Luật sư cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư để lừa đảo trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mặc dù đã được cảnh báo, song vẫn có nạn nhân dính bẫy lừa đảo liên hoàn trên không gian mạng với chiêu trò "mạo danh luật sư giúp nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo". Nhiều luật sư cho rằng, việc này gây bức xúc trong giới luật sư và khẳng định chính bản thân họ cũng không thể lấy lại được tiền cho các bị hại.
Luật sư cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư để lừa đảo trên mạng ảnh 1Luật sư cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư để lừa đảo trên mạng ảnh 2

Nhiều trang Facebook quảng cáo luật sư lấy lại tiền lừa đảo.

Mất trăm triệu đồng vì luật sư giả

Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo về chiêu trò lừa đảo mạo danh luật sư giúp thu hồi lại tiền bị lừa đảo, vừa qua, chị L. (SN 1981, trú tại Ba Đình, Hà Nội) vẫn bị các đối tượng lừa số tiền 125 triệu đồng. Trước đó, chị L. bị lừa hơn 200 triệu trên mạng và liên hệ trang Facebook quảng cáo Công ty Luật hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Sau đó, chị L. được các luật sư giả hướng dẫn đóng phí thu hồi tiền. Do mong muốn lấy lại số tiền lớn đã mất, chị L. chuyển tiền và phát hiện mình tiếp tục bị lừa.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt các trang giả danh luật sư, lực lượng công an đăng bài quảng cáo thu hồi lại tiền lừa đảo như: C50 - Thu hồi tiền Lừa đảo chuyển khoản Online 247; Thu hồi tiền bị treo - lấy lại tiền bị lừa; Hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo; Luật Sư - Hỗ Trợ Thu Hồi Tiền Lừa Đảo; Thu Hồi Tiền Treo-Tiền Lừa Đảo Không Đóng Mã Lệnh Không Phí Trước; Hỗ Trợ Thu Hồi Tiền Lừa Đảo Qua Các App Ảo...

Các trang này đăng tải hình ảnh của các luật sư, thậm chí cả lực lượng cảnh sát với những dòng quảng cáo: hỗ trợ thu hồi tiền bị treo trên không gian mạng, chuyển nhầm số tài khoản, tiền kẹt trong các app sàn thương mại điện tử... với chi phí thấp nhằm thu hút những người từng bị lừa đảo liên hệ. Các trang này không cung cấp số điện thoại mà chỉ liên lạc bằng hình thức nhắn tin qua Facebook, Zalo, Telegram...

Luật sư cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư để lừa đảo trên mạng ảnh 3

Không chỉ mạo danh luật sư, các đối tượng còn lấy hình ảnh lực lượng cảnh sát để lừa đảo.

Không chỉ mạo danh luật sư, vừa qua, Công an TP Hà Nội cũng phát hiện nhiều tài khoản giả mạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an để hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng thu hồi lại tiền. Đồng thời cảnh báo nhưng vẫn có nạn nhân tiếp tục “sập bẫy” các đối tượng.

Theo cơ quan công an, các đối tượng đánh vào tâm lý bị hại từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, đã giả danh cán bộ an ninh mạng giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa từ các sàn chứng khoán, sàn thương mại điện tử, app lừa đảo với thủ tục nhanh chóng, hiệu quả, cam kết lấy lại được tiền đã bỏ ra sau 24h. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

Điển hình, chị H. trú tại Hà Nội sau khi bị lừa 100 triệu đồng khi tham gia làm cộng tác viên online đã liên hệ với tài khoản Facebook giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để giúp lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng. Nạn nhân được hướng dẫn thu hồi tiền bằng cách tham gia vào trang web chơi cờ bạc online và an ninh mạng sẽ "hack" vào 2 khung giờ, đảm bảo đóng tiền đặt lệnh sẽ thu được lãi. Sau một vài lần thực hiện thành công, các đối tượng thông báo chị phải nạp thêm nhiều tiền hơn. Khi chị H. chuyển 300 triệu đồng các đối tượng đã chiếm đoạt.

Qua các vụ việc trên, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Luật sư cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư để lừa đảo trên mạng ảnh 4Luật sư cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư để lừa đảo trên mạng ảnh 5

Nhan nhản các trang mạng quảng cáo lấy lại tiền lừa đảo.

Luật sư nói gì?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, khẳng định đây là hành vi lừa đảo. Các đối tượng đánh vào tâm lý bị hại muốn lấy lại tiền, kể cả có mất bao nhiêu % số tiền bị lừa vẫn chấp nhận.

"Ngay cả bản thân tôi cũng không có khả năng để giúp thu hồi tiền cho các bị hại mà chỉ có thể tư vấn giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật là hướng dẫn họ làm đơn trình báo đến cơ quan công an để tố giác tội phạm" - luật sư Thơm cho biết, không có một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ngoài lực lượng công an có thể thụ lý giải quyết vụ việc theo thẩm quyền, nếu ai nhờ các đối tượng giả mạo luật sư giúp, nộp phí thì hãy xác định là bị lừa tiếp lần thứ 2.

Theo luật sư Thơm, mọi người cần thận trọng, tìm hiểu kỹ hoặc tham vấn luật sư trước khi đầu tư chuyển tiền qua các nền tảng mạng xã hội. "Đầu tư vào mạng là ảo nhưng tiền của mình là thật. Hãy luôn ghi nhớ, không bao giờ có mô hình đầu tư kinh doanh nào mà lại cam kết, hứa hẹn lợi nhuận, có thể lên đến vài chục % một tháng. Đó chỉ có thể là lừa đảo" - luật sư Thơm chia sẻ.

Cùng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, đây thực sự là câu chuyện mà giới luật sư trong thời gian vừa qua rất bức xúc. Điều này cũng cho thấy, sau "làn sóng" lừa đảo giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... đến nay các đối tượng giả danh cả luật sư.

"Nhu cầu pháp lý của người dân rất lớn, điều này đáng mừng, bởi khi họ bị lừa mất tiền đã tìm đến các đơn vị tư vấn pháp lý là luật sư. Tuy nhiên, người dân cần nắm được một điều là về khung pháp lý thì luật sư chưa được cung cấp dịch vụ, kể cả việc ký hợp đồng điện tử mà theo quy định của pháp luật thì khi hoạt động phải có trụ sở, văn phòng đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền"- luật sư Tuấn Anh nói.

Theo luật sư Tuấn Anh, bất kỳ một công ty luật hay văn phòng luật sư nào cũng đều phải có địa chỉ rõ ràng và luật sư hoạt động tại trụ sở nếu không là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, người dân có thể tìm luật sư thông qua mạng internet nhưng khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến việc ký hợp đồng, chuyển tiền phải thực hiện trực tiếp. "Không có luật sư nào cung cấp dịch vụ bằng các hình thức nhắn tin, gọi điện, chuyển khoản qua tài khoản cá nhân... do đó người dân cần tỉnh táo để tránh mất tiền lần thứ 2" - luật sư Tuấn Anh khẳng định.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm việc các đối tượng lừa đảo giả danh luật sư quảng cáo trên trang Facebook thì hiện nay các cơ quan Nhà nước phải phối hợp với Facebook để ngăn chặn các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, đồng thời khi người dùng mạng xã hội khi phát hiện các hành vi này cũng nên "báo cáo" với Facebook để hạn chế những quảng cáo này. Cùng với đó, cơ quan an ninh mạng phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc điều tra xử lý các trang mạng có hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.