Làn sóng văn hóa Việt, bao giờ?

Dàn diễn viên Việt-Hàn trong “Tuổi thanh xuân”. Ảnh: Bảo Ngọc
Dàn diễn viên Việt-Hàn trong “Tuổi thanh xuân”. Ảnh: Bảo Ngọc
TP - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam mới đây nói rằng, làn sóng Hàn Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam từ hai chục năm nay, và hơi tiếc về sự mất cân bằng giữa hai nền công nghiệp văn hóa.

Cơ hội cho văn hóa Việt?


Đài truyền hình Việt Nam, Cty CJ E&M hôm 8/8 ra mắt dự án phim hợp tác Tuổi thanh xuân, dài 36 tập. “Đây là dự án hợp tác đầu tiên giữa chúng tôi, sẽ mở rộng thị trường ra quốc tế. Phim Hàn Quốc được hâm mộ ở Đông Nam Á, châu Á, vì nhiều điểm tương đồng”, vị này nói. 

Phía Hàn dẫn chứng nền tảng cho thấy, họ có tiềm năng quảng bá sản phẩm hợp tác ra quốc tế qua kênh Arirang phát trên gần 200 quốc gia. Chưa kể kênh truyền hình internet thu hút lượng khán giả lớn, nhắm vào đối tượng khán giả Việt kiều, Hàn kiều tại Mỹ. 

Tổng giám đốc VTV, Trần Bình Minh nói, dự án Tuổi thanh xuân có mục tiêu “chinh phục khán giả hai nước, tiến vào thị trường phim quốc tế”. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, phim truyền hình Việt chưa hoàn toàn đứng vững trên sân nhà. Dự án hợp tác này vẫn dấy lên sự hồ nghi với nhiều người. 

“Trong giao lưu văn hóa, từ cuối thập niên 90, văn hóa Hàn Quốc như phim truyền hình, âm nhạc, điện ảnh đổ bộ vào Việt Nam tạo nên làn sóng Hàn Quốc kéo dài tới tận ngày nay. Một mặt tôi cảm ơn văn hóa Hàn Quốc vì điều đó, mặt khác tôi cảm thấy tiếc nuối vì chưa tạo được sự phát triển cân bằng ngành công nghiệp văn hóa giữa hai nước. Dự án này được kỳ vọng tạo cân bằng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa giữa hai nước”, ông Jun Dae Joo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu.

Tuổi thanh xuân - kịch bản đồng sáng tác - xoay quanh cuộc đời, số phận bốn người trẻ Linh, Hưng, Khánh, Mai tại Hàn Quốc. Mỗi người sang xứ sở kim chi với mục đích riêng, có những trải nghiệm đáng nhớ về tình bạn, tình yêu, tình người. Bối cảnh thực hiện cả ở Việt Nam và Hàn Quốc. Dàn diễn viên Việt-Hàn cũng đã ra mắt báo giới: Nhã Phương, Việt Anh, Hồng Đăng, Kim Tuyến, Kang Tae Oh, Shin Hae Sun, Shin Jae Ha, Roh Haeng Ha.

Liệu có giao đãi?

Khi phim Người cộng sự-dự án lớn giữa Việt Nam-Nhật Bản, nhân 40 năm quan hệ ngoại giao, chuẩn bị ra mắt, đạo diễn Phạm Thanh Phong cam đoan “không giao đãi”. Phim phát sóng, khán giả thất vọng vì sự nhợt nhạt, kém thu hút.

Tuổi thanh xuân có đi vào vết xe đổ? “Người cộng sự nằm trong khuôn khổ hợp tác nhân sự kiện ngoại giao, chỉ một tập nên không thể kỳ vọng sự ảnh hưởng quá lớn. Tuổi thanh xuân là phim dài tập, phát trong vài tháng nên sự ảnh hưởng, tần suất, câu chuyện ngấm hơn. Đây là dự án hợp tác làm phim đúng nghĩa, không bị sức ép chính trị nào hết”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC nói. 

Có thể nhận thấy rõ rào cản trong phim này: sự khác biệt văn hóa, lối diễn, đặc biệt diễn viên không hiểu ngôn ngữ của nhau. Nhưng điều đáng quan tâm hơn, liệu văn hóa Việt có bị lép vế trước sức ảnh hưởng Hàn Quốc? 

“Sự ảnh hưởng, thích thú đối với Kpop, văn hóa Hàn Quốc rất tự nhiên. Với Việt Nam, trong dự án này, chúng tôi tính toán để sự ảnh hưởng đó trong khuôn khổ. Mình không phủ nhận nó, ngược lại cho thấy nó ảnh hưởng mình ở góc độ tích cực. Từ đó mình ý thức trở lại với văn hóa của dân tộc. Thông điệp này chuyển tải qua nhân vật Linh: Xuất phát điểm là cô gái rất thần tượng Kpop, xin bằng được bố mẹ sang Hàn du học với ý nghĩ trẻ con-được gặp thần tượng. Nhưng chính gia đình, văn hóa Việt mới làm cô ấy trưởng thành”, Đỗ Thanh Hải lí giải.

Nguyễn Khải Anh, Bùi Tiến Huy, Myung Hyun Woo đồng đạo diễn. Được hỏi có thông tin gì về văn hóa Việt Nam, thể hiện nó ra sao trong phim, Hyun Woo nói: “Nhận lời tham gia phim, dù chưa được đọc nhiều sách vở nhưng có vài tháng làm việc với đội ngũ sản xuất phim tại Việt Nam, tôi trực tiếp cảm nhận nền văn hóa của các bạn. Các đạo diễn có vai trò ngang nhau, chúng tôi sẽ cân đối văn hóa hai nước”.

Tuổi thanh xuân bấm máy ngày 10/8, dự kiến kéo dài 6 tháng. Hai bên khảo sát bối cảnh, casting diễn viên từ một năm trước. Đạo diễn Myung Hyun Woo từng làm phim Iris 2 (Mật danh 2), quay phim Park Jae Hong cũng là quay phim chính của Iris 2.

Năm 1996, phim Doku (Đức) do Nhật Bản sản xuất về Việt Nam từng tạo ra cơn sốt tại Nhật, chiếu tại Việt Nam năm 1998. Dù phim còn nhiều hạn chế - diễn viên chính Đức (Doku) cũng do nam diễn viên Nhật thủ diễn- nhưng sức lan tỏa của văn hóa Việt là không thể chối cãi. Sau phim này du khách Nhật đến Việt Nam tăng đột biến. 

Trong Doku, hình ảnh Việt Nam rất đặc trưng: giao thông, phở, chợ nổi Nam bộ, đặc biệt là con người. Trong cuộc trò chuyện, cô bạn của nhân vật chính Yuki lí giải câu hỏi tại sao Việt Nam: “Con người ở đây tràn đầy năng lượng. Họ luôn nhìn về phía trước, đến mức nhiều khi mình nghĩ họ không biết lo sợ hay sao ấy. Khi ở cùng họ mình cảm thấy mình đang dần trở nên như thế”.

MỚI - NÓNG
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
TPO - Ngày 4/5, tại Hà Nội, Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội công bố Nghị quyết và trao Quyết định của Ban Giám hiệu nhà trường bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, từ ngày 1/5/2024, thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực.