Làm gì để không còn những cuộc 'hành xác' mang tên du lịch nghỉ lễ?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bức tranh du lịch quá tải khắp nơi cùng chốn trong các dịp nghỉ lễ không có gì mới. Nó lặp đi lặp lại nhiều mùa nghỉ lễ. Đây không phải là tín hiệu vui với ngành du lịch, ngược lại cảnh báo rủi ro và bất lợi cho nhiều bên. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) trao đổi với Tiền Phong xung quanh câu chuyện này.

+ Ông có nhận định thế nào về bức tranh du lịch nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5?

- Thông tin trên truyền thông cho thấy, ngay từ trước kỳ nghỉ lễ và những ngày đầu tiên nghỉ lễ, có hiện tượng quá tải ngay trên đường. Những ngày sau đó, một loạt điểm đến người Việt yêu thích như bãi biển, khu danh lam thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng đều rất đông đúc, quá tải. Ngay cả điểm tham quan gần Hà Nội cũng khiến nhiều người than phiền vì trải nghiệm dịch vụ du lịch không trọn vẹn. Đó là hiện tượng thường thấy vào mùa nghỉ lễ dài ngày hoặc lễ hội.

Hiện tượng này lặp đi lặp lại như thế vừa không có lợi cho du khách bởi họ không được hưởng dịch vụ tốt nhất, lại vừa không tốt cho người lao động du lịch và tác động tiêu cực đến ngành du lịch. Chỉ đơn cử việc nhiều khách du lịch phải mất 4-5 tiếng mới qua được phà Cát Bà trong điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ thấy, nếu chúng ta giải quyết được câu chuyện giảm tải sẽ tốt cho tất cả các bên.

Làm gì để không còn những cuộc 'hành xác' mang tên du lịch nghỉ lễ? ảnh 1

Nhiều người buộc phải chờ 4-5 tiếng mới qua được bến phà đến Cát Bà. Ảnh: NGUYỄN HOÀN

+ Quá tải luôn là điều các nhà quản lý, người làm du lịch dự đoán, thế nhưng có hiện tượng các nhà quản lý điểm đến dù biết quá tải nhưng không cảnh báo vì lo ngại không hút được khách đến thật đông?

- Tôi nghĩ rằng nguyên nhân gây ra tình trạng này có nhiều, không chỉ do sự cảnh báo của điểm đến. Gần đây khi TAB làm khảo sát, chúng tôi thấy có hiện tượng sau COVID-19 khách đặt tua sát ngày hơn, hoặc không đặt tua và cứ thế lên đường chiếm tỉ lệ khá cao. Điều đó chứng tỏ khách có tâm lý không chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi. Họ không lường trước được các tình huống sẽ gặp phải.

Những người như vậy rõ ràng không phải khách du lịch thông minh. Khi ta đặt trước tua, dịch vụ thì hoàn toàn có thể tìm hiểu được tình trạng quá tải, tìm hiểu chất lượng dịch vụ. Đại dịch COVID-19 khiến xu hướng du lịch dịch chuyển từ đi đám đông sang đi nhóm nhỏ, đi theo gia đình. Chính những người thân trong gia đình càng cần sự chăm sóc dịch vụ chu đáo hơn. Thế nhưng nhiều người Việt lại xem nhẹ sự chuẩn bị trước mỗi chuyến đi.

Còn một điều nữa, các địa phương sau thời gian thiếu hụt khách có tâm lý cố gắng thu hút khách quay trở lại nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, các địa phương càng cần phải thể hiện vai trò nghiên cứu, dẫn dắt, cảnh báo mạnh mẽ hơn.

Làm gì để không còn những cuộc 'hành xác' mang tên du lịch nghỉ lễ? ảnh 2

Khu vui chơi giải trí ở Hà Nội cũng đông nghẹt người. Ảnh: DUY PHẠM

+ Vừa rồi một vài địa phương như Hà Nội, Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Cát Bà (Hải Phòng) bắt đầu lên tiếng cảnh báo nhằm chuẩn bị tâm lý trước cho du khách. Vậy theo ông, về lâu dài làm thế nào để giải quyết bài toán quá tải dịp nghỉ lễ?

- Ở các nước du lịch phát triển, thường họ có các nghiên cứu sâu về sức chứa của điểm đến. Khi vượt quá sức chứa thì không chỉ dịch vụ kém đi mà còn phá hủy môi trường thiên nhiên, phá sức chịu tải của cơ sở hạ tầng, thậm chí có nơi không đủ sức cung cấp nước sạch, không đáp ứng thoát nước thải. Vì vậy từng địa phương cần có nghiên cứu đầy đủ về sức chứa của mình, khi có rồi cần có lời cảnh báo của từng địa phương và tổng quan trên cả nước để hướng cho khách du lịch tới những điểm đến đảm bảo dịch vụ du lịch tốt nhất.

Làm gì để không còn những cuộc 'hành xác' mang tên du lịch nghỉ lễ? ảnh 3

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB đề xuất cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về kịch bản xử lý khủng hoảng đám đông trong ngành du lịch, hoặc đối với các sự kiện thu hút đông người.

Một trong những giải pháp dài hơi hơn còn ở chỗ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thể tìm cách dàn trải thời gian khách du lịch có thể trải nghiệm quanh năm, không nên chỉ tập trung vào các kỳ nghỉ lễ. Tôi nghĩ rằng phải có cơ quan đứng ra làm nghiên cứu, phải có giải pháp tổng thể để xem xét những bài học điển hình, bài học kinh nghiệm hay của các nước trong vấn đề giải quyết tình trạng quá tải.

Một số chuyên gia du lịch châu Âu khi sang giúp Việt Nam xây dựng đề án phát triển du lịch bền vững có đưa ra khái niệm xử lý khủng hoảng đám đông. Khi tổ chức sự kiện như lễ hội lớn, sự kiện thu hút đông người họ đề xuất cần có sự phân luồng giao thông ở những thời điểm đặc biệt, có phương án về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Hiện nay chúng ta chưa thực sự bắt tay nghiên cứu, tất cả mới chỉ đưa ra những suy đoán chưa toàn diện, chưa bài bản khoa học. Giải pháp tổng thể nói trên không chỉ thuộc về ngành du lịch, mà gắn bó mật thiết còn có ngành giao thông vận tải, các cơ quan quản lý điểm đến, ý thức của cộng đồng địa phương cũng như nhận thức của người đi du lịch.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...