Lạm dụng xét nghiệm chẩn đoán ung thư: Vừa 'hại đủ đường' vừa rước lo vào người

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Tối hôm qua có một người dân - tôi gọi như vậy vì họ không phải là bệnh nhân - nhắn tin riêng cho tôi mong được giúp đỡ. Anh này nói rằng mình đang sợ hãi phát trầm cảm, sắp phải uống thuốc vì nghĩ mình có thể bị ung thư.

Chuyện là bỗng dưng được một bác sĩ nào đó 'xui' xét nghiệm máu sàng lọc ung thư. Anh này được làm tới 17 dấu ấn ung thư: CEA, CA 19.9, CA 72.4, SCC, Cyfra 21.1, AFP, PSA, LDH, ALP, NSE, Calcitonin, PAP, TG, anti TG, TPA, EMA, B2M. Tất nhiên kết quả đều bình thường.

Tuy nhiên, anh này thấy AFP của mình là 13 ng/ml cao hơn so với tham chiếu là 0 - 7 ng/ml thì về nhà mất ăn mất ngủ, tra google nghe nói nếu dấu ấn ung thư cao nghĩ mình bị ung thư.

Sau khi tôi kiên nhẫn giải thích thì anh này trút được nỗi sợ, cảm thấy như được 'sống lại lần nữa'.

Đến giờ tôi vẫn mãi không hiểu tại sao lại có những bác sĩ lại 'xui' người dân 'sàng lọc phát hiện sớm ung thư chỉ bằng vài ml máu'. Và khi bệnh nhân đồng ý làm một đống xét nghiệm rồi lo lắng đến mất ăn mất ngủ với kết quả vừa nhận được, sao bác sĩ đó không giải thích kết quả cho người nhận một cách rõ ràng, mạch lạc chứ.

DẤU ẤN UNG THƯ

Dấu ấn ung thư (chỉ điểm u, tumor markers) được sản xuất một lượng lớn bởi khối u có thể phân biệt u lành với ung thư hoặc phát hiện được khối u bằng xét nghiệm máu. Một số tumor markers đặc hiệu với một loại ung thư nào đó, số khác gặp trong nhiều loại ung thư. Phần lớn các tumor markers còn tăng trong những bệnh không phải là ung thư. Do đó tumor markers sử dụng đơn lẻ không phải là công cụ chẩn đoán ung thư.

Đặc điểm của tumor markers lý tưởng phải gồm:

1. Đặc hiệu cơ quan và đặc hiệu khối u (specificity).

2. Tương ứng với kích thước và hoạt động của khối u.

3. Chỉ dương tính khi là ung thư.

4. Dương tính sớm trong giai đoạn phát triển bệnh ác tính.

5. Dễ dàng đo lường được.

TẠI THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI KHÔNG CÓ TUMOR MARKERS NÀO THỎA MÃN TẤT CẢ CÁC TIÊU CHUẨN TRÊN.

Phần lớn tumor markers có ở mô bình thường, u lành và u ác và không đủ đặc hiệu để dùng cho sàng lọc ung thư.

Ví dụ CEA là protein trên bề mặt tế bào, chỉ điểm cho ung thư đại trực tràng, dạ dày ruột, phổi và vú. CEA còn tăng ở người nghiện thuốc lá, xơ gan, polyp trực tràng, viêm loét trực tràng, bệnh tuyến vú lành tính. Không dùng CEA cho sàng lọc ung thư. Ngược lại một người ung thư dạ dày nhưng không nhất định phải có CEA tăng.

CA 19.9 là dấu ấn của carcinoma đại trực tràng và tụy. Tuy nhiên nó cũng có thể tăng ở bệnh nhân ung thư gan mật, dạ dày, tế bào gan và nhiều bệnh lành tính như viêm tụy, bệnh dạ dày ruột.

Lạm dụng xét nghiệm chẩn đoán ung thư: Vừa 'hại đủ đường' vừa rước lo vào người ảnh 1

Kết quả xét nghiệm 'tìm' ung thư

Tumor markers chỉ tham gia vào công việc tiếp cận chẩn đoán chứ một mình nó không dùng để chẩn đoán ung thư, càng không dùng để sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Tumor markers ở bệnh nhân ung thư tương ứng với kích thước khối u và/hoặc hoạt động của khối u. Nhưng không phải ung thư nào cũng tăng tumor markers. Tumor markers chủ yếu được dùng để phân nhóm nguy cơ, tiên lượng, theo dõi đáp ứng điều trị, nghi ngờ tái phát của bệnh nhân ung thư.

Lạm dụng xét nghiệm dấu ấn ung thư hại nhiều hơn lợi. Có bệnh nhân ung thư rồi, không thấy dấu ấn ung thư tăng thì reo lên "Thế chắc tôi bị u lành". Có người khoẻ mạnh thấy kết quả xét nghiệm của mình cao hơn chỉ số tham chiếu thì hoảng sợ mất ăn mất ngủ suy sụp, thậm chí lập tức uống lang băm lá lẩu ngay.

Vì vậy, chẩn đoán ung thư bao gồm hỏi bệnh sử, tuổi hay bị ung thư đó, các yếu tố nguy cơ, tiền sử phơi nhiễm, khám lâm sàng tìm kiếm triệu chứng và tổn thương, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết làm giải phẫu bệnh, sử dụng những tumor markers nghĩ đến cơ quan/khối u nào đó...

MỚI - NÓNG