Nhắc về bánh mì Sài Gòn, Long đã so sánh đặc trưng của hình tượng này giống với con người nơi đây: “đặc ruột”, “thơm ngon” và “thương nhau”. Được biết, hoàn cảnh sáng tác bài hát xuất phát từ dự án thiện nguyện “Bánh mì 0 đồng”. Long chia sẻ: “Khi giãn cách cũng là lúc mình dành thời gian ở nhà làm việc. Tình cờ, vợ mình có biết đến dự án “Bánh mì 0 đồng” của anh Hoàng Huy và có kể lại với mình. Mình có đọc báo tìm hiểu thêm thì biết đây là dự án mà mọi người sẽ đi phân phát bánh mì miễn phí cho những người nghèo vào ban đêm. Nhìn mọi người dẫu cực khổ vẫn xông pha như thế, mình không cầm lòng được. Đó là cảm hứng để bài hát ra đời”.
Phần điệp khúc là phần được Long chấp bút viết đầu tiên. Theo lời kể của tác giả, lời rao “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon” đã văng vẳng ở những con đường, ngõ hẻm từ thuở nào và trở thành hình ảnh khó quên đối với nhiều người, trong đó có cả Long. Bản thân anh cũng nhận thấy bánh mì là món ăn “quốc dân” của phần đông người Việt nói chung và người Sài Gòn nói riêng, bất kể là ở tầng lớp nào đi chăng nữa. Cộng thêm sự xúc động với dự án “Bánh mì 0 đồng” đầy ý nghĩa, Long đã “biến tấu” lời rao thành những câu hát: Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau/ Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ. Tiếp đến, từ những kỉ niệm tuổi thơ “đóng đinh” vào trí nhớ, tác giả đã phổ thành phần chính của bài.
Chủ nhân ca khúc Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau. |
Long cho biết thêm, phần thể hiện ca khúc được anh “đo ni đóng giày” cho ca sĩ trẻ Nguyễn Phú Hiển. Anh cho hay: “Phú Hiển là người đã cộng tác với mình trong một số dự án. Hiển lại có điều kiện thu âm tại nhà, đây cũng là một lợi thế để bài hát hoàn thành dễ dàng. Đặc biệt, mình cũng muốn bê nguyên xi chất giọng Sài Gòn đặc sệt của Hiển vào để bài hát mang không khí địa phương gần gũi hơn”.
Trên Facebook, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã dành lời khen cho ca khúc của Long X. |
Ban đầu, ca khúc được thực hiện dưới dạng Lyric video. Tuy nhiên, sau khi đăng tải trên mạng xã hội, nhiều bạn bè của Long đã tỏ ra thích thú với bài hát, trong đó có đạo diễn hình ảnh Bone Hồ. Long nhớ lại: “Anh Bone Hồ từ lâu đã là chủ nhân đứng sau những bản nhạc hit của nhiều ca sĩ ở Việt Nam. Khi xem sản phẩm của mình, anh thấy rất ấn tượng và có ngỏ ý làm mới thành một Official MV. Vì vậy, anh đã kêu gọi báo đài, bạn bè tập hợp lại một số hình ảnh của những hoạt động thiện nguyện để dựng nên”. Long nói vui, xét trên thang điểm 10, phần Lyric video là 5 điểm, còn Official MV chiếm điểm tuyệt đối.
Hình ảnh MC Quyền Linh tình nguyện đẩy xe ba gác giúp người dân xuất hiện trong MV. |
Ca khúc thuộc thể loại nhạc pop, giai điệu tươi vui, lạc quan, tiết tấu càng về sau càng dồn dập. Long chia sẻ: “Chọn một gương mặt cụ thể như việc đưa tên anh Huy vào bài hát cũng là cách khiến bài hát trở nên gần gũi hơn. Bản thân mình không thích làm kiểu hô hào khẩu hiệu. Bài hát cũng phản ánh con người mình - luôn yêu đời, tích cực. Mình không muốn mang đến điều gì quá buồn thảm. Và dẫu mình tự thấy mình may mắn, mình vẫn thấy xót thương cho những người đang sống khổ sở ngoài kia. Và bài hát là điều duy nhất mình có thể làm để chia sẻ với họ”.
Artwork của họa sĩ Trần Trung Lĩnh được sử dụng làm cover của ca khúc. |
Sau khi “ra lò”, bài hát nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng và cả giới chuyên môn. Là một người đang sống tại Sài Gòn, bạn Nguyễn Thị Tuyết Hồng không khỏi xúc động: “Lâu rồi mình không được nghe tiếng rao bánh mì, cũng thèm lắm. Món ăn dân dã từ bao lâu nay lại trở thành biểu tượng cho tấm lòng của những con người Sài Gòn. Nghe bài hát, mình càng thấy thương cho mảnh đất này. Mong chúng ta sẽ sớm đẩy lùi được đại dịch”.
Lương Kim Long sinh năm 1989, sống tại TP. HCM. Anh đã gắn bó với công việc Music Producer được 12 năm. Qua ca khúc Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau, Long hy vọng người dân sẽ có thể cùng chung tay xây dựng một Sài Gòn tươi đẹp trở lại.