Theo Bộ GD - ĐT, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 và 3lần tổ chức ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên, đã có nhiều điểm sáng nổi bật trong kết quả triển khai thực hiện.
Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020.
Theo đó, số lượng các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi toàn quốc đã tăng lên gấp đôi về số lượng, trong đó, chất lượng, tính khả thi, tính sáng tạo của các dự án cũng được các giám khảo đánh giá cao. Tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được lan tỏa mạnh mẽ bằng việc triển khai chuỗi “Diễn đàn hành trình người khởi nghiệp” dành cho học sinh, sinh viên tại 60 cơ sở GD - ĐT trong năm 2020 - 2021.
Không chỉ vậy, sức hút của cuộc thi đã tăng lên bằng việc đưa yếu tố công nghệ vào các vòng thi và bổ sung thêm hai vòng thi là vòng đào tạo và vòng bình chọn trực tuyến trên Website http://dean1665.vn; chỉ trong 10 ngày kích hoạt đã thu hút được gần 700 nghìn người tham gia và gần một triệu phiên bình chọn cho các dự án tham gia trên phạm vi toàn quốc và hơn 50 quốc gia khác nhau trên thế giới. Không chỉ vậy, năm nay, ngày hội còn có thêm nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm, kết nối đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phải được thực hiện mạnh mẽ tại các cơ sở giáo dục đại học, từng bước đưa hoạt động này vào trường phổ thông. Để thực hiện hiệu quả, Bộ GD - ĐT cần sự chung tay của các ngành, các cấp và sự đồng hành của doanh nghiệp để tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy hoạt động đi vào chiều sâu.
Ngày nay, tất cả các lĩnh vực nói chung, lĩnh vực GD - ĐT nói riêng, muốn phát triển cần nhiều yếu tố trong đó cần chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, ý tưởng đổi mới sáng tạo càng nhiều thì giá trị sẽ càng được nâng lên. Đối với học sinh, sinh viên bên cạnh việc học tập trên lớp, cần biết vận dụng, ứng dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào trong cuộc sống, hoạt động khởi nghiệp. Vì vậy, không nên tham vọng có bao nhiêu trường đại học có doanh nghiệp khởi nghiệp, mà quan trọng khơi dậy, lan tỏa tinh thần, động lực khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên được tổ chức tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018. Năm đầu tiền, đã có hơn 200 ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên tham dự. Năm 2019, cuộc thi thu hút gần 400 ý tưởng, dự án. Năm nay, sau gần 5 tháng phát động, cuộc thi đã có hơn 600 ý tưởng, dự án của các bạn trẻ đăng ký tham gia.
Phát biểu khai mạc ngày hội khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Ngô Thị Minh nói: “Đổi mới sáng tạo là yêu cầu đặt ra cho tất cả các quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và công nghệ số. Nếu không tích cực đổi mới sáng tạo thì lực lượng lao động của sẽ gặp nhiều khó khăn và rất dễ bị đào thải trong môi trường cạnh tranh toàn cầu”.
Theo Thứ trưởng Minh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là kết quả của một tiến trình đổi mới giáo dục đào tạo từ phổ thông đến cao đẳng đại học, không chỉ đơn thuần là tên gọi của một đề án hay một phong trào. Có thể như thế hoạt động này mới giữ được nguyên vẹn ý nghĩa của nó.
Triển lãm các mô hình sáng tạo của học sinh, sinh viên thu hút sự quan tâm.
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp SV – Startup” được tổ chức thường niên chính là sân chơi, là cơ hội để các em thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực.
Tại ngày hội năm nay, bên cạnh không gian trưng bày giới thiệu các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các học sinh, sinh viên vào vòng chung kết, chương trình còn lồng ghép nhiều hoạt động hấp dẫn và bổ ích, thiết thực đối với hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ, như: Diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh sinh viên”, Hội thảo “Giải pháp phát triển các dự án khởi nghiệp của giảng viên trẻ và sinh viên”, Hội thảo “Phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp và nội dung đào tạo khởi nghiệp trong các trường THPT, THCS: Kinh nghiệm và giải pháp”.