Lúng túng chống đuối nước trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Còn không đầy 2 tháng nữa, học sinh các cấp trên toàn quốc sẽ bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 3 tháng. Với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè, trẻ khao khát được đi bơi, nghịch nước, nguy cơ đuối nước tăng cao. Vấn đề ở chỗ, tỉ lệ trường học có bể bơi và số trẻ biết bơi hiện nay quá thấp.

Hà Nội: Quá ít bể bơi trong trường học

Ở khối trường công lập hiện có rất ít trường được đầu tư xây dựng hạng mục bể bơi nên loay hoay trong việc dạy bơi cho học sinh nhưng ở khối trường tư thục cũng không dễ. Ở Hà Nội, nhiều trường tư không đưa môn bơi vào dạy học vì lí do trường không có diện tích xây bể bơi.

Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) từng xây dựng bể bơi nhưng sau đó đã phải san lấp vì 1 bể bơi không đủ sức đáp ứng nhu cầu học của hàng nghìn học sinh trong khi chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng rất lớn.

Bà Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng trường này cho biết, ngay sau đó, trường có cách làm là ký kết với các đơn vị có bể bơi lớn, có huấn luyện viên chuyên nghiệp để tổ chức dạy bơi đảm bảo mục tiêu 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học phải biết bơi 50 mét.

Mấy năm về trước, quận Thanh Xuân thí điểm dạy bơi trong các trường học, đặt mục tiêu 100% học sinh tiểu học biết bơi. Khi triển khai vào thực tế, các trường đặt bể bơi thông minh để dạy học sinh học bơi. Thế nhưng, sau một thời gian triển khai chương trình không hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra.

Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) nói rằng, dạy bơi cho học sinh là giải pháp hạn chế học sinh tử vong do đuối nước. Chuẩn bị cho hè năm 2024, đơn vị đã có kế hoạch tổ chức dạy bơi trong các trường tiểu học, THCS cho học sinh, trong đó, trường có bể bơi phải dựng kế hoạch tổ chức dạy bơi cho học sinh của trường mình, học sinh các trường khác, đảm bảo an toàn cho các em.

Tây Nguyên: Báo động đuối nước trẻ em

Thời điểm này, toàn tỉnh Gia Lai đều nắng nóng, khô khốc. Để giải nhiệt, tìm niềm vui các em nhỏ rủ nhau đến các sông, suối để tắm. Thiếu kỹ năng nên khi xảy ra sự việc, các em đều luống cuống, không thể bình tĩnh tìm được cách xử lý hiệu quả.

Hơn một tuần trôi qua, nhưng sự đau thương vẫn bao trùm làng Bot Grek (xã Hnol, huyện Đak Đoa, Gia Lai) bởi sẽ không ai còn được nghe tiếng cười đùa của 3 bé gái ngây thơ, trong sáng nữa. Cả ba bé gái Tr 12 tuổi, C 9 tuổi và T mới 8 đều cùng họ hàng với nhau. Bao ngày chăm sóc, nuôi nấng, bà Tơt (mẹ của Tr) chưa tin con gái mất. Buồn bã, không ngủ được khiến đôi mắt bà thâm đen lại.

Chiều 29/3, một nhóm trẻ tại làng D (xã Gào, thành phố Pleiku) rủ nhau ra hồ tắm. Trong lúc vui đùa không may em R.C.V (11 tuổi) và R.C.Đ (12 tuổi) bị sẩy chân, đuối nước. Một số em nhỏ đi cùng hoảng hốt, chỉ biết la lớn gọi người đến cứu, người dân từ xa chạy tới nhưng không kịp.

Lúng túng chống đuối nước trong trường học ảnh 1

Vị trí 3 bé gái tử vong ở dòng sông Ayun

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 55 vụ đuối nước, khiến 69 trẻ tử vong (tăng 15% so với năm trước). Trong số này có đến 45 trường hợp là trẻ em người dân tộc thiểu số. Từ đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 9 vụ đuối nước khiến 13 trẻ em tử vong, trong đó có 11 trường hợp trẻ dân tộc thiểu số.

Tại Đắk Nông, thống kê của sở LĐTB&XH tỉnh này cho thấy, từ năm 2020 đến tháng 3/2024 đã có 108 trẻ em tử vong do đuối nước (năm 2020 có 18 em, năm 2023 có tới 34 em, từ đầu năm 2024 đến nay 14 trẻ).

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 6 trẻ em bị chết đuối. Hiện địa phương này có 41 bể bơi trong trường học do ngành giáo dục quản lý. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên dạy bơi và kinh phí vận hành nên trẻ em chưa được tiếp cận nhiều. Không chỉ vậy, trên địa bàn tỉnh còn thiếu các bể bơi tại cấp huyện, thành phố.

Ông Phạm Trần Anh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai cho rằng, cần điều tra, khảo sát thực trạng trẻ em biết bơi, chưa biết bơi để tăng cường công tác dạy bơi và các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em; đồng thời, tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng - chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại cộng đồng cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, đội ngũ cộng tác viên...

Theo ông Anh, cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho công tác phòng - chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em như trang bị mũ bảo hiểm, áo phao, đầu tư bể bơi để phục vụ dạy bơi tại các xã, trường học ở những nơi có nguy cơ đuối nước cao.

Theo Bộ GD&ĐT, thống kê từ các tỉnh/ thành phố đến hết năm 2022 cho thấy, toàn quốc chỉ có gần 34% học sinh biết bơi. Trong đó, riêng học sinh tiểu học biết bơi chiếm 26,6%.

Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng Đề án Tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước học sinh giai đoạn 2025-2030 để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, giáo viên từ T.Ư đến các địa phương.

Anh Nguyễn Chí Hiếu - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh Đoàn Gia Lai) chia sẻ, để phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng, kiến thức về phòng - chống đuối nước trong các tổ chức Đoàn, Hội.

Trong kỳ nghỉ hè sắp tới, Tỉnh Đoàn sẽ chỉ đạo tổ chức Đoàn trong trường học phối hợp với địa bàn dân cư tiếp nhận trẻ em về sinh hoạt hè, tạo sân chơi lành mạnh; tiếp tục phối hợp với các sở liên quan triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tập trung huấn luyện kỹ năng bơi cho trẻ em.

Theo ông Phan Văn Quốc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông, giải pháp cấp thiết nhất hiện nay là trang bị kỹ năng cho trẻ thông qua hình thức dạy bơi miễn phí. Để trong tình huống gặp nguy hiểm, các em còn biết cách nổi lên mặt nước…, song, Đắk Nông còn nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính bố trí cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em còn quá thấp so với yêu cầu. Việc dạy bơi cho trẻ em còn rất hạn chế, đặc biệt là trẻ tại vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Để kéo giảm số trẻ em bị đuối nước trên địa bàn, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND Đắk Nông đề nghị Cục Trẻ em quan tâm, xem xét, hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.