Lấn di sản được gì?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi nguồn khoáng sản than với trữ lượng lớn nhất nước, có vịnh Hạ Long 3 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Đến nay, than lộ thiên khai thác sắp cạn kiệt và đang khai thác xuống độ sâu hơn -300m so với mực nước biển. Di sản thì nhiều lần bị doanh nghiệp, người dân, thậm chí là chính Ban Quản lý vịnh có hành vi bê tông hóa hàng loạt hòn đảo thuộc vùng lõi của vịnh Hạ Long.

Thế nhưng đáng nói là không chỉ vùng lõi mà vùng đệm của di sản cũng đang từng ngày bị đô thị hóa “xẻo thịt”. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo việc triển khai, tham mưu xây dựng Đề án “Điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long”, vì theo họ, hầu hết các phường như Tuần Châu, Đại Yên, Hùng Thắng, Bãi Cháy, Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Tu, Hà Phong và các xã đảo Ngọc Vừng, Thắng Lợi của Vân Đồn; xã Hoàng Tân của Quảng Yên đều nằm trong vùng đệm di sản vịnh Hạ Long nên cần điều chỉnh thu hẹp ranh giới để phát triển kinh tế.

Vấn đề chính là việc phát triển kinh tế của Quảng Ninh được định hướng chuyển đổi cơ cấu từ “nâu sang xanh”; Hạn chế việc đào núi, lấp biển và tập trung phát triển du lịch để giảm bớt gánh nặng đô thị hóa cho vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh lại phê duyệt một dự án bất động sản lấp biển với quy mô hơn 500 căn biệt thự, liền kề, khách sạn, dịch vụ thương mại thuộc phường Quang Hanh TP Cẩm Phả với diện tích gần 32ha, trong đó có gần 4ha thuộc vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long.

Tỉnh này cũng cho rằng, hoạt động đầu tư xây dựng dự kiến sẽ có tác động nhất định đến môi trường, cảnh quan của vùng đệm, khu vực 2 thuộc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Do đó, việc thực hiện dự án chỉ tác động mang tính tức thời đến môi trường, cảnh quan của vịnh Hạ Long.

Để phát triển du lịch, nhiều nước trên thế giới còn phải cấy rêu vào gốc cây, bờ tường để tạo nên sự cổ kính và họ trân trọng thiên nhiên đến mức tối thượng. Đơn cử như hãng phim Legendary Pictures đã “lỡ hẹn” với hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) những thước phim quý giá cho bộ phim bom tấn Kong: Skull Island vì theo họ “bảo vệ môi trường là tối thượng”. Không phải vì thấy khó khăn trong việc di chuyển hàng chục tấn thiết bị, hàng trăm con người để có những thước phim đẹp mà Legendary Pictures muốn bảo vệ môi trường nguyên sơ, mong manh của Sơn Đoòng.

Đích đáng hơn, khi xây dựng đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lúc đó đã yêu cầu hạn chế tối đa việc phá núi mở đường để giữ lại cảnh quan nguyên trạng cho vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. UBND tỉnh Quảng Ninh đã buộc phải chi thêm cả trăm tỷ đồng để làm hầm xuyên núi khiến con đường này trở thành tuyến đường bao biển đẹp nhất Việt Nam.

Nay cạnh con đường ấy lại mọc lên một khu đô thị lấn biển, lấp núi và xâm lấn luôn gần 4ha vùng đệm của di sản chỉ để doanh nghiệp xây biệt thự bán kiếm lời.

“Lấn” vào thiên nhiên có thể đạt được kết quả bước đầu về kinh tế, giải quyết nhu cầu trước mắt của bộ phận người dân nhưng tính lâu dài, ổn định và tầm nhìn xa cho con cháu đã bị cắt cụt. Đánh đổi thiên nhiên lấy kinh tế trước mắt thật là bóc ngắn cắn dài!

MỚI - NÓNG