Luôn giật mình

Luôn giật mình
TP - Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi nhiều tòa báo ở Việt Nam giao nhiệm vụ cho ban quốc tế: Ngoài theo dõi tình hình thời sự thế giới, còn đặc biệt lưu ý những tin tức y tế, đời sống của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng tới Việt Nam.

> Phòng dịch, khám chữa bệnh còn yếu

Thực tế cho thấy những tin tức dạng này rất quý đối với độc giả trong nước. Không ít lần, từ những tin tức quốc tế, công chúng Việt Nam đã chứng kiến những đợt kiểm tra, thu hồi sản phẩm hỏng, lỗi, có thể gây hại tới tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng trong nước.

Đó có thể là cảnh báo về quần áo, đồ chơi, thức ăn, đồ uống nhập khẩu nhiễm chất độc hại. Đó cũng có thể là một đợt thu hồi sản phẩm, kể cả những thứ đáng giá cả gia tài như xe hơi.

Nhưng một lý do nữa khiến những tin tức quốc tế về y tế, sức khỏe, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở nước ngoài được các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam lưu tâm: Những phát hiện hàng hóa nhiễm chất độc hại, mất an toàn, nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng thường đến từ báo chí nước ngoài, để rồi sau đó các cơ quan chức năng trong nước mới vội vàng thực hiện những việc lẽ ra đã phải làm từ trước đó rất lâu.

Ví dụ về những vụ việc như vậy rất nhiều: Từ quần áo, đồ chơi nhập khẩu nhiễm chì, sữa nhiễm melamine, xe ô tô rồ ga không rõ nguyên nhân, trái cây đẫm chất bảo quản có hại cho sức khỏe... Và mới đây nhất, nước súc miệng Oral-B của hãng Procter&Gamble (P&G), một thương hiệu nổi tiếng, lại khiến người tiêu dùng Việt Nam được một phen thảng thốt và lại giật mình khi thông tin sản phẩm này được thông báo ở nước ngoài là nhiễm vi sinh vật gây hại.

Như một phản ứng tự bảo vệ, trong khi đại diện hãng P&G chưa lên tiếng, trong khi cơ quan y tế Việt Nam chưa có phát ngôn hay khuyến cáo gì (như thường lệ) thì một số người tiêu dùng đã tạm dừng sử dụng sản phẩm này. Nhưng có phải ai cũng có thời gian và đầy đủ ý thức về chuyện tự bảo vệ bản thân và gia đình để có thể biết khi nào cần ngưng sử dụng một sản phẩm nào đó?

Vừa rồi, có lẽ một trong những động thái và phát ngôn quyết liệt đến gây sốc từ các quan chức thuộc về Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, khi ông tuyên bố “tạm ngưng hoạt động của Cục Chăn nuôi” để các cán bộ trong Cục này đi tìm hiểu vì sao “thịt lợn tăng giá nhanh hơn cả vàng”. Có lẽ công chúng cần những phát ngôn mạnh mẽ vì dân như thế. Nhưng nguyên nhân thịt lợn tăng giá có lẽ đã được đề cập cả tháng nay, với cả trăm bài báo.

Công chúng cần cơ quan chức năng sớm nắm bắt tình hình và có biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý trước khi quá trễ, chứ không phải lại tiếp tục nghe “tạm đóng cửa” cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm hay ngành kiểm nghiệm, kiểm định trong khi ngày ngày các cơ quan ấy vẫn là đầu mối chăm lo cho sự an toàn của cái ăn, thức uống hay những thứ liên quan đến sự an toàn, sức khỏe của người dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG