Lóng tay cong, búp lá xanh

TP - “Người đàn bà hoa”, tên cuốn sách ra mắt tháng 4/2015, in những bức tranh của Nguyễn Quỳnh Chi, nguyên phóng viên báo Tiền Phong - với nỗ lực sưu tập của gia đình và sự đỡ đầu của NXB Mỹ thuật. Xin giới thiệu bài viết của một đồng nghiệp Quỳnh Chi về cuốn sách và nhân vật.

Quỳnh Chi làm việc cùng phòng tôi ở báo Tiền Phong trong hơn một năm, nhiều chuyện vụn vặt xen lẫn chuyện nghiệp vụ trong câu chuyện của Chi và tôi - chuyện vẽ vời. Nhìn ánh mắt Chi những lúc nói về vẽ tôi hay nghĩ Quỳnh Chi như nhành lá non lóng lánh sắc xanh. Nghĩ thế, bây giờ mới có dịp viết đôi chút về Chi.

Không thể biết Chi neo lại ở hội họa tại thời điểm nào, chú mục tỉa tót cảm nhận đẹp đẽ nào trong cuộc sống. Chỉ biết, Chi thích vẽ. Tôi lờ mờ đoán vậy từ những câu chuyện vẽ vời, câu chuyện con người vẽ vời và câu chuyện “tại sao không vẽ?” xen lẫn trong công việc của Chi và tôi. Trong những năm làm việc tại tòa soạn báo Tiền Phong, vẽ chưa choán nhiều phần trong cô gái bé nhỏ đó. Tôi vẫn nghĩ, khi đó chỉ là niềm vui tìm hiểu khía cạnh đẹp khác của cuộc sống, của chính bản thân hoặc giả hội họa đến như một cô gái dậy thì, ngại ngùng và bấn loạn khám phá thêm những biến thể tiến hóa bản thân của cô gái với đôi mắt trong veo mỗi khi ngẩng nhìn.

“Tôi gọi Nguyễn Quỳnh Chi là Cô Gái Hoa. Bắt chước cách cô đặt tên cho bức tranh “Người đàn bà hoa” trong triển lãm cá nhân đầu tiên và cũng là duy nhất của cô. Lặng thầm như một bông hoa. Buồn như một bông hoa. Và cũng mong manh như một bông hoa.

Từ lúc phát hiện thấy mình là hoa cho đến khi rời hoa bỏ đi (cầu sao đó là trên một đường hoa!), vừa tròn 10 năm”.

Dương Tường (trích lời tựa cuốn sách “Người đàn bà hoa”)

Thời gian lúc nào cũng lặng lẽ một cách nghiệt ngã. Tôi đã không hiểu được điều đó trong những ngày tháng bình thường qua. Cho đến ngày tôi gặp Chi trên phố, mắt vẫn trong nhưng không còn óng ánh. Chi nói: “Em giờ vẽ nhiều anh ạ”. Không có vẻ mệt mỏi của người trốn chạy thực tại nhưng khó có thể nói câu nói đó hàm chứa nhiều hưng phấn. Cho đến lúc đó, tôi vẫn chẳng quan tâm nhiều đến việc “vẽ” mà Chi nói. Vẽ - có lẽ chỉ làm tôi liên tưởng đến những lóng tay trắng, cong, run trong mùa đông lạnh đưa bút chì bâng quơ trên tờ giấy đánh máy ngà vàng như tôi từng biết về Chi.

Ai đó để trên bàn tôi ở tòa soạn quyển Người đàn bà hoa, sách tranh của Quỳnh Chi. Chi không còn để tự in được một quyển sách, không viết lời đề tặng cũng chẳng thể đem đến tặng tôi. Chắc đâu đó những người thân hay bè bạn đã làm thay Chi việc đó. Vẽ đối với Chi đã không phải như tôi nghĩ.

Lóng tay cong, búp lá xanh ảnh 1

Bên trong âm nhạc (Sơn dầu trên vải). Tranh của Nguyễn Quỳnh Chi.

Những bông hoa trong hình hài phụ nữ, không nhuốm màu sắc dục, chẳng phô trương. Sự chăm chút phủ kín những bức tranh như một nghệ sỹ thực thụ. Những bông hoa như tìm một khoảnh đất để tiếp tục là chính mình. Thật khó để cảm nhận, khó để luận đoán đó là cô gái tôi đã từng biết. Một nụ vàng mọc trên chiếc ghế không người, một bông hoa mọc từ cơ thể hay những cái lưng, những vòng tay tự ôm quấn lấy mình cũng có thể thấy cô đơn như lẩn quất. Tôi không biết đây là những bức vẽ sau cùng hay cả một đoạn, khoảng vẽ của Chi. Nhưng tôi không tin đây là phía con người mà Chi cố gắng tìm hiểu. Những ngón tay cong đó tìm được khoảng trống trải nào cầm bút vẽ bông hoa nứt ra từ thân thể đàn bà?

Lóng tay cong, búp lá xanh ảnh 2

Chân dung (Màu nước trên giấy Dó). Tranh của Nguyễn Quỳnh Chi.

Phía đó, phải chăng là vài ký họa những gương mặt đàn ông, phụ nữ, vài búp lá, mấy bông hoa. Không dụng công, không bài bản nhưng vẻ ấm áp hiện rõ. Những ánh nhìn nhẹ trên những khuôn mặt như không nhìn ai nhưng bừng sáng. Tôi tin, đó là phía Chi muốn tìm đến để bước những bước chân cuối cùng còn bước. Tôi tin, đó là khoảnh khắc Chi bình tâm để nhìn những phần cuộc sống đẹp đẽ không phải là mình. Và vẫn thế, nhành lá đó vẫn xanh trong như ánh mắt ngước nhìn.

Nguyễn Quỳnh Chi sinh năm 1976, mất năm 2013. Phóng viên văn hóa văn nghệ báo Tiền Phong 1996-2001.Triển lãm cá nhân “Nhật ký một xứ sở” (2003) tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại Hà Nội và một số triển lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt chung.

MỚI - NÓNG