Logivan, ứng dụng của Khánh Linh tạo ra cơ hội cho hàng ngàn tài xế, chủ xe và góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.
Kết nối chủ xe – chủ hàng
Một chuyên gia về khởi nghiệp, khi nói về Linh, đã bắt đầu bằng chuyện học hành. Nhìn vào CV của cô gái này, ý nghĩ đầu tiên của ông đơn giản: Đây là “một cô gái học giỏi, đi du học, việc lương cao”, chứ không phải là chủ một “startup” đình đám. Lên THPT, Linh sang Anh du học và từng lọt vào “top” 16 ở cuộc thi Vật lý toàn Anh Quốc. Linh trở thành sinh viên ngành KHTN, ĐH Cambridge danh giá và tốt nghiệp loại Giỏi.
Nhưng ngay lúc còn là sinh viên, Linh đã bắt đầu khởi nghiệp. Cô cùng một người bạn ra mắt một ứng dụng giúp người tiêu dùng “săn” các phiếu giảm giá của các nhà hàng. Ứng dụng kết hợp giữa Snapchat và Goupon này nhanh chóng thu hút được nhiều người, nhất là giới trẻ. Các nhà hàng cũng ủng hộ vì giúp họ tăng doanh thu. Nhưng sau đó, Linh quyết định dừng lại vì không thấy sản phẩm này có nhiều hứa hẹn: “Thực chất, đây là mô hình bán các “voucher” giảm giá. Người mua săn đón nhiều vì ưu đãi nhưng không bao giờ trở thành khách hàng quen thuộc của nhà hàng. Hơn nữa, lúc đó, có rất nhiều ứng dụng tương tự cạnh tranh, mô hình bán giảm giá này vì vậy không có tương lai, mình quyết định ngưng”.
Tốt nghiệp đại học, Linh trở thành chuyên gia công nghệ của tập đoàn Goldman Sachs. Nhưng lương cao, công việc tốt cũng không níu chân được cô gái này, vì “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, trong khi bản thân luôn thích dịch chuyển. Linh quyết định về Việt Nam, làm việc cho HP.
Chính trong thời gian này, ý tưởng khởi nghiệp đã hình thành. Linh nhận thấy, những chiếc xe tải của công ty đầy ắp hàng ra khỏi nhà máy nhưng lúc về thì trống rỗng. Tức là bỏ không một chiều. “Công ty có 10 xe, cứ nhân lên thì sẽ thấy hệ thống vận tải ở Việt Nam đang bỏ phí rất nhiều”, Linh nói. Đi vào tìm hiểu về ngành vận tải, cô giật mình khi biết chi phí vận tải tại Việt Nam chiếm khoảng 23% GDP, một tỷ lệ lớn hơn 3 lần so với ở Singapore và 2 lần so với ở Malaysia.
Ngành vận chuyển hàng hóa bằng xe tải tại Việt Nam phổ biến nhất, trị giá tới 23 tỷ đôla, tăng trưởng 14% mỗi năm. Nhưng đa phần là xe sở hữu cá nhân. Ở quy mô doanh nghiệp, cũng hiếm có nơi hơn 5 chiếc xe và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Phổ biến hơn nữa là các xe chỉ chở hàng chiều đi, chiều về bỏ không. Chủ doanh nghiệp tính luôn chi phí 2 chiều vào giá. Giá vận chuyển tăng khiến hàng hóa tăng và chi phí cho vận tải tại Việt Nam luôn cao hơn các nước khác.
“Vận chuyển kiểu manh mún và nhỏ lẻ nên không có sự kết nối tốt giữa chủ doanh nghiệp và chủ xe, không giải quyết được lượng hàng cho chiều về. Nếu có một phương tiện để chủ hàng và chủ xe kết nối với nhau, chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề”, Linh kể. Đó cũng là bước khởi đầu cho một ý tưởng khởi nghiệp của cô gái này.
Phạm Khánh Linh thuyết trình tại RISE 2018.
Hơn 2 triệu đôla đầu tư
Tháng 9/2018, Linh chính thức ra mắt dự án Logivan, nền tảng công nghệ kết nối tài xế xe tải với những người có nhu cầu vận chuyển hàng. Ngay khi có ý tưởng, Linh và các cộng sự bắt tay vào mua hàng chục tên miền “.com” và quyết định lấy tên “logivan”, nhằm gợi lên một ý nghĩ về “logistic” cho người sử dụng.
Khi sử dụng ứng dụng này, chủ xe/ doanh nghiệp vận tải và người có nhu cầu vận chuyển chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, tạo đơn hàng tìm xe, Logivan sẽ tìm kiếm xe đã đăng ký trong hệ thống. Mạng lưới đối tác của Logivan có nhiều chủng loại xe, từ 1,25 tấn đến 30 tấn. Khách tự chốt đơn trực tiếp với chủ xe, ứng dụng không thực hiện thu phí và trả phí trung gian. Đặc biệt, dự án không thu bất cứ khoản phí nào của chủ xe lẫn chủ hàng.
Trước tết Nguyên đán 2018, Linh “đi bụi” một vòng từ Nam ra Bắc. Ở các cửa khẩu, cô chứng kiến những dãy xe tải nằm dài hàng cây số vì ùn ứ và “chờ hàng”. Trong các cuộc tiếp xúc, hỏi thăm về cuộc sống, cô ghi lại tất cả để làm dữ liệu và thấy rằng, ý tưởng của mình là khả thi.
Chưa dừng lại, Linh tìm hiểu thêm các mô hình tương tự trên thế giới. Có chỗ thành công, có nơi thất bại. Cô lại ngồi phân tích nguyên nhân và tự tin quyết thực hiện dự án khi thấy những mô hình thành công tại châu Âu, Trung Quốc, Brazil... Tuy nhiên, vì quá mới ở Việt Nam, những ngày đầu thực hiện, có rất ít người sử dụng. Linh phải đi từng bãi xe, từng kho hàng để thuyết phục chủ hàng lẫn chủ xe tham gia mạng lưới. Và đa phần từ chối, lảng đi chỗ khác vì tưởng… nhà báo đi điều tra. Chỉ khi dùng thử và nhận thấy tiện ích, họ thay đổi và mở điện thoại ra tải “app” về. Từ vài chục đến vài trăm xe tham gia, lượng kết nối của Logivan bắt đầu tăng và chỉ sau nửa năm, đã lên hơn 4.000 xe.
Ứng dụng của Linh khiến giới vận tải ngỡ ngàng. Linh cho biết: “Theo tìm hiểu của mình, tại Việt Nam, có hơn 1 triệu xe tải các loại. Như vậy, tiềm năng tăng trưởng là rất lớn và chắc chắn tổng lượng hàng hóa được vận chuyển sẽ còn cao. Chính vì vậy, dự án quyết định không thu phí mà chỉ tập trung phát triển trong 2 - 3 năm tới, nhằm thu hút người dùng”. Logivan tập trung vào phân khúc “first & middle mile delivery”, là các bước trên cùng của chuỗi cung ứng, khi mà hàng hoá được luân chuyển giữa các nhà sản xuất, phân phối tới nhà bán lẻ. Vì vậy, mô hình của Logivan là “B2B” (Business to Business).
Ở Việt Nam, rất ít quỹ đầu tư mạo hiểm. Vì vậy số dự án khởi nghiệp phát triển qua hai vòng gọi vốn đầu tiên (Series A) và vòng thứ 2 (Series B) không nhiều. Nhưng với Logivan, ngay lần đầu tiên huy động đã được 600.000 đôla từ Mỹ. Hiện tại, Logivan đã có 2 trụ sở tại Hà Nội và TP. HCM, liên kết hơn 12.000 tài xế xe tải ở miền Bắc và miền Nam, cùng nhiều đối tác lâu dài. Mới đây, ở vòng gọi vốn thứ hai, dự án của Linh đã “gây chấn động” khi gọi được đến 1,75 triệu đôla từ Ethos Partners, Insignia Venture Partners và VinaCapital Ventures. Với khoản đầu tư này, Linh sẽ đầu tư nâng cao quản lý và mở rộng dịch vụ tại TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, thu hút thêm các công ty “logistics” tham gia, đặt mục tiêu giảm 20% lượng xe tải rỗng vào năm 2020.
Logivan còn giành giảnh Nhất “UberEXCHANGE - Khởi nghiệp thông minh”, do Uber phối hợp với T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức năm 2017, lọt vào “top” 10 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Hội nghị Công nghệ châu Á (RISE 2018), Hồng Kông và được chọn là một trong 3 “startup” tiêu biểu trong tổng số 80 doanh nghiệp khởi nghiệp, được Ban Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 tại Việt Nam mời tham dự.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, Khánh Linh cho rằng, để thành công cần tìm hiểu kỹ thị trường và trả lời câu hỏi “tại sao bạn mới là người làm tốt chứ không phải người khác”? “Khi bước chân vào lĩnh vực này, nhiều người đã e ngại không phù hợp với con gái. Nhưng mình không bao giờ nghĩ đến sự khác nhau giữa nam và nữ trong một lĩnh vực”.