Lao động bị mất quyền lợi khi doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp kiểu 'giật cục'

Người lao động cần tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh minh họa - Kiến Nghĩa)
Người lao động cần tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh minh họa - Kiến Nghĩa)
TPO - Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009, nhưng đến nay một số người lao động và người sử dụng lao động vẫn chưa hiểu rõ để thực hiện.

Một bạn đọc gửi thư đến Tiền Phong hỏi: Tôi công tác từ năm 2005 đến nay, đều được đóng bảo hiểm xã hội bảo bảo hiểm y tế, nhưng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chỉ được đóng trong năm 2018 và 2019. Về việc này, xin được hỏi, công ty nơi tôi đang làm việc đã thực hiện đúng hay sai về đóng BHTN? 

Trả lời báo Tiền Phong, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, việc bạn đọc chỉ được đóng BHTN năm 2018, 2019 là chưa đúng. Từ ngày 1/1/2009, Luật Bảo hiểm chính thức có hiệu lực, trong đó đáng chú ý là chính sách BHTN lần đầu tiên được thực hiện.

Theo đó, người lao động phải tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Người sử dụng lao động tham gia BHTN bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có sử dụng từ 10 lao động trở lên.

Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, người lao động cần đề nghị với Công ty nơi đang làm việc đóng bổ sung BHTN từ năm 2009 đến 2017. Nếu việc này không được thực hiện, người lao động có thể liên hệ với Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội của quận (hoặc huyện), nơi Công ty đóng trụ sở để được giúp đỡ, giải quyết.

MỚI - NÓNG