Lo thất nghiệp, cử tri TPHCM mong muốn có chính sách hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lo lắng trước tình trạng giảm việc, sa thải lao động diễn ra phức tạp thời gian qua, nhiều công nhân mong chính quyền thành phố có giải pháp hỗ trợ.

Ngày 10/9, HĐND TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức thực hiện chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”.

Chia sẻ tại chương trình, một số cử tri là người lao động bày tỏ lo lắng trước tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó, phải sa thải lao động.

Bà Lê Hà Mỹ Hồng, công nhân Công ty TNHH Kyung Rhim Vina (quận Bình Tân) nói thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nhiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. “Bản thân tôi cũng lo lắng bị cắt giảm lao động. Xin hỏi chính quyền có giải pháp gì hỗ trợ, giải quyết việc làm cho lao động bị mất việc hay không?” - nữ công nhân đặt câu hỏi.

Cũng theo ý kiến cử tri tại chương trình, trong số những lao động đã nghỉ việc, không ít người do quá khó khăn phải xin rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Cử tri mong chính quyền thành phố có chính sách hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới.

Lo thất nghiệp, cử tri TPHCM mong muốn có chính sách hỗ trợ ảnh 1

Quang cảnh chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời ngày 10/9.

Lập tổ công tác đảm bảo quyền lợi người lao động

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung, từ cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn quận có nhiều lao động bị cắt giảm việc làm. Quận cũng đã lên kế hoạch lập ngay tổ công tác để làm việc với các bên liên quan nhằm đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động mất việc. Nhờ đó, quyền lợi của những lao động mất việc trên địa bàn quận thời gian qua luôn được đảm bảo bằng hoặc cao hơn Luật Lao động quy định.

Ngoài ra, quận cũng chủ động tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tìm việc làm phù hợp cho số lao động mất việc này. Đối với những lao động có nguyện vọng và điều kiện phù hợp, quận hỗ trợ cho người dân vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp, tạo dựng thu nhập mới… Cùng với đó, quận miễn giảm thuế, kết nối cơ hội cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn làm ăn… nhằm hạn chế tình trạng cắt giảm lao động.

Liên quan việc rút bảo hiểm một lần, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM Trần Dũng Hà cho rằng việc người lao động chọn rút BHXH để giải quyết khó khăn về kinh tế trước mắt không phải là giải pháp đúng bởi tham gia BHXH chính là để dành, tích lũy đến khi về già hưởng lương hưu, có nguồn thu nhập.

Theo ông Hà, khi về già mà không có lương hưu, người lao động dễ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội hoặc phải tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu để tìm kiếm thu nhập. “Vấn đề này chỉ riêng chính quyền TPHCM sẽ không làm được mà cần có giải pháp căn cơ và thực hiện đồng bộ” - ông Hà nói.

Lo thất nghiệp, cử tri TPHCM mong muốn có chính sách hỗ trợ ảnh 2

Bạn trẻ trực tiếp tìm hiểu việc làm với nhà tuyển dụng. Ảnh: Ngô Tùng

Nhiều hành động hỗ trợ người lao động mất việc

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM Huỳnh Lê Như Trang cho biết hiện nay, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp được đảm bảo bằng nhiều chính sách. Chẳng hạn, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học, phần chênh lệch học phí sẽ do doanh nghiệp cử người đi học, người học thỏa thuận đóng góp.

Người lao động thuộc các đối tượng chính sách như: phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo đến 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất 2 triệu đồng/người/ khóa học dành cho phụ nữ, người lao động nông thôn…

Theo bà Trang, những năm tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành nâng cấp Cổng thông tin điện tử giáo dục nghề nghiệp để bổ sung tính năng gắn kết cung - cầu lao động sau tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp có thể gửi thông tin nhu cầu tuyển dụng và tra cứu thông tin nguồn nhân lực sau đào tạo ở các lĩnh vực, từ đó có thể tìm kiếm, tuyển dụng được nhân sự đáp ứng nhu cầu của đơn vị.

Về chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động mất việc, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định của Luật Việc làm, người lao động mất việc đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ học nghề với mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học dưới 3 tháng và hỗ trợ thực tế không quá 1,5 triệu đồng/tháng nếu khóa học từ 3 tháng trở lên.

Ngoài ra, người lao động mất việc khi thực hiện các thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tư vấn, hướng dẫn đầy đủ các yêu cầu, điều kiện để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.

MỚI - NÓNG