Lớp học giữ câu hát lý di sản của người Cơ Tu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những lớp học được duy trì đều đặn mỗi cuối tuần, gửi gắm kỳ vọng của những già làng Cơ Tu ở Đà Nẵng đến lớp trẻ để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy lối hát di sản của đồng bào mình.
Lớp học giữ câu hát lý di sản của người Cơ Tu ảnh 1
Lớp học hát lý được tổ chức đều đặn mỗi cuối tuần ở nhà gươl thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc). Ảnh: Giang Thanh

Trao truyền câu hát

Cứ cuối tuần, những câu hát lý lại được ngân nga vang vọng dưới mái gươl thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ấy là những buổi học do các già làng Cơ Tu ở thôn Tà Lang và Giàn Bí đứng lớp. Trong nhà gươl, một vòng tròn lớn gồm đôi chục học viên, lớn tuổi có, trung niên có, nam thanh nữ tú có, ngồi quây quần quanh hai vị già làng. Với chất giọng hào sảng của núi rừng, già Bùi Văn Siêng (Alăng Siêng, thôn Giàn Bí) kể cho lớp hậu bối về lối hát lý truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Cùng với già làng Đinh Hồng Khanh (thôn Tà Lang), già Siêng đối đáp những câu hát lý, khiến những học trò say sưa lắng nghe.

Hát lý - nói lý vốn là nét văn hóa truyền thống bao đời của người Cơ Tu. Năm 2015, nghệ thuật hát lý - nói lý của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia. “Các lễ hội lớn như đâm trâu, ăn lúa mới, việc ma chay hiếu hỉ, không có hát lý - nói lý thì không thành. Giữa làng này với làng kia, giữa người Cơ Tu ở vùng này, vùng kia, trò chuyện đều phải bằng hát lý - nói lý, vừa là đối đáp thử tài, vừa là sự tôn trọng đối phương”, già Siêng cho hay.

Lớp học hát lý truyền thống do Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang phối hợp với UBND xã Hòa Bắc tổ chức từ giữa tháng 10/2023. Lớp học được duy trì định kỳ mỗi cuối tuần với sự tham gia của khoảng 20 - 30 học viên. Đã ngoài tuổi thất thập, già Siêng và già Khanh như hai cây đại thụ neo giữ những nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở Hòa Bắc. Những câu hát lý vẫn được các già trao truyền đến lớp lớp thế hệ để văn hóa Cơ Tu không bị mai một theo năm tháng.

Lớp học giữ câu hát lý di sản của người Cơ Tu ảnh 2
Các học trò chăm chú lắng nghe già Siêng và già Khanh đối đáp hát lý. Ảnh: Giang Thanh

Là người đức cao vọng trọng trong cộng đồng Cơ Tu, già Siêng hay già Khanh luôn được dân làng cậy nhờ trong những dịp đám hỏi, đám cưới. Bởi biết hát lý - nói lý mới có thể đi làm ông mai cho nam thanh nữ tú kết duyên chồng vợ. Người Cơ Tu, dù ở địa phương nào, thì trong tập tục cưới hỏi, đều phải dùng hát lý - nói lý. Bắt đầu lễ hỏi, ông mai nói lý để trình bày việc xin cưới với nhà gái. Sau khi chấp nhận lời hỏi cưới, nhà gái muốn thách cưới, đòi sính lễ gì đều sẽ hát lý để tỏ bày nguyện vọng. “Hai bên hát lý đối đáp qua lại để thống nhất sính lễ. Bởi vậy, ông mai của nhà trai bao giờ cũng là người được kính trọng, tin tưởng mới giao phó trách nhiệm, phải biết hát lý - nói lý giỏi, hay để nhà gái không chê cười”, già Siêng nói.

Trong lễ đâm trâu, ăn lúa mới của người Cơ Tu, bên cạnh điệu múa dâng trời tung tung da dá, biểu diễn cồng chiêng, hát lý cũng là cách để mọi người chúc Tết, để người già căn dặn lớp trẻ vào dịp năm mới. Trong không khí đầm ấm, sum vầy của năm mới, dưới mái gươl, những câu hát lý gửi gắm kỳ vọng của các bậc cao niên về một năm mới tốt đẹp hơn, trời đất phù hộ cho dân làng cơm no áo ấm, bản làng đoàn kết, gắn bó…

“Việc tổ chức và duy trì lớp học hát lý cho bà con Cơ Tu ở Tà Lang - Giàn Bí là cách để duy trì văn hóa, không để bản sắc của đồng bào Cơ Tu dần mai một. Thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn chính quyền tiếp tục hỗ trợ để hát lý được duy trì trong các lễ hội truyền thống cũng như các chương trình, sự kiện du lịch địa phương, góp phần gìn giữ, quảng bá nét văn hóa truyền thống độc đáo này”.

Anh Đinh Văn Hin, Trưởng thôn Tà Lang

Gìn giữ bản sắc đang dần mai một

Niềm vui của già Siêng, già Khanh trong hành trình gìn giữ, trao truyền bản sắc Cơ Tu đó chính là những lớp học như lớp học hát lý vẫn níu chân được các thế hệ dân làng. Ở lớp học đó, những người thầy tuổi thất tuần vẫn ngân nga những điệu hát lý. Những học trò tóc đã điểm bạc, những học trò vừa bước qua tuổi tứ tuần, cả những học trò vừa tròn mười chín, đôi mươi say sưa lắng nghe, ê a hát theo từng câu hát. Dù là người già hay người trẻ, dù là cán bộ xã, thôn hay đoàn thể, họ đều không ngần ngại khi ngồi chung một lớp học. Đã ngoài 60, già Trương Văn Mỹ cũng là bậc cao niên trong cộng đồng Cơ Tu. Thế nhưng, ở lớp học, già vẫn là cậu học trò nhỏ mới bén duyên với hát lý - nói lý được già Khanh ưng bụng nhất lớp vì đã học được 3 phần của thầy. Nghe những câu hát lý đối đáp của hai người thầy, thi thoảng, già Mỹ lại vỗ đùi tâm đắc vì cách đối đáp, ví von “ưng cái bụng”.

Lớp học giữ câu hát lý di sản của người Cơ Tu ảnh 3
Già làng Bùi Văn Siêng giảng giải cho lớp học về nghệ thuật hát lý - nói lý truyền thống của người Cơ Tu. Ảnh: Giang Thanh

Hay như anh trưởng thôn Tà Lang Đinh Văn Hin, dù trong tuần bận bịu đủ thứ công việc ở xã, ở thôn thì cuối tuần vẫn cắp sách đến lớp học hát lý. “Để bản sắc Cơ Tu không bị mai một, lớp trẻ chúng tôi học lại văn hóa tộc người mình mỗi ngày, từ các bậc cao niên trong làng, từ người lớn trong nhà, học từ tiếng nói đến điệu múa đến câu hát”, anh Hin kể.

Theo anh Hin, cái khó nhất của hát lý - nói lý đó là không có mẫu số chung để học, bởi hát lý - nói lý phụ thuộc vào độ linh hoạt, ứng khẩu của những người đối đáp, vào kinh nghiệm, am hiểu văn hóa của từng nghệ nhân, từng người hát. Qua những buổi học, hỏi anh Hin tự tin hát lý cùng các thầy chưa? Anh Hin rụt rè lắc đầu.

Lớp trẻ như anh, những người có thể hát lý - nói lý chỉ được đôi ba người, nhưng cũng mới như “trẻ bập bẹ biết nói”. “Độc đáo nhất của hát lý, nói lý Cơ Tu đó chính là lối nói ẩn dụ, dùng hình ảnh, sự vật này để ví von, ám chỉ một sự vật, hiện tượng khác.

Gần 4 tháng mở lớp, những lớp học vẫn duy trì đều đặn quân số, già Khanh, già Siêng vui như mở cờ trong bụng bởi các lớp thế hệ người Cơ Tu ở Tà Lang - Giàn Bí vẫn yêu thích, vẫn mong muốn gìn giữ bản sắc. Bấm bấm ngón tay, già Khanh điểm danh những học trò đang dần tiến bộ từng ngày. Bởi là lối hát truyền miệng nên việc tiếp thu, lĩnh hội phụ thuộc hoàn toàn vào trò. “Tui vui vì có những trò lúc rảnh rỗi sẽ ghé lại nhà thầy để nghe hát, ghi âm lại rồi về học theo. Có gì thắc mắc, các trò cũng tìm đến thầy để hỏi. Cứ như vậy, hát lý - nói lý của người Cơ Tu sẽ từ thế hệ này trao truyền qua thế hệ khác, như cách trước đây tui hay già Siêng học lại từ những người già trong làng, trong gia đình”, già Khanh phấn khởi.

Già Siêng cũng gật gù nhẩm tính trong tương lai gần, khi CLB hát lý - nói lý của Tà Lang - Giàn Bí được thành lập, ngày càng nhiều người trẻ sẽ tìm đến để tiếp tục trao truyền câu hát di sản của đồng bào Cơ Tu. Một ngày không xa, hát lý - nói lý cũng sẽ như điệu múa tung tung da dá mời gọi được du khách gần xa đến Hòa Bắc để trải nghiệm, trở thành sinh kế làm du lịch cộng đồng của người Cơ Tu nơi đây.

MỚI - NÓNG