Lớp học đi tìm ánh sáng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gà lên chuồng cũng là lúc ánh đèn pin, tiếng í ới của bà con gọi nhau tới Đồn biên phòng Ia Lốp, huyện Chư Prông, Gia Lai học con chữ. Ăn vội bát cơm tối, các chiến sĩ đồn chuẩn bị đồ dùng phục vụ cho lớp học. Giữa đất trời tối đen, ánh sáng trong lớp cùng tiếng đánh vần vang vọng vùng biên.

Vùng biên nắng hạn

Ai hiểu về Gia Lai sẽ thấy vùng đất xã Ia Mơr tách biệt hẳn với các nơi khác. Không chỉ xa xôi, cuộc sống người dân nơi đây còn bao vất vả, lo cơm áo mỗi ngày. Xã này còn là vùng đất “khát” ngay dưới đại công trình thủy lợi Ia Mơr hơn 3 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân do tỉnh vẫn chưa xin chuyển đổi được đất rừng để tạo khu tưới. Nếu hiện thực được điều này, chắc chắn vùng biên giáp nước bạn Campuchia sẽ có hoa màu, đồng lúa xanh tươi.

Lớp học đi tìm ánh sáng ảnh 1

Trung tá Nguyễn Văn Thành (bên trái) giải thích cho bà con giá trị của biết chữ

Nơi biên viễn nắng gắt, đêm tối hiu quạnh nhưng ấm lòng hơn khi có bộ đội biên phòng sớm hôm cùng bà con. Cơn mưa tháng 9 tầm tã khiến đường tới Đồn biên phòng Ia Lốp (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) lầy lội, xa ngái. Tưởng chừng hơn 20 cây số dọc tuyến kênh thủy lợi Ia Mơr chẳng là bao, ai ngờ chúng tôi phải vật lộn cả tiếng đồng hồ. Giữa màn đêm bao phủ, ánh sáng của Đồn biên phòng Ia Lốp hiện ra, ai cũng thở phào, nhẹ nhõm. Nay trời âm u, sợ học sinh ở nhà, các chiến sĩ ăn vội bát cơm rồi phân công nhau đi đón từng học sinh.

Theo trung tá Nguyễn Văn Thành - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp, khu dân cư suối Khôn (xã Ia Mơr) có 71 người dân tộc Jrai hiện đang mù chữ. “Anh em vận động thấy nhiều người mong muốn được học chữ. Hiện lớp học có 15 học sinh, không giới hạn độ tuổi. Bởi vậy, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ Chỉ huy và được đồng ý để mở lớp xóa mù chữ này. Mỗi tuần lớp sẽ học ba buổi với hai môn chính là Toán và tiếng Việt”, trung tá Thành nói.

Lớp học đi tìm ánh sáng ảnh 2

Người dân xem trung tá Nguyễn Văn Thành như người con của buôn làng

Thầy giáo của lớp học đặc biệt này là trung tá Vũ Văn Hoằng đảm nhận môn Toán, còn đại úy Nguyễn Văn Luân sẽ dạy môn tiếng Việt. Trung tá Hoằng, một người cương quyết ngay từ ánh nhìn nhưng khi đứng trên bục giảng lại đầy ấm áp, giới thiệu với mọi người về những nhà hảo tâm hỗ trợ vở, bút, bàn ghế học tập.

Còn đại úy Nguyễn Văn Luân vừa lập gia đình ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ). Nhà cách đơn vị hơn 70 cây số nên vài tháng đại úy Luân mới về thăm vợ và con nhỏ một lần. Có khi vừa về, đơn vị triệu tập là phóng xe vào ngay trong đêm. Dẫu vậy, chiến sĩ trẻ vẫn lạc quan: “Đường bây giờ so với mấy năm trước ngon lắm rồi. Thời đó, có khi anh em phải cuốc xe máy đi đường vòng, băng qua núi rừng không một bóng người. Được cái vợ chồng hiểu nên động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Đại uý Luân thở dài, vùng đất nơi đây khắc nghiệt, đất cát sỏi, mùa màng phải nhờ trời, bởi thế nếu người dân không biết chữ sẽ khổ vô cùng. Những ngày đầu vận động bà con tới học rất vất vả, họ e dè, ngại ngùng. Tuy vậy, “mưa dầm thấm lâu”, cùng với tình thương yêu người đồng bào thiểu số nơi đây, đại uý cùng già làng tới từng nhà, thuyết phục mọi người phải “Học cái chữ vì đất nước giờ phát triển rồi. Đi chữa bệnh, mua bán cũng phải biết đọc để không bị lừa. Người lớn tuổi học để làm gương cho con cháu. Còn trẻ phải đi học để có tương lai”. Giờ lên lớp cũng là lúc đại úy trẻ giải thích với mọi người về pháp luật, không được tảo hôn, học để làm giàu.

“Dạy học ở đâu quát nạt được chứ ở đây không có đâu! Nặng lời là bà con nghỉ học ngay, lại phải tới tận nhà chở đi. Phải khéo léo, tế nhị, bình tĩnh, chân thành bà con mới quý”, đại uý Luân chia sẻ.

Dẫn con đi học

Lớp học đi tìm ánh sáng ảnh 3

Chị Kpuih Lép (áo đen) rất vui khi mỗi tối được tới lớp học

Cả nước khai giảng vào buổi sáng nhưng lớp học đặc biệt này lại khai giảng lúc chập tối. Buổi lễ khai giảng giản dị, xúc động khi những quyển vở, cây bút được trao tới những bàn tay lao động thô ráp. Những ánh mắt rưng rưng của cụ già, nụ cười thơ ngây của các bạn trẻ mới đôi mươi khiến các thầy giáo không khỏi rưng rưng.

Dòng suối Khôn cuồn cuộn chảy, khi hiền hòa, lúc mãnh liệt như những thầy giáo mang quân hàm xanh đem con chữ đến buôn làng. Họ điềm tĩnh, gần gũi, nhẹ nhàng với người dân để con chữ mới thấm dần vào những người dân nghèo vùng biên viễn. Các thầy giáo nơi đây trước khi vào lớp học đều chuẩn bị một ít bánh kẹo để cho những em nhỏ được mẹ địu trên lưng đến lớp.

Chị Kpuih Lép (27 tuổi) xưa chỉ học tới lớp 4 phải nghỉ học giữa chừng vì nhà nghèo, nhường việc học lại cho các em nhỏ. Bao năm qua thấy học sinh tới trường, chị Lép chỉ biết rưng rưng, nhìn theo bóng dáng các em. Lâu dần, chị Lép tái mù chữ. “Em thích được ngửi mùi quyển vở, quyển sách lắm. Đến lớp vui lắm, hôm bữa em nói thích được viết bằng bút máy, thầy giáo vừa nhận lương mua cho ngay. Em học đọc để đọc cái chữ nhanh hơn, mấy bữa nữa lấy chồng nó mới tôn trọng. Đẻ con ra còn dạy học cho nó chứ”, chị Lép thổ lộ.

Cơm tối xong cũng là lúc ông Kpah Choan (61 tuổi) chở cậu con trai Kpah Vớt (19 tuổi) đến lớp học. Ông Choan ngày xưa cũng phải nghỉ học giữa chừng nên quyết tâm không để con trai mù chữ. Với ông Choan, học cái chữ để mai này không bị lừa, biết cách trồng hoa màu, năm sau cho con trai thi bằng lái xe máy.

Ông Choan kể, bản thân sinh được 8 người con, Vớt là đứa nhỏ nhất. Ngày xưa Vớt không chịu tới lớp, bắt bố phải đi cùng chứ không khóc miết. Yêu cầu lạ ấy khiến người cha không thể đáp ứng được, đành cho cậu con trai nghỉ học, lên rẫy. Bây giờ bộ đội biên phòng mở lớp học, ông động viên con trai đi. Cũng lạ lắm, có bố chở đến lớp nó mới chịu đi, còn không Vớt ở nhà. Chăm chỉ hàng đêm, giờ Vớt đã biết đánh vần khiến người cha già lúc nào cũng rạng rỡ.

“Có hồi em đi mua đồ bị lừa, ký vào giấy tờ mà không biết người ta viết cái gì trong đó nên ức cái bụng lắm, giờ quyết tâm để biết chữ. Nhiều lúc bạn bè hát karaoke mà mình không biết chữ nên cũng buồn lắm. Biết chữ, biết làm toán sau này em sẽ cố gắng đọc sách báo, tìm hiểu cách làm ăn, kiếm tiền nuôi vợ con”, Vớt chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Văn Thành cho biết, những người dân từ nhiều nơi khác sang khu vực suối Không, xã Ia Mơr để lập nghiệp nên hình thành một khu dân cư với 103 hộ, 561 khẩu. Chính vì thế, người dân vẫn thường gọi là ngôi làng không tên.

MỚI - NÓNG