Lâm Đồng: Buôn xa ngày càng gần, hộ nghèo ngày càng giảm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những tuyến đường bụi mù, trắc trở ngày nào giờ đã được thảm bê tông hoặc đá cấp phối làm cho buôn làng xa xôi ở Lâm Đồng ngày càng gần với khu vực trung tâm. Hàng hóa được thông thương giúp phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lâm Đồng: Buôn xa ngày càng gần, hộ nghèo ngày càng giảm ảnh 1

Đường vào vùng xa xã Gung Ré rộng rãi, thuận lợi hơn

Mở đường cho xe tải vào nương rẫy

Theo ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh, Lâm Đồng), xã có 6 thôn với hơn 1.640 hộ (gần 7.000 khẩu); trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 45%, sinh sống chủ yếu ở 3 thôn.

Từ năm 2021 đến nay, xã đã hoàn thành xây dựng 19 tuyến đường vào thôn bản với chiều dài 6,8km; trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 4,9 tỷ đồng, còn người dân đóng góp 5,8 tỷ đồng và hiến toàn bộ đất cần giải tỏa để mở đường.

Đặc biệt, xã và các thôn đã tích cực vận động để người dân hiến đất và đóng góp toàn bộ số tiền lên tới 6,9 tỷ đồng để mở 5 tuyến đường vào nương rẫy, khu sản xuất với chiều dài trên 15km.

Đến nay, tất cả các tuyến đường đến thôn bản, đường vào khu sản xuất của người dân ở xã Gung Ré đều được mở rộng, cứng hóa mặt đường để có thể đi lại bằng ô tô, xe máy.

Nhận thấy nhu cầu bức thiết của người dân về sân phơi cà phê và cũng là sân chơi cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa, từ năm 2022 đến nay, xã đã hỗ trợ 41 hộ nghèo ở 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số làm sân bê tông và xây hàng rào kiên cố. Định mức hỗ trợ là 10 bao xi măng cho mỗi hộ. Có được sự hỗ trợ này, các hộ nhanh chóng mua cát, đá và bỏ công sức ra xây dựng các công trình trên.

Hàng Làng là thôn có điều kiện kinh tế khó khăn với hơn 1.750 nhân khẩu, nhưng người dân (hầu hết thuộc tộc người K’Ho) vẫn rất nhiệt tình tham gia hiến đất và đóng góp tiền để làm đường.

Vừa qua, khi xã phổ biến chủ trương làm 1km đường ngang qua đất của 30 hộ, người dân thôn Hàng Làng đã hiến 100% đất và tài sản, cây trồng trên đất; đồng thời tự nguyện đóng góp 30% trong tổng số tiền đầu tư để làm con đường đủ rộng cho ô tô ra vào vận chuyển hành khách, hàng hóa...

Ông Phạm Thành Đồng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Di Linh cho biết, phương châm của huyện Di Linh là tìm mọi cách giải thích cho người dân hiểu rõ việc hiến đất làm đường tuy có thiệt hại ban đầu đối với các hộ gia đình nhưng mang lại lợi ích lâu dài.

“Qua công tác vận động hiến đất làm đường cho thấy nhân tố mang tính quyết định là vai trò lãnh đạo của cả hệ thống chính trị kết hợp với già làng, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau đã làm thay đổi nếp nghĩ, khiến người dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hiến đất làm đường”, ông Đồng chia sẻ.

Chỉ còn 5% hộ nghèo

Đường thông hè thoáng, sân phơi rộng rãi khiến bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt, đặc biệt là tạo điều kiện để triển khai đạt hiệu quả các mô hình sản xuất mới. Ngày nay, dọc theo những con đường bê tông rộng rãi hay đường đá cấp phối là những rẫy cà phê và vườn cây ăn trái trĩu quả.

Số liệu thống kê của UBND xã Gung Ré cho thấy, địa phương có hơn 4.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 1.600 ha cà phê, hơn 200 ha lúa nước, hàng trăm héc ta dâu tằm, cây ăn quả (bơ, sầu riêng, mắc ca, chanh dây…) và nhiều diện tích rau màu các loại.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào canh tác; đồng thời áp dụng các quy trình kỹ thuật, nên năng suất cây trồng tăng cao. Chẳng hạn, sau khi tái canh, năng suất cà phê tăng từ 2-2,5 tấn/ha lên 3-3,5 tấn/ha.

Lâm Đồng: Buôn xa ngày càng gần, hộ nghèo ngày càng giảm ảnh 2

Sau khi tái canh, cây cà phê cho năng suất, chất lượng cao hơn

Đối với các thôn vùng sâu vùng xa, xã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng…; nhiều hộ nghèo được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhằm tăng thu nhập. Xã còn khuyến khích phát triển kinh tế du lịch dưới tán rừng, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa của người K’Ho.

Nhờ vậy, doanh thu trên cùng đơn vị diện tích canh tác của xã đạt bình quân gần 150 triệu đồng/ha/năm, tăng 30 triệu đồng/ha so với 2 năm trước; thu nhập tăng từ 38 triệu đồng (năm 2021) lên 48 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, số hộ nghèo giảm xuống còn 82/1.640 hộ, chiếm tỷ lệ 5%. Từ một trong những xã khó khăn nhất của huyện Di Linh, Gung Ré đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

MỚI - NÓNG