Lên phương án chống thiếu điện mùa khô năm nay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cho biết, để chuẩn bị cho mùa khô sắp tới, từ ngày 4-10/3 đã huy động cao nguồn nhiệt điện than, điện khí và năng lượng tái tạo để tiết kiệm nước cho thuỷ điện, sẵn sàng cho mùa khô sắp tới.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, trong tuần qua lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc đạt trung bình 818,9 triệu kWh/ngày, cao hơn so với tuần trước khoảng 13,2 triệu kWh. Tính từ đầu năm đến nay, tiêu thị điện trên toàn quốc tăng trưởng khoảng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 9,9%, miền Nam 12,7%, miền Trung 8,3%.

Nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm nước của các hồ thủy điện. Theo đó, tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp.

Lên phương án chống thiếu điện mùa khô năm nay ảnh 1

Bộ Công Thương yêu cầu không để thiếu than cho sản xuất điện.

Theo Cục Điều tiết điện lực, từ đầu tháng 3 đến nay, tình hình nước về các hồ thủy điện vẫn chưa được cải thiện. Đa số các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 24-91% trung bình nhiều năm. Chỉ có hồ Thác Bà có nước về đạt 111% cao hơn trung bình nhiều năm.

Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, đang gặp khó trong công tác vận hành đối với nguồn năng lượng tái tạo lên tới 21.000 MW. Cụ thể, với sai số dự báo năng lượng tái tạo khoảng 20%, công suất phát của các nguồn năng lượng tái tạo có thể thay đổi tới 5.110 MW tương ứng với 60% công suất đặt của các nhà máy thuỷ điện nhỏ, và sẽ tăng lên theo khi phụ tải hoặc công suất đặt của năng lượng tái tạo tăng lên trong hệ thống.

Thống kê của Cục Điều tiết Điện lực cho thấy, sản lượng trung bình ngày trong tuần của nhiệt điện than đạt khoảng 509,8 triệu kWh, cao hơn 10,3 triệu kWh so với kế hoạch tháng 3. Hiện tại, A0 đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống. Không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than.

Cùng với huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy điện khí cũng được huy động với mức cao. Sản lượng trung bình ngày của các nhà máy lên tới 80,5 triệu kWh, cao hơn 13,4 triệu kWh so với kế hoạch tháng 3. Các nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng tham gia vận hành với sản lượng khoảng 118,3 triệu kWh, cao hơn 7,5 triệu kWh so với kế hoạch. Trong đó, nguồn gió là 36.5 triệu kWh, cao hơn 7,2 triệu kWh so với kế hoạch.

“Trong bối cảnh hệ thống điện đang đối mặt với nhiều khó khăn, để sớm đưa các nhà máy điện mới vào vận hành đáp ứng nhu cầu hệ thống, A0 đã lập lịch, điều độ ưu tiên huy động một phần (tổ máy, tua-bin gió, line mặt trời, điện gió hoặc toàn bộ nhà máy điện đang trong quá trình thí nghiệm trước khi được công nhận ngày vận hành thương mại để sớm hoàn thành các thủ tục đưa vào vận hành đáp ứng nhu cầu hệ thống”, Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà máy điện đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy, tuyệt đối không để xảy ra sự cố, thiếu điện trong các tháng cao điểm mùa khô.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay đã có 62 dự án với tổng công suất 3.399,41 MW đã trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm và đã được duyệt giá điện 50%, trong đó 62 dự án đã ký PPA. 9 dự án với công suất 397,4 MW đang thực hiện các thử nghiệm. 34 dự án với công suất 1.914,1 MW đã hoàn thành các thử nghiệm và c; 24 dự án đã đưa vào vận hành với tổng công suất 1.307,6 MW.

MỚI - NÓNG