Dự án “Lớp học Cầu Vồng” được thành lập từ năm 2016 và hiện đang là thành viên của Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Bắc (trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia). Hiện tại, “Lớp học Cầu Vồng” có khoảng 170 tình nguyện viên trên toàn quốc. Chia sẻ về ý tưởng thành lập dự án, Nguyễn Thị Thư (Trợ lý Founder của dự án) cho biết: “Chúng mình mong muốn các em có thể vượt lên trên hoàn cảnh của mình và phát triển hơn trong tương lai sau khi tham gia các lớp học này”.
Nguồn kinh phí hoạt động của dự án phần lớn là lợi nhuận thu được từ các hoạt động gây quỹ như bán bánh, thiết bị điện tử, khăn... và kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm.
Hoạt động chính của dự án là dạy học và kêu gọi sự quyên góp từ mọi người để giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, “Lớp học Cầu Vồng” đang triển khai 18 lớp học văn hoá và kỹ năng cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh vùng cao. Dự án còn hợp tác với các Trung tâm Bảo trợ trẻ em như Trung tâm Rồng Xanh và Quán Ong Mật, Trung tâm trẻ mồ côi Hoa Mai... để mở các lớp học tình thương. Ngoài các lớp học offline, dự án còn tổ chức các lớp học online cho trẻ em ở nông thôn và người chấn thương cột sống trên toàn quốc.
"Lớp học Cầu Vồng" mang yêu thương và tri thức đến những mảnh đời kém may mắn trong xã hội. |
Mỗi lớp học của dự án đều có cái tên rất đặc biệt như lớp học “Hàn gắn”, lớp “Phúc Xá”, “Bright Future”... Là một trong những lớp học được thành lập trong dịch COVID-19, tên của lớp học “Hàn gắn” mang thông điệp: Hàn gắn những “vết thương” mà đại dịch gây ra cho trẻ em. Bên cạnh việc tổ chức các lớp học cho trẻ em, “Lớp học Cầu Vồng” còn mở các lớp tiếng Anh giá rẻ dành cho tình nguyện viên, giúp họ trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng của mình. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được đóng góp vào quỹ hoạt động từ thiện của dự án. Song song với hoạt động dạy học, “Lớp học Cầu Vồng” còn tổ chức các hoạt động thường niên như phát quà tại các trại phong và các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một lớp học online do "Lớp học Cầu Vồng" tổ chức. |
Vì tình hình dịch diễn biến phức tạp nên dự án đã chuyển toàn bộ hoạt động sang hình thức online. Đối với những lớp học online, dự án đã liên lạc với gia đình của từng học sinh để họ có thể nắm bắt tình hình học tập của các con. Với những gia đình không có điều kiện mua thiết bị học online, dự án đã kêu gọi các mạnh thường quân để hỗ trợ thiết bị học tập cho các em nhỏ. Khi chuyển từ hình thức dạy offline sang online, các bạn tình nguyện viên cho biết mình gặp nhiều khó khăn trong việc tương tác và vấn đề kỹ thuật. Nguyễn Thị Thư (Trợ lý Founder của dự án) chia sẻ: “Vì các em còn bé và nhiều học sinh sống ở nông thôn nên ít được tiếp xúc với công nghệ. Vì thế, các em và tình nguyện viên gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian đầu triển khai lớp học online”.
Các thành viên của dự án "Lớp học Cầu Vồng". |
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tất cả hoạt động của dự án đã chuyển sang hình thức trực tuyến. |
Bên cạnh duy trì các lớp học online, dự án còn hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị mất thu nhập hoàn toàn trong đại dịch trên cả nước, đặc biệt là tại TP. HCM.
Chứng kiến sự thay đổi của các em, các thành viên trong dự án đều cảm thấy tự hào vì có thể lan tỏa giá trị của tình thương và tri thức đến những em học sinh của mình. Nguyễn Thị Hậu (tình nguyện viên) đã có gần bốn năm gắn bó với “Lớp học Cầu Vồng” khẳng định, đây là nơi giúp cô trưởng thành hơn rất nhiều. Hiện tại Hậu đang giảng dạy tại lớp học "Phúc Xá". Cô chia sẻ: “Các bé ở lớp học này đều có hoàn cảnh đặc biệt. Sau quá trình học tập tại đây, các em đều mong muốn mình sẽ trở thành một người tốt và giúp ích cho xã hội. Mình cảm thấy đây là sự thành công lớn nhất đối với một tình nguyện viên như mình”.