Làm gì khi người yêu mình "tính toán chi ly"?

Làm gì khi người yêu mình "tính toán chi ly"?
SVVN - Những cuộc tranh cãi lớn nhất của bọn em có vẻ liên quan đến cách tiêu tiền. Em thích những thứ “tử tế” một chút. Còn người yêu thì… có lẽ anh ấy sống trong hang động cũng được! Em sắp không chịu được nữa rồi, xin hãy giúp em!

 Tiến sĩ Tâm Tư thân mến,

 Bọn em đều là sinh viên thuê nhà ở trên thành phố để đi học. Bọn em yêu nhau được hai năm rồi và mọi chuyện đang tệ dần đi. Em cứ tưởng mình đã tìm được “tri kỷ” nhưng giờ thì có vẻ bọn em chẳng đồng thuận được việc gì! Lúc mới yêu nhau, cái gì bọn em cũng đồng ý với nhau. Còn bây giờ, đến việc buổi sáng ăn gì cũng có thể khiến bọn em “mặt nặng mày nhẹ”.

Những cuộc tranh cãi lớn nhất của bọn em có vẻ liên quan đến cách tiêu tiền. Em thích những thứ “tử tế” một chút. Còn người yêu của em thì… có lẽ anh ấy sống trong hang động cũng được!

 Mỗi khi em mua một thứ gì đó mới, dù là cho em (cái áo chẳng hạn) hay cho cả hai đứa (một cái nồi cơm điện mới, vì em nấu ăn cho cả hai) thì người yêu em đều có vẻ không hài lòng. Hình như anh ấy khó chịu về từng đồng tiền phải chi ra.

Từ nhỏ, em đã quen nghĩ rằng, tiền là phương tiện giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn. Em biết là hoàn cảnh gia đình anh ấy khó khăn hơn và anh ấy quen sống chắt bóp rồi.

Nhưng em không hề lãng phí, không hề chi tiêu quá tay. Em chỉ thấy thật vô lý khi em cứ phải giải thích, cứ phải “tự vệ” mỗi lần em mua thứ gì đó mà không nói với anh ấy trước (dù em không tiêu tiền của anh ấy!).

          Em thấy mình sắp không chịu được nữa rồi, xin hãy giúp em!

          Kính thư!

          G.

Em G. thân,

          Thư của em không phải là lá thư đầu tiên mà tôi nhận được về “chủ đề” này.

          Tiền bạc có lẽ là một trong vài vấn đề lớn nhất dẫn đến sự bất đồng của các cặp đôi.

Em có nói rằng, khi mới yêu, hai em “cái gì cũng đồng ý với nhau”. Điều này cũng không lạ. Trong giai đoạn bắt đầu tình yêu, cả hai người đều có rất nhiều bối rối, rất nhiều lúng túng, khiến đôi khi, họ bỏ qua những vấn đề mà về sau có thể gây ra mâu thuẫn. Lúc này, thay vì tìm hiểu xem giữa đôi bên có những điểm khác biệt gì, các cặp đôi lại đang say sưa trong cảm giác… mới có người yêu!

Sau khi yêu một thời gian, mỗi người bắt đầu đặt các giới hạn của mình rõ ràng hơn và những khác biệt vốn đang “chìm nghỉm” bắt đầu nổi lên. Tôi nghĩ, đây cũng là vấn đề trong tình yêu của em. Mà vì hai em hiện nay “không đồng thuận được việc gì” thì rất có thể, có một lý do sâu xa nào đó mà hai em đều muốn nói ra nhưng chưa thể. Thành ra, sự khó chịu lại dồn về vấn đề tiền bạc (vốn là chuyện dễ gây mâu thuẫn).

Bởi thông thường, những vấn đề tiền bạc phản ánh sự thiếu gắn kết về cảm xúc trong tình yêu. Một cặp đôi không thể trao đổi về những nhu cầu cảm xúc của mình thì mới dẫn đến và “nuôi dưỡng” những vấn đề chi tiêu như thế.

Làm gì khi người yêu mình tính toán chi ly?

Dù em muốn tin hay không thì tiền bạc và tình yêu đôi khi tượng trưng cho nhau, về các khía cạnh như cho, nhận, chia sẻ… Giờ em hãy tạm gác vấn đề tiền bạc sang bên và tự hỏi mình câu này: “Mình có thực sự cảm thấy mình nhận được đủ yêu thương và thấu hiểu từ người yêu mình không?”. Rồi, hỏi người yêu của em cùng câu đó!

Tôi sẵn sàng “cá cược” rằng, cả hai em đều chưa thực sự chia sẻ chân thành về những vấn đề khác: Chính là sự gắn bó tận tụy, sự trọn vẹn về cảm xúc trong tình yêu này. Và rồi, hãy dành thời gian để nói chuyện với nhau, tìm hiểu xem bạn trai em đang thực sự cảm thấy thế nào, thiếu thốn điều gì (lòng tin, cảm giác yên tâm, sự quan tâm…?). Em cũng nên nói ra những gì mình cảm thấy. Nếu có thể làm như vậy, tôi đảm bảo rằng, sau đó, hai em có thể thảo luận vấn đề tiền bạc một cách dễ dàng.

Giao tiếp trung thực về những cảm xúc sâu xa và tin tưởng rằng, mình có thể làm thế mà không bị chê bai, trách móc, không khiến cho người kia “phòng thủ”, chính là chìa khóa để giữ gìn hạnh phúc của bất kỳ cặp đôi nào.

          Thân ái.

Tiến sĩ Tâm Tư

tiensitamtu@gmail.com

Theo Báo Sinh Viên Việt Nam số 42
MỚI - NÓNG
ĐHQG TP. HCM tiên phong trong việc giảm bớt phương thức thức tuyển sinh vào năm 2025
ĐHQG TP. HCM tiên phong trong việc giảm bớt phương thức thức tuyển sinh vào năm 2025
SVVN - PGS. TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP. HCM cho biết, năm 2025, ĐHQG TP. HCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: (1) Xét tuyển thẳng; (2) Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức; (3) Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, ĐHQG TP. HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Có thể bạn quan tâm