'Lộc trời' trong rừng giúp người dân huyện miền núi thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi đến mùa bo bo rừng chín, người dân lại mang theo các dụng cụ vào rừng hái quả về bán. Mỗi ngày một người có thể hái được 2-3 yến quả, cho thu nhập hàng trăm nghìn đồng.

Ngồi bóc tách hạt từ quả bo bo rừng, ông Hờ Chồng Chớ (52 tuổi, trú bản Huồi Khe, xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, số quả này được ông cùng các thành viên trong gia đình hái từ rừng về. Khi hái về quả còn tươi, gia đình ông Chớ phải luộc rồi bóc tách vỏ và phơi khô chờ thương lái đến mua.

“Họ thu mua bo bo cả quả tươi lẫn hạt khô. Nhưng quả tươi thì rẻ hơn, chỉ 5-7 nghìn đồng/1kg. Còn hạt khô thì đắt hơn, khoảng 50 nghìn đồng/1kg. Vì để có hạt khô mất công sức hơn, 10kg quả tươi chỉ được 3-4kg hạt khô”, ông Chớ nói và cho biết, quả bo bo được người dân nơi đây coi là "lộc trời ban" trong rừng.

'Lộc trời' trong rừng giúp người dân huyện miền núi thoát nghèo ảnh 1

Cây bo bo mọc trong rừng với từng chùm quả sai trĩu.

Ông Chớ cho hay, bo bo mọc trong rừng tự nhiên rất nhiều. Ở xã Huồi Tụ có đến hàng chục ha rừng mọc cây bo bo. Thông thường người dân ở các huyện miền núi như xã Huồi Tụ chỉ trồng lúa một vụ trong năm. Lúc nông nhàn, người dân sẽ đi làm thuê. Khi đến mùa sản vật trong rừng, người dân lại tranh thủ vào hái bán kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Trung bình một người có thể hái được 20-30kg quả bo bo tươi mỗi ngày. Có nhiều người trẻ khỏe có thể hái được 40-50kg bo bo tùy thời điểm. Với giá thương lái thu mua, mỗi ngày người dân có thể kiếm được 2-3 trăm nghìn đồng.

Chị Moong Thị Vân (43 tuổi, trú xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) cho hay, dịp tháng 8 hàng năm mùa bo bo sẽ bắt đầu chín và kéo dài vài tháng. Lúc này chị Vân sẽ cùng hai con gái mang theo gùi, bì tải và dao phay vào rừng cách nhà chừng 2km để hái quả. Quả bo bo tròn với đường kính 2-3 cm. Sau khi hái, người dân chỉ tách lấy quả bỏ vào bì rồi gùi về.

'Lộc trời' trong rừng giúp người dân huyện miền núi thoát nghèo ảnh 2'Lộc trời' trong rừng giúp người dân huyện miền núi thoát nghèo ảnh 3

Sau khi thu hoạch về, người dân có thể bán quả tươi cho thương lái hoặc luộc lên rồi tách hạt phơi khô để bán được giá hơn.

“Hái bo bo thì không mệt nhưng vận chuyển từ núi về nhà mới mệt. Đường núi rừng dốc trơn, đi không cẩn thận sẽ ngã. Nếu ngã thì quả sẽ dập, hỏng và bán không được giá. Nên lúc nào cũng phải cẩn thận từng tý một để mang bo bo về nhà”, chị Vân chia sẻ.

Trước đây người dân chủ yếu chỉ hái bo bo mọc tự nhiên trong rừng. Tuy nhiên loại quả này ngày càng được giá và ưa chuộng nên người dân đã tận dụng đồi trọc để nhân giống và trồng thêm bo bo. Nhờ trồng được bo bo, nhiều gia đình chủ động được việc thu hoạch và có thêm nguồn thu nhập ổn định.

'Lộc trời' trong rừng giúp người dân huyện miền núi thoát nghèo ảnh 4

Nhiều cơ sở ở các huyện miền núi thu mua quả bo bo rồi thuê người về bóc tách hạt phơi khô để bán.

Ông Mùa Bá Chư (52 tuổi, trú xã Tây Sơn, Kỳ Sơn) cho biết, gia đình ông trồng được 5ha cây bo bo. Dịp mùa về, gia đình ông huy động hết người trong gia đình để vào rừng tự nhiên hái bo bo và vào khu gia đình trồng để thu hoạch.

“Cây bo bo trồng không khó lắm, khoảng 2-3 năm sẽ có quả. Khi hết mùa, cây già sẽ héo và chồi non mọc lên, khoảng 6-7 năm cây mới tàn hẳn. Năm nay bo bo được mùa, sản lượng khá cao. Một ha cây đạt khoảng 30 tạ quả tươi, thu nhập khoảng 20 triệu đồng", ông Chư chia sẻ.

Một số hộ thay vì vào rừng hái quả sẽ đứng ra thu mua quả tươi cho người dân rồi về sơ chế lấy hạt khô để bán cho thương lái. Ngoài các thành viên trong gia đình, nhiều cơ sở còn thuê thêm người làm với giá thuê khoảng 200 nghìn đồng/1 ngày công.

“Bo bo được thu mua rồi đem sang huyện Quế Phong tập kết sau đó sẽ chuyển ra các tỉnh phía Bắc nhập để làm dược liệu. Mỗi ngày tôi thu mua khoảng 5 tạ quả. Dịp mùa quả chín rộ, có ngày tôi thu mua cả tấn quả”, chị Lô Thị Thanh - thương lái ở xã Huồi Tụ nói.

Huyện Kỳ Sơn có hơn 1.000 ha cây bo bo. Ngoài 672 ha diện tích khoanh nuôi bảo vệ thì còn có hơn 250ha cây do người dân trồng tập trung tại các xã như Huồi Tụ, Tây Sơn, Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn. Năm 2022, tổng sản lượng hạt bo bo của huyện đạt khoảng 722 tấn, mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Ở Nghệ An, cây bo bo có nhiều trong rừng tự nhiên ở các huyện khác như Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu. Đây được xem là cây xóa đói giảm nghèo của người dân vùng cao Nghệ An, mang lại thu nhập tốt cho nhiều hộ gia đình.

MỚI - NÓNG