Ngày 23/9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020. Tham dự buổi gặp mặt, có bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia được tổ chức 2 năm một lần, nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN, châu Á và thế giới; theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới.
Cùng đó, tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và góp phần thực hiện việc liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tại tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó có thể nâng tầm kỹ năng đội ngũ lao động trẻ Việt Nam trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Ban Tổ chức kỳ thi cho biết, số nghề tổ chức thi là 34 nghề trong đó 31 nghề chính thức và 3 nghề thi trình diễn gồm: Công nghệ Ô tô; Chăm sóc sắc đẹp; Bảo trì máy CNC; Nấu ăn; Lắp đặt điện; Điện tử; Công nghệ Thời trang; Thiết kế Đồ họa; Thiết kế các kiểu tóc; Tự động hóa công nghiệp; Lắp cáp mạng thông tin; Kết nối vạn vật - IOT; Quản trị Hệ thống mạng công nghệ thông tin; Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin; Cơ Điện tử; Thiết kế Kỹ thuật Cơ khí - CAD; Robot di động; Điện lạnh; Dịch vụ nhà hàng; Thiết kế và phát triển trang Web; Điều khiển Công nghiệp; Hàn; Ốp lát tường và sàn; Lắp đặt đường ống nước; Xây gạch; Mộc mỹ nghệ; Mộc dân dụng; Sơn ô tô; Phay CNC; Tiện CNC; Dịch vụ lễ tân; Chăm sóc sức khỏe và xã hội.
Ngoài ra, 3 nghề sẽ tổ chức thi trình diễn gồm: Hệ thống chuyển tiếp nhanh; Thiết kế Thời trang kỹ thuật số và Làm bánh mỳ.
Năm nay, Ban Tổ chức đã thành lập 5 hội đồng thi quốc gia lần lượt do các bộ, ngành chủ trì, gồm: Bộ Công Thương, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội cùng với 2 tiểu ban giúp việc cho Ban Tổ chức có sự tham gia của doanh nghiệp và các Hiệp hội nghề nghiệp.
Để đảm bảo cho kỳ thi được diễn ra hiệu quả và công bằng, quy chế kỳ thi cũng có những điều chỉnh so với trước. Trong đó, nổi bật là thời gian làm bài thi đã được tăng lên không quá 15 tiếng tiệm cận với kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN (trước đây không có 8 tiếng). Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian diễn ra thi.
Thông qua kỳ thi, Ban Tổ chức có thể tuyển chọn thí sinh có năng lực tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 13, châu Á năm 2020 và thế giới lần thứ 46 năm 2021.