Lạm thu đầu năm học: Quy trách nhiệm hiệu trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù Sở GD&ĐT các địa phương có hướng dẫn, chỉ đạo về khoản thu, các khoản cấm thu thế nhưng bằng nhiều cách khác nhau, một số trường học vẫn cố tình thu đủ loại tiền, từ tiền ghế ngồi, bảo hiểm tự nguyện, học thêm… lên tới hàng triệu đồng.

Đầu năm học mới 2023 - 2024, phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Thanh Miện 3, tỉnh Hải Dương hốt hoảng khi được giáo viên chủ nhiệm gửi danh sách lên tới 21 khoản thu cùng lúc. Trong đó, có những khoản thu hết sức vô lý. Mỗi học sinh phải đóng tiền triệu bao gồm: tiền ghế ngồi (25.000 đồng), bảo hiểm thân thể (300.000 đồng), phí khảo sát (180.000 đồng), phí kiểm tra chung (200.000 đồng), tiền tivi (15.000 đồng), học thêm hè (920.000 đồng), học thêm (2.176.000 đồng); quỹ lớp 500.000 đồng, phô tô tài liệu 200.000 đồng, vở ghi 225.000 đồng…

Riêng khoản đồng phục học sinh, theo quy định, nhà trường chỉ thông báo mẫu mã, giá tiền phụ huynh tự nguyện đăng ký mua với số lượng theo nhu cầu hoặc tự mua ở ngoài thì trường này yêu cầu học sinh mua tới 8 món, trong đó có tới 2 bộ thể dục thể thao và 1 bộ quốc phòng với số tiền 1.464.000 đồng. Tổng cộng tất cả các khoản thu lên tới gần 9 triệu đồng/học sinh.

Lạm thu đầu năm học: Quy trách nhiệm hiệu trưởng ảnh 1

Trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương)

Sau khi kiểm tra, Sở GD&ĐT Hải Dương kết luận Trường THPT Thanh Miện 3 có 2 khoản thu cao hơn theo quy định; 4 khoản giáo viên tự triển khai không có trong hướng dẫn của trường và nhiều khoản nhà trường triển khai không có trong quy định liên quan: vở ghi, ghế ngồi, phí khảo sát, quỹ lớp…

Ngoài việc nhận trách nhiệm về mình, ông Phạm Văn Hy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện lý giải, một số khoản thu giáo viên không hiểu rõ nên lập bảng thống kê nhầm lẫn: “Khi đang lập bảng kê thì nhà có việc đột xuất nên không kiểm tra đối chiếu dẫn đến sai sót và nhầm lẫn so với kế hoạch dự kiến của nhà trường”.

Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT quy định các khoản trường học không được phép thu của phụ huynh bao gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học của trường, lớp; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng trường, lớp…

Trường tiểu học Kim Tân, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) cũng thông báo các khoản thu lên tới 5 triệu đồng, trong đó có những khoản vô lý, thậm chí chồng chéo nhau như; tiền trực nhật, tiền vệ sinh trường, lớp; quỹ lớp, quỹ phụ huynh, tiền phô tô…

Trường này sau đó đã bị buộc phải dừng các khoản thu không đúng quy định, đồng thời trả lại tiền cho phụ huynh đã nộp.

Chị Đặng Thu Hà, có 2 con theo học công lập ở bậc tiểu học, THCS tại Hà Nội chia sẻ, số tiền dồn đầu năm của các con lên đến hơn chục triệu đồng gồm: sách giáo khoa, đồng phục, quỹ lớp,... khiến gia đình phải chật vật xoay xở.

“Nhiều năm trước cho thấy, tiền quỹ lớp Ban phụ huynh đề xuất mức thu rất cao nhưng chi trực tiếp cho hoạt động của học sinh rất ít, tiền chi quà cáp thầy cô giáo lễ Tết, mua sắm thiết bị trong lớp học nhiều. Thậm chí, có năm học đến cuối năm vẫn có người đề xuất thu thêm tiền làm rèm cửa, mua cây nước mới”, chị Hà nói.

Lạm thu đầu năm học: Quy trách nhiệm hiệu trưởng ảnh 2

Các khoản thu sai so với quy định của Trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương)

Trong khoản thu tự nguyện, thường có khoản thu học thêm các môn liên kết. Theo một số phụ huynh, mang tiếng là tự nguyện nhưng cả lớp đăng ký, nếu “trừ con mình ra sẽ lập tức có vấn đề”.

“Ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ gọi điện trao đổi, thuyết phục phụ huynh đăng ký vì: “cả lớp chỉ có một mình con không học sẽ không theo kịp”. Cuối cùng, mình cũng đành ký vào tờ đơn tự nguyện cho xong”, phụ huynh một trường THCS tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) nói.

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu

Liên quan những sự việc để xảy ra lạm thu ở trường học kể trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương cho rằng, do hiệu trưởng nhà trường triển khai thu chưa bám sát danh mục các khoản thu theo quy định. Sở GD&ĐT Hải Dương yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục cũng như cá nhân liên quan đồng thời tiếp tục, kiểm tra, làm rõ những sai phạm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan, chấn chỉnh “lạm thu” đầu năm học ở tất cả trường học.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Trần Thế Cương cho biết, nếu để xảy ra lạm thu sẽ quy trách nhiệm hiệu trưởng các nhà trường. Thậm chí, hành vi lạm thu nếu có sẽ bị chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý.

“Riêng các khoản liên quan việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong năm học hoặc khoản thu xã hội hoá, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện. Điều quan trọng nữa là vấn đề thu, chi trong trường học phải công khai, minh bạch để phụ huynh nắm được”, ông Cương nói.

Đầu năm học mới, để chấn chỉnh “lạm thu” các Sở GD&ĐT đều có hướng dẫn thu, chi đồng thời có “lệnh” cấm các trường thu các khoản ngoài quy định hoặc thu vượt mức quy định. Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu nhà trường không dồn thu nhiều khoản vào một thời điểm, gây áp lực, khó khăn cho phụ huynh.

MỚI - NÓNG