khi bắt đầu "cuộc chạy marathon", ngày đọc báo khoa học, đêm học thêm code về trí tuệ nhân tạo... rồi thử các hướng nghiên cứu khả thi. Cuối cùng, An đã được duyệt đề tài ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho mạng không dây. Kết quả nghiên cứu của chàng trai 9x đã giúp tăng khả năng nhận dạng các tính hiệu mô đun lên 70% trong điều kiện tỉ lệ tín hiệu trên tạp âm thấp và giảm độ trễ trong giao tiếp không dây, có thể ứng dụng trong mạng 6G.

"Khi bắt đầu học thạc sĩ, tôi đã đặt mục tiêu để nộp học bổng tiến sĩ. Các KPI mà tôi tự đặt ra như IELTS 7.0; có 2 bài báo quốc tế; 4 thư giới thiệu của các giáo sư; làm trợ giảng cho giáo sư. Và chỉ đến học kỳ 3 của chương trình, tôi gần như đã đạt được các chỉ tiêu mà mình đặt ra", An kể.

Đặc biệt hơn cả, chàng trai Tiền Giang còn ghi dấu với 2 sáng chế khoa học ở Hàn Quốc và đang chờ chấp nhận đơn. Cụ thể, đó là sáng chế về phương pháp hiệu quả cho mô hình phân loại tính hiệu mô dun trong điều kiện tỉ lệ tín hiệu trên tạp âm thấp và mô hình phân loại tín hiệu mô dun tinh gọn để áp dụng trong thế hệ mạng không dây kế tiếp.

Ở một đất nước phát triển, ngoài áp lực về học thuật, An cũng chật vật đối mặt với nhiều cú sốc. Cộng dồn những áp lực theo ngày, theo tháng, An nhiều lần muốn bỏ cuộc để về nước.

"Nhưng khi nghĩ lại thời điểm bản thân rẽ ngang sang con đường nghiên cứu, tôi dần thức tỉnh về sứ mệnh mà mình đã đặt ra, đó là phải đi tìm cái mới. Không lâu sau, tôi đã vượt qua và "chạy" một cách vững vàng hơn", An chia sẻ.

Kỹ sư Việt nhận 3 học bổng toàn phần tiến sĩ ảnh 2

An (thứ 2 từ trái qua) tiếp tục học nghiên cứu sinh ở Anh trong thời gian tới.

Vừa tốt nghiệp thạc sĩ năm nay, An tiếp tục nhận 3 học bổng toàn phần nghiên cứu sinh của Queen’s University Belfast, Anh; Viện nghiên cứu khoa học quốc gia, trường Đại Học Quebec, Canada; trường Đại Học Kansas, Hoa Kỳ.

Chàng trai quyết định đến Anh để tiếp tục lộ trình. Một phần vì đây là ngôi trường top đầu về ảnh hưởng của nghiên cứu và chỉ có 6 suất học bổng cho học viên quốc tế.

Có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo nhưng An cũng đối mặt với nhiều sự kỳ vọng vì đây là một lĩnh vực đang hot và có tính cập nhật, phát triển nhanh chóng.

Vì vậy, anh bạn đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ nếu muốn học lên cao: "Hãy xác định được năng lực của bản thân, có mục đích và kế hoạch sau khi học lên cao để luôn giữ được lửa nghiên cứu. Đặc biệt, hãy xây dựng mạng lưới (networking) trong quá trình học tập để khai thác thông tin và giải quyết vấn đề từ những người đi trước".

MỚI - NÓNG