Lớp học xóa mù cho U70

0:00 / 0:00
0:00
TP - 7 năm trôi qua, chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) vẫn cần mẫn “chèo đò” đưa con chữ đến với phụ nữ nghèo, dân tộc Khmer.

Cứ đến 16h30, người dân ở cửa biển Sào Lưới không còn xa lạ gì với hình ảnh các U60, U70 rong ruổi trên con đường quê và mang theo “chiếc cặp” là túi nilon để đến trường học chữ. Ngay từ phía xa xa, vang vọng tiếng đánh vần chữ cái còn chuệch choạc của các bà, các mẹ. Tất cả tạo nên thanh âm đẹp đẽ của tình yêu thương.

Lớp học xóa mù cho U70 ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thao chăm chút từng nét chữ

Trong lớp học, bà Hai Ngang (bà Nguyễn Thị Thao, 74 tuổi ở ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái) được giới thiệu là học viên lớn tuổi và chăm chỉ nhất của lớp. Ở độ tuổi mắt mờ, tay run nhưng chỉ sau 2 tháng học tập, bà Thao đã có thể tự viết tên mình với niềm phấn khởi ngời lên trong ánh mắt.

Bà Hai Ngang cười đầy tự hào khoe rằng mình có thể đi chợ đọc được bảng hiệu, rồi biết viết tên mình mà từ trước đến nay có mơ bà cũng không dám nghĩ tới. Bà lần giở từng trang giấy ô ly chỉ tay vào những dòng chữ tập viết “Nguyễn Thị Thao” được lặp lại từ trang này sang trang khác, nét chữ run rẩy, chưa ngay ngắn nhưng to, rõ nét.

“Mình gắng học để đi đâu cũng biết chữ như người ta. Giờ viết được cái tên, đọc được bài nên mừng lắm. Bởi vậy, mưa nắng gì mình cũng đi học hết, trừ khi bệnh tôi mới xin cô nghỉ thôi”, bà Nguyễn Thị Thao cười hiền chia sẻ.

Tiếp nối hiệu quả, lớp học tình thương ở cửa biển Sào Lưới còn có cả nam giới theo học. Ông Nguyễn Văn Sang, ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái được mọi người ví von là “đẹp trai nhất lớp”. Ông Sang cũng đã hơn 60 tuổi không ngại ngần mà đều đặn đến lớp cùng các chị em.

Ông Sang chia sẻ: “Ngày trẻ do không có điều kiện đi học, chạy giặc khắp nơi nên không biết chữ, bảng hiệu của trường có chữ mà cũng không biết đọc. Nhưng giờ có lớp học mừng lắm, ai nói già rồi còn học mình cũng không ngại vì mình ráng đi học cho biết chữ, biết viết…”.

Chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái nói thêm: “Dù cả ngày bận rộn với công việc mưu sinh nhưng các học viên đặc biệt này rất chăm chỉ, phấn chấn khi đi học. Khi các cô, chú viết được họ tên mình lên bảng thì không chỉ các học viên xúc động mà mình còn vui hơn nhiều lần nữa. Tuy không đem lại giá trị vật chất nhưng lại thấy mình an ủi được về giá trị tinh thần”.

Một số ý kiến cho rằng việc xóa mù chữ cho học viên lớn tuổi cũng không để làm gì. Nhưng nếu được tận mắt chứng kiến niềm vui của những cô chú tuổi ngoài 60 nắn nót viết tên mình, lần dò từng nét chữ để đánh vần và đọc tròn câu tập đọc thì mới thấy được giá trị nhân văn như thế nào. Và những lớp dạy chữ như thế này lại càng trở nên đáng giá hơn bao giờ hết.

Giữ trọn nghề cao quý

Chị Đào Thị Thanh An từng là giáo viên Ngữ văn của một trường cấp 2 vùng bãi ngang ven biển. Vì hoàn cảnh gia đình, năm 2001 chị rời bục giảng. Sau khi ổn định cuộc sống, chị tham gia công tác phụ nữ cơ sở, hiện là Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân.

Một lần tình cờ khi chị An giúp chị em làm hồ sơ để hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách, thấy nhiều chị em không biết ký tên mình phải lăn chỉ tay hoặc viết dấu cộng. Chị thấy thương cảm và rất xót lòng cho chị em quê mình. Vì thế, chị Thanh An xin ý kiến Đảng ủy, UBND xã Nguyễn Việt Khái để mở lớp học trên tinh thần như thế.

Cuối năm 2015, lớp học tình thương của chị An ra đời và trụ sở sinh hoạt văn hóa của ấp Gò Công trở thành phòng học đặc biệt. Ngày khai giảng chỉ có 3 học viên đến lớp. 10 ngày trôi qua, số lượng học viên không tăng thêm, mọi người khuyên chị bỏ cuộc, nhưng chị An không nản chí.

Và rồi, đúng như câu nói “trời không phụ lòng người có tâm”, lớp học xóa mù chữ ngày càng có nhiều học viên tham gia. Đến nay, chị An đã giúp cho hơn 80 học viên nơi cửa biển biết đọc, biết viết và các phép cộng trừ đơn giản. Nhiều chị em người dân tộc Khmer cũng rành tiếng Việt hơn.

Tại cửa biển Sào Lưới cũng có một lớp học tình thương do Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái đứng ra tổ chức ở điểm trường lẻ, vào 16h30 các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Mỗi học viên mỗi hoàn cảnh nhưng điểm chung đều nghèo khó, vì vất vả mưu sinh mà không có điều kiện đi học.

Lớp học ở cửa biển Sào Lưới thường do chị Trương Kim Lến, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái đứng lớp. Tuy nhiên, đều đặn hàng tuần, chị An vẫn tranh thủ ghé thăm lớp và không quên mang theo gạo, đường, nước mắm, tập sách tặng cho các thành viên trong lớp.

Chị Lến cho biết, lúc đầu đi họp tổ phụ nữ thấy có một vài chị không ghi được tên nên nghĩ là ít nhưng sau khi hỏi thăm thì mới biết còn nhiều chị em chưa biết đọc, biết viết nhưng ngại. Từ đó, chị mới bàn với chị An để mở lớp dạy chữ ở cửa biển Sào Lưới. Chị mừng vì khi lớp mở có 10 học viên đăng ký tham gia học.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký tặng bằng khen cho chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.