Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Áp lực, gây khó?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một kỳ thi vượt cấp mà học sinh phải luyện thi từ vài năm trước, với mỗi ngày học thêm 2-3 ca, là quá áp lực. Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục phân tích cho thấy, áp lực không chỉ đến từ phân luồng, định hướng nghề nghiệp.

Nên bỏ môn thi thứ tư

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội thường được tổ chức vào tháng 6 hằng năm. Nhiều năm trở lại đây, với định hướng học sinh học đều các môn, không học lệch, phân biệt môn chính, môn phụ nên Hà Nội tổ chức kỳ thi với 4 môn thi, trong đó 3 môn học sinh biết trước gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Riêng môn thi thứ 4 thường cách kỳ thi vài tháng, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức bốc thăm trong các môn còn lại gồm: Sinh học, Hoá học, Vật lí, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Hiện nay nhiều phụ huynh đang đề nghị Sở GD&ĐT bỏ môn thi thứ tư vì quá gây áp lực cho cả học sinh và gia đình.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Áp lực, gây khó? ảnh 1

Nhiều học sinh căng thẳng, mệt mỏi vì ôn thi vượt cấp Ảnh: PV

Nhiều phụ huynh cũng lên tiếng phản đối phương thức tổ chức thi tuyển lớp 10 của Hà Nội chỉ dành 60% chỉ tiêu vào trường THPT công lập, 40% còn lại đi học trường tư, học nghề, Trung tâm GDTX- GDNN là cách làm gây sức ép lớn đối với học sinh.

Chị Nguyễn T.D, có con học lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng nói rằng: “Học sinh lớp 9 ở độ tuổi ẩm ương, ăn chưa no lo chưa tới thử hỏi làm sao để quyết định nghề nghiệp trong giai đoạn này. Nếu không muốn học nghề, không có tiền để học các trường dân lập, học phí đắt đỏ thì chỉ có một con đường là buộc phải thi đỗ trường công. “Với áp lực đó, ngay từ khi lên THCS, cha mẹ phải cho con ăn vội bánh mì, chạy sô học ca ở các lớp luyện thi đến đêm. Tại sao hệ thống trường THPT công lập không rộng cửa hơn cho học sinh?”.

Năm 2022, trên mạng xã hội phụ huynh “tố” giáo viên Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy ép học sinh có năng lực yếu kém không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Áp lực thiếu trường công, bệnh thành tích

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên bộ môn Hoá học, Hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng, áp lực thi tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, gây ra sự bức xúc cho phụ huynh và căng thẳng, áp lực cho hàng ngàn học sinh. Nguyên nhân là do thiếu trường công lập, sự kỳ vọng của phụ huynh, áp lực thành tích của đội ngũ giáo viên… chứ không hẳn nằm ở ba hay bốn môn thi.

Theo thầy Ngọc, nguyên nhân lớn nhất gây áp lực học sinh trong kỳ thi này là kỳ vọng từ phía phụ huynh. Khi năng lực của con chỉ đạt ở tầm 7 điểm nhưng phụ huynh luôn muốn con nỗ lực để đạt điểm 9, thi đỗ vào trường tốp đầu, trường chất lượng cao, thậm chí trường chuyên. “Điều này khiến học sinh bị đặt vào những nguyện vọng quá sức, dẫn đến sự lo lắng, bất an, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của học sinh. Kỳ vọng đó cũng tạo ra áp lực cao độ cho phụ huynh. Ban ngày cha mẹ đi làm, nhưng tối phải thức cùng con học bài, tìm chỗ học thêm và căng thẳng theo sự thành công hay thất bại của con.”, thầy Ngọc nói.

“Cách tính nguyện vọng sau phải cao điểm hơn nguyện vọng trước dễ dẫn đến tính toán sai, mất cơ hội cũng gây ra tâm lý lo lắng, sợ hãi cho phụ huynh, học sinh. Trong khi đó, Hà Nội hoàn toàn có thể tham khảo cách tuyển sinh “không giới hạn nguyện vọng” như khi xét tuyển vào đại học”

Thầy Vũ Khắc Ngọc

Nguyên nhân thứ 2 là các trường THCS vẫn căn cứ tỉ lệ học sinh đỗ trường THPT công lập để đánh giá thành tích giáo viên. Do đó, thầy cô và nhà trường cũng tăng sức ép để bắt các con phải có kết quả tốt.

Cũng theo thầy Ngọc, ở nhiều địa phương cũng tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhưng phụ huynh ít quan tâm hơn đến việc chọn trường tốp đầu, tốp giữa hay trường chuyên do đó học sinh ít bị áp lực hơn. Trong khi đó, tại Hà Nội, nhà nhà, người người đặt ra mục tiêu con phải thi đỗ ngôi trường “trong mơ” đòi hỏi học sinh phải học ngày học đêm, áp lực rất lớn.

Một nguyên nhân cuối cùng đến từ phía các nhà quản lý, đó là Hà Nội có lượng học sinh đông nhưng tại các quận nội thành, quỹ đất để xây dựng các trường công lập gần như đã cạn kiệt. Hà Nội phân luồng sau THCS và chỉ dành 60% chỉ tiêu cho bậc THPT. Điều này làm cho nhiều học sinh và phụ huynh cảm thấy lo lắng vì không có đủ cơ hội để học tập tại các trường mà họ muốn.

Phương thức tuyển sinh lạc hậu

Phương thức mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra đã tồn tại hàng chục năm, đến nay đã lạc hậu nhưng vẫn không thay đổi. Đó là, chỉ cho phép học sinh đăng ký 3 nguyện vọng, và điểm chuẩn của nguyện vọng sau phải cao hơn nguyện vọng trước.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp nói rằng, thực tế học sinh bậc THCS học và thi vượt cấp hiện nay còn khổ hơn thi đại học. Hà Nội phân luồng sau THCS chỉ với 60% học sinh lên THPT là rất cứng nhắc. Áp lực việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp sớm chỉ nên dành cho những em yếu kém, không có năng lực, điều kiện để tiếp tục theo chương trình THPT. “Ngoài ra, phải đánh giá lại xem hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thị trường lao động sau đó có đủ hấp dẫn, thu hút học sinh hay không…”, ông Vinh nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, trước đây Nghệ An thi tuyển lớp 10 bằng cả bài thi tổ hợp nhưng sau này đã giảm xuống còn 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh. Nhiều địa phương, trong đó có TPHCM chọn 3 môn để thi vào lớp 10. Đây là cách làm minh bạch, không đánh đố thí sinh.

MỚI - NÓNG
Việt Nam xuất khẩu gạo cho 3 tỷ người làm lương thực chính
Việt Nam xuất khẩu gạo cho 3 tỷ người làm lương thực chính
TPO - Gạo là lương thực chính của 3 tỷ người, toàn cầu có 117 nước và vùng lãnh thổ trồng lúa nhưng trên 90% gạo được sản xuất và tiêu thụ ở châu Á. Riêng Việt Nam, trong 35 năm qua đã xuất khẩu hơn 158 triệu tấn gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 15% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Bình luận

Có thể bạn quan tâm