Lịch sử vòng ba của phụ nữ

TPO - “Vòng ba, dù có vẻ ngớ ngẩn, nhưng lại là biểu tượng vô cùng phức tạp, đầy ý nghĩa và sắc thái, đậm chất hài hước và giới tính, xấu hổ và lịch sử. Hình dạng và kích thước vòng ba của một phụ nữ từ lâu được cho là chỉ số nhận thức về bản chất của cô ấy – đạo đức, nữ tính và thậm chí cả nhân tính của cô ấy”, Heather Radke viết trong cuốn sách “Butts: A Backstory”.

Trong phần giới thiệu cuốn sách Butts: A Backstory, nhà báo Heather Radke nhớ lại khoảnh khắc năm 10 tuổi, cô và một người bạn bị hai cậu bé tuổi teen quấy rối khi đạp xe ra ngoài.

“‘Vòng ba đẹp đấy!’, chúng tôi nghe họ nói vậy. Việc họ nói điều gì đó vô cớ về vòng ba của chúng tôi khiến tôi cảm thấy khó chịu và kỳ lạ... Tôi biết rằng có những bộ phận cơ thể được coi là đẹp và gợi cảm và được người khác thèm muốn, nhưng tôi không nghĩ rằng vòng ba lại là một trong số đó”, Radke viết.

Tình huống đó chỉ là một trong những sự việc khiến Radke nhận ra tầm quan trọng của vòng ba không chỉ trong mối liên kết của chúng ta với cơ thể của mình mà còn trong các trải nghiệm văn hóa, xã hội và giới tính xác định vai trò của phụ nữ.

Cô viết: “Vòng ba, dù có vẻ ngớ ngẩn, nhưng lại là biểu tượng vô cùng phức tạp, đầy ý nghĩa và sắc thái, đậm chất hài hước và giới tính, xấu hổ và lịch sử. Hình dạng và kích thước vòng ba của một phụ nữ từ lâu được cho là chỉ số nhận thức về bản chất của cô ấy – đạo đức, nữ tính và thậm chí cả nhân tính của cô ấy”

Chính từ những quan sát này mà Butts: A Backstory - một nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử văn hóa của vòng ba phụ nữ hình thành.

Lịch sử vòng ba của phụ nữ ảnh 1

Butts: A Backstory là cuốn sách nghiên cứu về lịch sử vòng ba. Ảnh: Simon & Schuster.

Kết hợp giữa hồi ký, khoa học, lịch sử và phê bình văn hóa, cuốn sách đề cập đến nguồn gốc sinh lý của vòng ba con người, đồng thời đưa người đọc từ vòng eo bị siết chặt của thời đại Victoria cho đến vòng ba gây sốt trên Internet của Kim Kardashian và sự phổ biến của phẫu thuật nâng mông kiểu Brazil. Bên cạnh đó, Radke cũng xem xét vai trò của thuyết ưu sinh, thời trang, trào lưu thể dục và văn hóa đại chúng trong việc xác định các tiêu chuẩn của từng chủng tộc và quan niệm sai lầm về vòng ba.

“Tôi chỉ biết cảm giác như thế nào khi là một phụ nữ da trắng với vòng ba lớn, rõ ràng có những hạn chế. Điều quan trọng đối với tôi là thách thức ý thức của chúng ta về nguồn gốc cơ thể bằng cách lắng nghe những tiếng nói khác nhau. Kể từ khi hoạt động buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương gia tăng, luôn có một kiểu coi thường chủng tộc trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào xung quanh vòng ba, cũng như cách tiếp cận về khía cạnh giới tính đối với các câu hỏi như ‘Cơ thể nữ tính là gì? Thế nào là một cơ thể đẹp? Một cơ thể đẹp có thể nữ tính đến mức nào?’. Câu trả lời cho những câu hỏi đó dao động theo thời gian, nhưng mối bận tâm sâu sắc của chúng ta với bộ phận cơ thể này cho thấy từ lâu vòng ba đã được sử dụng như một phương tiện để truyền đạt sự kiểm soát, dục vọng khống chế và thiết lập hệ thống phân cấp chủng tộc”, Radke trả lời phỏng vấn CNN.

Định kiến và chiếm đoạt

Một nhân vật thường xuyên xuất hiện trong Butts: A Backstory là Saartjie "Sarah" Baartman – người được gọi là Hottentot Venus (ngày nay, thuật ngữ Hottentot được hiểu với ý nghĩa xúc phạm; trong lịch sử, nó dùng để chỉ Khoekhoe – bộ lạc bản địa của Nam Phi). Baartman là một phụ nữ Khoekhoe bị ép phô bày vòng ba “khủng” cho khán giả da trắng ở Cape Town (Nam Phi), London (Anh) và Paris (Pháp) vào thế kỷ 19.

Lời kể của Radke về cuộc đời của Baartman và cách cơ thể của bà trở thành “ảo tưởng về tình trạng cuồng dâm châu Phi” là cơ sở cho phần lớn chủ đề của cuốn sách. Trong sách, quá trình lần theo những khuôn mẫu được tạo ra bởi các “nhà khoa học chủng tộc” châu Âu thời đó, rồi đến quan điểm lệch lạc và định kiến về phụ nữ sở hữu vòng ba lớn có nhu cầu tình dục cao hơn, đặc biệt là phụ nữ da đen, Radke biết được câu chuyện bị bóc lột của Baartman.

Để hiểu rõ hơn về Baartman, Radke đã nói chuyện với một chuyên gia về người phụ nữ lịch sử. Đó là Janell Hobson, giáo sư nghiên cứu về phụ nữ, giới tính và tình dục tại Đại học Bang New York. Ông Hobson đã liên kết những gì xảy ra với Baartman và việc gieo mầm cho chủ nghĩa thực dân, sự tiếp diễn của chế độ nô lệ trong xã hội Da trắng.

“Baartman thể hiện những quan niệm cố hữu xung quanh sự man rợ của người châu Phi và phụ nữ da đen nguyên thủy. Vì vậy, khi người da trắng nhìn vào Sarah Baartman, họ đang phóng chiếu tất cả thứ mà họ đã khắc sâu vào văn hóa”, vị giáo sư nhận xét.

Theo Radke, mặc dù Baartman qua đời vào năm 1815, thi thể của bà vẫn được trưng bày ở Paris cho đến những năm 1980, sau đó một lần nữa vào những năm 1990. “Điều đó xảy ra không quá lâu nếu tính từ hiện tại. Nó cho mọi người thấy chúng ta đã biến bà ấy thành một thứ kỳ cục như thế nào – hình mẫu và biểu tượng của sự bóc lột. Câu chuyện của Baartman vẫn tồn tại với chúng ta theo nhiều cách”, Radke viết.

Radke cũng chỉ ra áo nịt ngực – loại áo lót phổ biến vào cuối thế kỷ 19 được thiết kế để làm cho phía sau của phụ nữ trông to hơn – là ví dụ rõ ràng về việc người da trắng chiếm đoạt hình dáng của Baartman. “Đó là cách để phụ nữ thời Victoria trông giống Sarah Baartman, đồng thời khẳng định sự trong trắng và đặc quyền của họ, vì nó có thể được cởi ra một cách dễ dàng. Hành vi đó sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử”, nữ nhà báo nhấn mạnh.

Radke nói thêm ngày nay, những người nổi tiếng khám phá ra cách chiếm đoạt văn hóa và kiếm tiền trên cơ sở vòng ba. Một số đại diện tiêu biểu là Kim Kardashian hay Miley Cyrus. Trong khi bà chủ Skims gắn liền với biệt danh “Kim siêu vòng ba”, Miley từng gây tranh cãi khi sử dụng vòng ba giả khổng lồ trong vũ đạo cho tiết mục biểu diễn tại Lễ trao giải MTV Video Music Awards 2013 và chuyến lưu diễn Bangerz Tour cùng năm.

Lịch sử vòng ba của phụ nữ ảnh 2

Kim Kardashian là đại diện cho trường hợp nổi tiếng và kiếm tiền nhờ vòng ba. Ảnh: IG.

Bên cạnh đề cập đến văn hóa hình ảnh của các video ca nhạc của người da đen, phẫu thuật thẩm mỹ và cơn sốt belfie (kiểu chụp ảnh selfie khoe vòng ba), Radke cũng nêu bật các giai đoạn lịch sử đương đại khi mà các xu hướng phát triển theo hướng đối lập. Vào những năm 1910, những “phụ nữ không có mông” trỗi dậy, thể hiện rõ nhất qua kiểu dáng của những chiếc áo khoác ngoài. Đến thập niên 1990, thương hiệu “heroin chic” của siêu mẫu Kate Moss tạo nên xu hướng cho phụ nữ thời điểm đó. Theo Radke, tiêu chuẩn thẩm mỹ như vậy là thứ không bao giờ thực sự biến mất.

“Tôi không mong muốn viết một cuốn bách khoa toàn thư về vòng ba, mà muốn đưa ra bối cảnh lịch sử về cách nó được nhìn nhận và mô tả, cũng như cảm xúc của phụ nữ thay đổi như thế nào với nó. Dù có ý thức hay không, chúng ta và xã hội nói chung luôn chú ý đến vòng ba – che giấu, làm nổi bật, tôn sùng chúng. Điều này thật buồn cười khi bạn nghĩ rằng đó thực sự là một bộ phận cơ thể mà chúng ta không thể nhìn thấy trừ khi đứng trước gương”, nữ tác giả giải thích.

Giải phóng vòng ba

Bên cạnh những câu chuyện đau khổ về thể xác như chế độ ăn kiêng, bó buộc bởi trang phục định hình hay “dao kéo”, Butts: A Backstory cũng cho thấy những ví dụ tích cực liên quan đến vòng ba.

Để chống lại các chế độ tập luyện khắc nghiệt của thập niên 1980 – chẳng hạn cơn sốt tập thể dục Buns of Steel coi vòng ba như tạc tượng trưng cho sự tự chủ và lòng tự trọng, Radke mô tả phong trào tập thể dục cho người béo nổi lên trong cùng thập kỷ đó – hình thức phản kháng của những người thường cảm thấy bị loại ra khỏi văn hóa thể dục chính thống.

Ở Astoria, Queens, nữ tác giả dành thời gian tìm hiểu nhóm drag queen tạo ra những miếng đệm mông bằng mút để tạo hình cho cơ thể vốn thiếu đường cong của đàn ông. Họ biến vòng ba thành thứ tiêu khiểu, tạo niềm vui và không bị phán xét.

Lịch sử vòng ba của phụ nữ ảnh 3

Drag queen tạo những miếng đệm mông để tạo đường cong. Ảnh: Getty Images.

“Lịch sử của cơ thể, đặc biệt là cơ thể phụ nữ, luôn là sự kiểm soát và áp bức. Nhưng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải chỉ ra khả năng khác: giải phóng. Những câu chuyện đó là một trong những nghiên cứu thú vị nhất mà tôi đã thực hiện. Đó cũng là một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất vì chúng cho phép tôi gặp gỡ những người đã vượt qua các quy tắc xã hội và chấp nhận cách nghĩ khác về sự to lớn”, Radke chia sẻ.

Cuối cùng, Radke cho rằng điều hấp dẫn nhất về vòng ba là nó không nhất thiết phải mang ý nghĩa gì: “Vòng ba có khả năng khiến chúng ta cảm thấy đau khổ hoặc tức giận, đặc biệt là khi chúng ta đang ở trong phòng thay đồ để thử một chiếc quần jean không vừa. Sự tức giận đó là kết quả của hàng thế kỷ lịch sử, văn hóa và chính trị. Nó không đến từ cơ thể chúng ta, nó đã được đặt lên chúng. Nếu lùi lại một bước, chúng ta sẽ thấy rằng vòng ba chỉ là một bộ phận cơ thể. Chúng có thể chẳng có ý nghĩa gì cả”.

Theo CNN
Tin liên quan