Liêm chính khoa học: Đã đến lúc cơ quan quản lí vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những cảnh báo liên quan đến vi phạm liêm chính học thuật thời gian qua đã buộc các nhà quản lí vào cuộc và đưa ra lời hứa sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Liêm chính khoa học: Đã đến lúc cơ quan quản lí vào cuộc ảnh 1

Nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm tại trường ĐH. Ảnh: P.V

PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Quỹ Nafosted) không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, giới khoa học phương Tây cũng đau đầu khi đối diện với những trào lưu khoa học bị chi phối bởi các nhà xuất bản, các tập đoàn kinh doanh xuất bản.

“Do đó, sẽ có việc một số thứ có thể tạm gọi là tri thức “rác”, và chúng ta ngập trong những tri thức giả khoa học, không tìm được khoa học chân chính”, ông Đông nói.

2 nền tảng mong manh

TS Dương Tú, ĐH Purdue (Mỹ), cho rằng, khoa học dựa trên 2 nền tảng là sự trung thực của nhà khoa học và niềm tin của những người đọc kết quả nghiên cứu đó, tuy nhiên 2 nền tảng này rất mỏng manh, rất dễ bị lạm dụng, bị thao túng. Người không liêm chính lợi dụng niềm tin của cộng đồng khoa học để làm những việc không hay, vì vậy mới có quy định đánh giá khoa học.

Ban đầu số lượng công trình ít nên có thể đánh giá trực tiếp, sau này nhiều quá phải thông qua các chỉ số như trích dẫn, chỉ số ảnh hưởng, xếp hạng… Chính vì dùng công cụ đánh giá này mới sinh ra những người thao túng chỉ số để đạt lợi ích cá nhân.

“Chỉ số từ công cụ phục vụ đánh giá nghiên cứu đã trở thành mục đích để nghiên cứu khoa học chạy theo, không đi theo mục đích ban đầu là phát hiện, sáng tạo, phụng sự xã hội. Từ đó nhiều chuyện sai trái được sinh ra”, TS Tú nói.

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Tú khẳng định, hình thức vi phạm liêm chính học thuật ngày càng phức tạp, tinh vi. Chuyện đạo văn, chỉnh sửa số liệu đã thành cổ điển. Với sự phát triển của công nghệ, sinh ra nhiều hình thức gian lận mới như thao túng trích dẫn bằng cách lập ra mạng lưới cấu kết từ tác giả, chuyên gia bình duyệt, tổng biên tập, biên tập viên các tạp chí.

“Tôi gọi đó là mạng lưới mafia. Nếu không ý thức được sự tồn tại của các mạng lưới này, sẽ không chống được và cải thiện được vấn đề vi phạm liêm chính học thuật”, ông Tú nói.

Theo ông, có 2 nhóm vi phạm: vô tình không biết, thiếu kiến thức vì không được đào tạo và cố tình gian lận, cấu kết thành mạng lưới. Nếu cơ quan quản lí, các trường, viện không ý thức kịp thời thì càng ngày hệ thống khoa học của quốc gia sẽ càng bị lũng đoạn.

Ông Tú khẳng định gian lận khoa học không chỉ lãng phí tiền của của nhân dân (thông qua tài trợ các đề tài) mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nếu dùng kết quả nghiên cứu đó về y tế để trị bệnh hay ban hành chính sách. Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng niềm tin của người dân vào khoa học.

Những việc cần làm ngay

TS Tú đưa ra 2 đề xuất. Thứ nhất là xây dựng hệ thống nghiên cứu khoa học rõ ràng, phân công trách nhiệm từ trên xuống dưới, cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình mang tính trọn đời của nhà khoa học; có cơ quan chuyên trách về giải quyết vấn đề liêm chính. Thứ hai, bỏ chạy theo chỉ số trắc lượng như: số lượng bài báo, số lượng trích dẫn, xếp hạng.

“Để người nghiên cứu thực sự thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc khi được phụng sự xã hội cần chú trọng chất lượng thay vì số lượng. Cũng cần phải làm sao nhà khoa học có thể sống được bằng công việc để họ không phải đánh đổi sự liêm chính để duy trì cuộc sống”, ông Tú nêu quan điểm.

Ông cho rằng, trong môi trường Việt Nam còn nhiều vấn đề, nhà khoa học nên đóng vai trò làm gương về sự liêm chính, sự minh bạch để tạo cảm hứng cho xã hội. Nếu nhà khoa học từ bỏ trách nhiệm này tức là từ bỏ, quay lưng với những người tài trợ, đóng thuế cho mình làm nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái khẳng định, Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT cùng nhận thấy đã đến lúc cơ quan quản lí nhà nước phải vào cuộc để xử lí vấn đề về liêm chính trong nghiên cứu. Cố gắng tạo môi trường khoa học công nghệ, giáo dục, giảng dạy lành mạnh, để ít phải nghe ý kiến phản hồi tiêu cực từ các phía.

Tại hội thảo liêm chính trong nghiên cứu vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay, cùng với sự gia tăng số lượng bài báo khoa học, tại Việt Nam đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Trong đó nổi lên các tranh luận về liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Khi thấy có hiện tượng trường ĐH nghiên cứu khoa học chạy theo thành tích, không chất lượng, Bộ GD&ĐT đã cho kiểm tra và có xử lí. Bộ cũng khuyến nghị chung với các cơ sở giáo dục ĐH phải dựa trên năng lực thật, kết quả thật trong khoa học, đào tạo, hoạt động của trường. Các trường cần phát triển thực chất dựa trên nội lực.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nói việc Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN cần làm ngay là nghiên cứu văn bản hướng dẫn để các đơn vị nghiên cứu (viện, trường ĐH) thực hiện. “Đã đến lúc phải đôn đốc việc kiểm tra thực hiện các quy chế, xây dựng các quy chế về liêm chính trong nghiên cứu, giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, các trường ĐH”, ông Thái nói.

Về mặt chính sách, ông Thái cho rằng, 2 bộ cũng cần làm ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu cấp khoa học cấp quốc gia. Cố gắng đến cuối quý I, đầu quý II/2024 sẽ có cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tiêu chí giám sát, phát triển tạp chí. Có thể phối hợp với các tạp chí quốc tế, thậm chí có tiêu chí đánh giá góc độ đóng góp của các đề tài nghiên cứu khoa học cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Bộ sẽ cố gắng lồng ý kiến này khi triển khai sửa đổi Luật Khoa học Công nghệ năm 2025 để tháo gỡ vấn đề đang đặt ra.

Trước mắt, yêu cầu Quỹ Naposted hỗ trợ các nghiên cứu để làm sao phát triển đồng đều các ngành khoa học; hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra, cố gắng nâng cao vấn đề liêm chính.

Bên cạnh hỗ trợ nghiên cứu công bố quốc tế, hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa các diễn đàn khoa học các ngành trên quốc tế. Thậm chí cố gắng đẩy mạnh hội nhập quốc tế để nhà khoa học Việt Nam tham gia với vai trò là chủ trì, lãnh đạo các nhóm diễn đàn ở các lĩnh vực”, ông Thái nói.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Một tiết học của học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Băn khoăn một chương trình nhiều sách giáo khoa

TP - Sau 5 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó là thay sách giáo khoa (SGK) cuốn chiếu theo từng cấp học, dư luận và nhà giáo vẫn còn thấy những khó khăn, bất cập. Thậm chí cử tri cũng đã lên tiếng về vấn đề này.
Tài khoản sinh viên sư phạm bất ngờ nhận hơn 127 triệu đồng; hiệu trưởng ở Cà Mau bị 'bắt ghen'

Tài khoản sinh viên sư phạm bất ngờ nhận hơn 127 triệu đồng; hiệu trưởng ở Cà Mau bị 'bắt ghen'

TPO - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phản hồi về chế độ tiền lương giáo viên mầm non; tài khoản của nhiều sinh viên sư phạm bất ngờ nhận hơn 127 triệu đồng; hủy kết quả trúng tuyển cao học của Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh Bắc;… là những thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.