Lợn nhập lậu tăng mạnh: Người chăn nuôi lo phá sản

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con lợn từ Campuchia được nhập lậu vào Việt Nam qua một số cửa khẩu ở các tỉnh phía Nam. Tình trạng này đang khiến người chăn nuôi và các doanh nghiệp (DN) trong nước đứng ngồi không yên, vì chưa kịp gượng dậy sau hàng loạt khó khăn lại tiếp tục bị hàng lậu “đánh gục”.

Lợn lậu chiếm 30% sản lượng bán ra mỗi ngày

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tình trạng lợn nhập lậu qua biên giới đang diễn biến rất phức tạp. Bằng nhiều nguồn tin hiệp hội này nắm được, do đang vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng nên tình trạng lợn nhập lậu cũng tăng đột biến.

Lợn nhập lậu tăng mạnh: Người chăn nuôi lo phá sản ảnh 1

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con lợn được nhập lậu vào Việt Nam

“Từ ngày 1-15/1, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con lợn từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và biên giới Tây Nam. Số lượng lợn nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng lợn chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày”, ông Nguyễn Trí Công nói đồng thời cho biết, với giá bán chỉ dao động trên dưới 50.000 đồng/kg lợn hơi, lợi nhuận từ lợn nhập lậu đang khiến người chăn nuôi trong nước gặp vô vàn khó khăn, phải bán dưới giá thành sản xuất.

“Năm ngoái, các doanh nghiệp phải đối diện với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán lợn dưới giá thành, dịch tả lợn châu Phi...Chưa hết khó khăn, giờ lại thêm tình trạng lợn lậu “đánh gục” ngành chăn nuôi trong nước khiến toàn ngành khó có thể gượng dậy”, ông Công chia sẻ.

Vị này cũng cho biết, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo và đề xuất các giải pháp phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. Lý do, đây là vấn đề không còn nằm trong phạm vi một tỉnh mà là vấn đề của toàn quốc và rất cấp thiết. Nếu cứ tiếp tục để cho lợn lậu, thịt ngoại tràn vào, ngành chăn nuôi trong nước sẽ gặp khó khăn để tồn tại.

Đại diện một DN chăn nuôi cho biết, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, lượng hàng tiêu thụ của DN có xu hướng tăng khi nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán có dấu hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên, qua việc nắm bắt thị trường, DN nhận thấy nguồn hàng từ các nước đổ về đang làm tăng mạnh nguồn cung trên thị trường.

Tại miền Bắc - Trung bộ, lợn nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc và từ Thái Lan về qua cửa khẩu Quảng Bình, Quảng Trị với giá 52.000 đồng/kg, đang gây ra khó khăn trong kiểm soát. Ở khu vực phía Nam, lợn Thái Lan có dấu hiệu tuồn qua cửa khẩu Long An thay thế nguồn lợn Campuchia với giá khoảng 50.000 đồng/kg, số lượng lên tới cả nghìn con mỗi ngày.

“Giữa năm ngoái, các bộ, ngành và địa phương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt nên sau một thời gian, lợn lậu vào Việt Nam có dấu hiệu hạ nhiệt. Thế nhưng dịp sát Tết, tình trạng này lại tăng rất mạnh khiến giá lợn hơi trên thị trường vẫn phập phồng”, đại diện DN chăn nuôi cho hay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc lợn nhập lậu tăng mạnh vào Việt Nam trong thời gian gần đây do giá lợn hơi trong nước đang cao hơn một số nước xung quanh. Thời gian qua, bộ nhận được phản ánh của nhiều DN và đã chỉ đạo Cục Thú y cử đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại địa phương. Lực lượng chức năng đã phát hiện có 2 cơ sở tổ chức thu gom số lượng lợn lớn tại vùng biên giới tỉnh Long An.

Tuy nhiên, do lực lượng chuyên môn mỏng và các đối tượng sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau nên cơ quan thú y không vào kiểm tra được việc vận chuyển lợn trong nội địa. Cơ quan chức năng cũng đã đề nghị tỉnh Long An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thành lập chuyên án để điều tra hoạt động vận chuyển, buôn lậu lợn trái phép trên địa bàn.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT đã nắm bắt vấn đề lợn nhập lậu có dấu hiệu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và sẽ có kiến nghị với các đơn vị chức năng, địa phương vào cuộc siết chặt, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, tiếp tay buôn lậu sản phẩm chăn nuôi ở các tỉnh biên giới.

Tại miền Bắc - Trung bộ, lợn nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc và từ Thái Lan về qua cửa khẩu Quảng Bình, Quảng Trị với giá 52.000 đồng/kg, đang gây ra khó khăn trong kiểm soát.

MỚI - NÓNG