Lương duyên Việt - Nhật

TP - Khi chiếc chuyên cơ rời sân bay chừng hơn một giờ đồng hồ, cũng là lúc hầu hết cánh báo chí chúng tôi vừa thiu thiu chợp mắt sau mấy ngày làm việc đến kín lịch, tôi choàng tỉnh khi nhận được cái vỗ vai nhè nhẹ cùng một giọng nói vừa đủ nghe: “Chủ tịch nước mời mấy anh lên phía trên ngồi cho vui”. Cởi mở, chân tình những câu chuyện đời sống thật giản dị mà sâu sắc của Chủ tịch nước cho chúng tôi được chiêm nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc quanh một chuyến đi.

Gieo duyên lành trên xứ sở Mặt trời mọc

Nghe Chủ tịch nước nói về mối lương duyên - Nhật - Việt, khi ông bảo “Chắc chỉ dùng từ đó mới đúng nhất; Còn sao lại là lương duyên, bởi đơn giản, đó là duyên lành, là tình nghĩa truyền thống tốt đẹp lâu đời, thật đáng tin cậy, phải duyên lắm mới có”. Tôi không chỉ ghi-chép lại đầy đủ, mà còn suy nghĩ rất lung. Và, với tôi, khi viết lại những điều này, tôi đã phải tra tới hai cuốn từ điển để hiểu thật đúng nghĩa hai chữ LƯƠNG DUYÊN được dùng trong sự việc câu chuyện này…

Xin được nói đôi chuyện về mối lương duyên ấy. Năm 1973, dẫu đang là một đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng Nhật Bản là quốc gia G7 đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Rồi, năm 1995, Nhật Bản cũng là quốc gia G7 đầu tiên mời Tổng Bí thư Đảng ta - Đồng chí Đỗ Mười sang thăm. Đặc biệt, năm 2011, Nhật Bản cũng là quốc gia G7 đầu tiên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Tôi thực sự ấn tượng với khá nhiều bức ảnh được trưng bày nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Hội trường Fuji, hay nhà khách Hoàng gia Minh Trị Meiji Kinenkan… trong đó có bức ảnh Đại biện lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp Võ Văn Sung, ký và trao công hàm giữa hai quốc gia về thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973 tại Paris, Pháp… Đặc biệt, trong sự kiện trọng đại đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước, thông điệp xuyên suốt buổi lễ chính là âm nhạc với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng NHK cùng sự có mặt của các nghệ sĩ lừng danh Việt Nam và Nhật Bản: Nghệ sĩ nhân dân Piano Đặng Thái Sơn, Nhạc trưởng Honna Tetsuji…

Ngẫm tiếp về chữ DUYÊN, tôi lại nhớ hơn câu chuyện về buổi tiếp của Chủ tịch nước với các thế hệ nhân sĩ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật. Sau khi nghe các em thiếu nhi Việt Nam – một thế hệ học sinh sinh ra trên đất Nhật, nói tiếng Việt chưa thạo, nhưng hát bài hát Việt vô cùng truyền cảm, mọi người đều cảm nhận như có gì đó thôi thúc sự gắn kết giữa hai dân tộc khó diễn tả bằng lời.

Mở đầu phần chia sẻ của các nhân sĩ, ông Trần Ngọc Phúc – người được mệnh danh là “vua” máy thở, Chủ tịch Metran Group, với giọng nói chậm rãi kể về vinh dự được đón Nhật hoàng và lời cảm ơn từ Nhật hoàng về những chiếc máy thở của ông đã cứu sống nhiều trẻ em Nhật. Không chỉ với riêng ông mà bất kỳ người ngoại quốc nào sống trên đất nước Nhật, đó chính là niềm vinh hạnh thật lớn lao.

Nghe hết chuyện của ông Phúc, tôi chú ý đến một người đàn ông có tuổi, dáng người nhỏ, mái tóc hoa râm trùm sát vai, đó chính là Giáo sư Trần Văn Thọ, người mà tôi được nghe tên và cũng đọc ở đâu đó về ông. Bằng chất giọng nhỏ nhẹ, ông kể lại thời điểm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, rồi biến cố Đông Âu khiến ông nhận ra rằng trái tim mình đã mang nhịp đập của tình yêu đất nước từ lúc nào, nên trái tim ấy nhắc ông phải góp sức để Việt Nam đi theo một con đường phát triển kinh tế khác trước. Ông đã tự hỏi: Mình sẽ đi bằng cách nào để thực hiện ước mơ giúp đất nước thay đổi? Rồi, với uy tín của một giáo sư Đại học Obirin và Đại học Waseda, ông kết nối và mời nhiều đoàn học giả sang Việt Nam trao đổi về kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường. Đứng ra thành lập “Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương - VAPEC” vào năm 1993. Và, sau này tham gia tổ tư vấn kinh tế, công tác trong ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải,…

Một thế hệ những người như Giáo sư Trần Văn Thọ, kỹ sư Trần Ngọc Phúc, hay doanh nhân Đinh Văn Phước, nguyên TGĐ Tsubaki Yamkyu Chain, có lẽ chính là những lớp keo đầu tiên kết dính quan hệ Việt - Nhật ngay từ khi hai nước chưa đặt quan hệ ngoại giao. Bởi với họ, Việt Nam là quê hương, nhưng Nhật Bản lại là nhà…

Một nhân vật thế hệ 7X không thể không nhớ, bởi khi đứng lên phát biểu chị nhẹ nhàng cúi chào và bày tỏ sự kính trọng với thế hệ cha chú đi trước - đó là PGS Lê Thanh Thuý, Đại học Osaka, trường đại học lớn thứ ba tại Nhật Bản. Chị kể rằng, năm 2001, sau tốt nghiệp thủ khoa đại học Y Hà Nội, chị nhận học bổng sang Nhật du học. Là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về gan, hai mươi năm qua “Chiếc cầu nối Lê Thanh Thuý” đã đón sáu chục sinh viên Việt Nam tham gia các khoá học miễn phí tại Nhật Bản, đồng thời cũng mời được 16 Giáo sư từ Nhật Bản, kể cả vị Chủ tịch trường (chuyên gia số 1 thế giới về gan) qua Việt Nam giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội…

Tôi bị ấn tượng với cách phát biểu của một nhà khoa học trẻ, thế hệ 9X - Ths Trịnh Thành Luân: “Chúng tôi cảm nhận được rằng, phong trào Đông Du đang diễn ra”. Là thủ khoa đầu ra của Đại học Yokohama ngành trí tuệ nhân tạo, dù vừa theo học Thạc sĩ nhưng Luân đã được ký hợp đồng nghiên cứu tại hai công ty lớn của Nhật Bản là Misubishi và Nissan. Để minh hoạ cho câu nói của mình, Luân cho biết, với vai trò Phó Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời kiêm Chủ tịch Hội Thanh niên - sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, thời gian qua anh đã tổ chức kết nối tới 2.800 trí thức trẻ Việt Nam đang học tập nghiên cứu tại đất nước mặt trời mọc.

Chuyện về hai bữa ăn đặc biệt

…7 giờ sáng hôm ấy, mấy anh em báo chí đã hội đủ dưới sảnh khách sạn New Otani để sang Nhà khách Hoàng gia, nhập với đoàn xe của Chủ tịch nước. Xe chạy qua nhiều con phố dễ cũng mất quãng đường ngót cỡ chục cây số thì dừng lại trước ngôi nhà được gắn tấm biển “Bánh mì Xin Chào” với lô gô nhà hàng là những chiếc bánh mì xếp thành cánh hoa khá độc đáo. Dù là thành phần chính thức của đoàn trong bữa tiệc, nhưng đúng là phải nhờ… sự can thiệp từ phía ta với các nhân viên an ninh nước bạn, chúng tôi mới được ngồi vào đúng vị trí theo sắp xếp.

Đoàn khách Nhật Bản ngồi nghiêm ngắn một bên, có bà: Koike Yuriko, Thống đốc Tokyo với chiếc áo tím nổi bật; kế bên trái bà là Chủ tịch Nitori- ông Niroti Akio, rồi Chủ tịch Aeon- ông Okada Motoya và một số doanh nhân tiêu biểu. Phía đối diện đoàn khách Nhật Bản có Chủ tịch nước, phu nhân và đoàn tháp tùng hướng ra phía cửa sổ. Căn phòng khá hẹp nên trong chộn rộn tiếng Nhật, tiếng Việt quyện lấy nhau, lại tạo nên một không khí ấm áp, thân tình. Doanh nhân Bùi Thành Duy (1986), quê Quảng Nam và em trai Bùi Thành Tâm (1991) - chủ nhân của chuỗi 15 nhà hàng “Bánh mì Xin Chào” tại Nhật Bản, được coi là mô hình khởi nghiệp thành công trên đất nước Mặt Trời mọc.

Lương duyên Việt - Nhật ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt đại diện các thế hệ người Việt Nam có nhiều đóng góp. Ảnh: Thống Nhất, TTXVN

Sau phần giới thiệu của Duy về chuỗi nhà hàng là phần giới thiệu về các món ăn mà Chủ tịch nước thết đãi khách quý gồm bánh mì và mì Quảng. Trên tấm thực đơn nhà hàng ghi khá rõ, với Bánh mì có: Bánh mì thịt heo nướng, bánh mì chả, bánh mì ốp la… Với đồ ăn có nước, đủ từ mì Quảng gà, mì Quảng bò sốt vang đến bún bò sốt vang. Dẫu thế, đến phần này, vì hầu hết mọi người đều ngỡ ngàng, nên đích thân Chủ tịch nước nhẹ nhàng giới thiệu: “Mì Quảng là món ăn đặc trưng của miền Trung Việt Nam. Riêng từ Quảng, cũng bao hàm rất nhiều địa danh của Việt Nam như: Quảng Nam, Quảng Ngãi… mà đến nơi nào thì mì Quảng lại được chế biến mang đặc trưng vùng quê đó”. Bởi, như ông giãi bày rằng, ông hiểu rõ chuyện này hơn khi chính ông đã từng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Bằng chất giọng truyền cảm, cách giới thiệu tinh tế của một người hiểu sâu sắc đường ăn, nết ở của người xứ Quảng, ông đã đưa các vị khách đi từ cảm giác xa lạ, tò mò, từ tai nghe đến mắt muốn nhìn, miệng muốn thử, để được yêu thích, trải nghiệm và thụ hưởng. Những tiếng thì thào, những cái gật đầu sau mỗi đoạn dịch của người thông ngôn, đã toát lên vẻ mãn nguyện của thực khách.

Lặng lẽ quan sát, lặng lẽ ghi chép, tôi biết chỉ với chưa đến hai mươi con người trong khán phòng nhỏ ấy – những người đại diện cho các thế hệ những nhà khoa học và doanh nhân Việt Nam trên đất nước Mặt Trời mọc, từ thế hệ 4X,5X đến 7X, 8X rồi 9X, lớp nọ kế tiếp lớp kia đã và đang thực sự làm rạng danh nước Việt.

Trong câu chuyện khá cởi mở giữa chủ và khách, tôi để ý thấy nữ Thống đốc Tokyo - bà Koike Yuriko rất chăm chú lắng nghe những điều Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi. Không chỉ ngưỡng mộ về cách diễn giải từng vấn đề của Chủ tịch, bà còn coi đây là cơ hội để biết thêm nhiều điều mới lạ. Để rồi, bà cũng vui vẻ nói về những kinh nghiệm quản lý và phát triển đô thị mà bà đã trải qua. Từng được ví là “người đàn bà thép” của nước Nhật, bà đã kinh qua vị trí Bộ trưởng Bộ Môi trường rồi Bộ trưởng Quốc phòng. Với vai trò Thống đốc Tokyo, đây là nhiệm kỳ 2 của bà. Trong một chính trường không mấy thuận lợi cho nữ giới, việc giành số phiếu bầu trên 60% và bỏ xa nhiều ứng viên khác để ngồi vào chiếc ghế Thống đốc đã phần nào nói lên “chất thép” của người phụ nữ này. Nói về kinh nghiệm phát triển Tokyo, bà chia sẻ: Hơn một trăm năm trước, Tokyo từng bị động đất. Trận động đất đã lấy đi sinh mạng của hơn 100 ngàn dân và có đến 90% trong số đó tử nạn do hoả hoạn. Bà nói: “Trước kia chúng tôi cũng có những khu phố cổ giống như 36 phố phường Hà Nội, bề ngang các con phố hẹp, các xe cứu hoả lớn không vào được. Thành phố đã phải sửa sang lại các con phố để xe cứu hoả có thể tiếp cận được tất cả các vị trí của Tokyo”. Và, giờ đây, theo bà các nỗ lực của Tokyo là làm sao xây dựng thành phố yên tâm trong hàng trăm năm tới. Chia tay sau bữa ăn, bà mong được gặp lại mọi người tại Hà Nội, để sẽ được đi may một chiếc áo dài Việt Nam.

Lương duyên Việt - Nhật ảnh 2

Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản trò chuyện cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Văn hoá ẩm thực đúng là chiếc cầu nối gắn kết mối lương duyên Việt Nam- Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại, để những nét đẹp ấy không chỉ mãi là lịch sử mà còn chứa đựng cả những thông điệp của tương lai. Bởi, với những người luôn biết trân trọng quá khứ, nâng niu tình bạn, sống có trước có sau. Câu chuyện về bữa sáng thân mật giữa Chủ tịch nước với những gia đình homestay chắc chắn sẽ đem lại không chỉ cho họ niềm hạnh phúc vô bờ, mà còn như một thông điệp về con người Việt Nam sống trọn nghĩa vẹn tình, son sắt thuỷ chung…

Bữa sáng thân mật ấy được tổ chức tại Nhà hàng Kacho- no- ma, Nhà khách Hoàng gia Akasaka. Phòng ăn được bài trí khá đơn giản nhưng ấm cúng. Ngó qua thực đơn có thể thấy nhiều món Việt Nam như: củ sen ướp chua ngọt, nụ hoa cải hầm lạnh kèm sốt đậu trắng… và đặc biệt là món phở gà truyền thống.

Chúng tôi đến khá sớm, nhưng đã thấy các vị khách phía bạn gồm lãnh đạo một số tổ chức hợp tác của Nhật, hai gia đình homestay: Ông Sato Shigemitsu và bà Sato Ikuko (gia đình homestay tỉnh Akita), ông Nagai Atsuo và bà Nagai Yuko (gia đình homestay tỉnh Myazaki) đã có mặt đầy đủ. Nhìn gương mặt các vị khách, tôi nhận ra vẻ hân hoan của người sắp đón đại hỉ, nhưng cũng thoáng thấy ở họ chút hồi hộp, thậm chí hơi có phần căng thẳng...

Văn hoá ẩm thực đúng là chiếc cầu nối gắn kết mối lương duyên Việt Nam- Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại, để những nét đẹp ấy không chỉ mãi là lịch sử mà còn chứa đựng cả những thông điệp của tương lai.

Đúng như lịch hẹn, 8 giờ, Chủ tịch nước và phu nhân cùng có mặt tại phòng ăn. Từ xa bước đến, nụ cười và ánh mắt thân tình của Chủ tịch nước như xoá tan những nét lo âu của các vị khách. Sau cái bắt tay thân mật với ông Nagai Atsuo và bà Nagai Yuko, Chủ tịch nước nhẹ nhàng cất lời hỏi thăm: “Con gái ông bà chắc cũng lớn lắm rồi nhỉ?!”, rồi tiếp: “Tôi vẫn nhớ đã chơi cầu lông và hát cùng bọn trẻ mà”. Bà Yuko vô cùng bất ngờ, đáp lại: “Con gái tôi đã kết hôn, và tôi có một cháu ngoại rồi''… Bà khẽ mỉm cười và nhớ lại ngày Chủ tịch từng đến Nhật Bản vào tháng 8/1997, lúc đó ông đại diện cho thanh niên Việt Nam trong nhóm “Giáo dục” tham gia “Chương trình Hữu nghị thế kỷ 21” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức. Chủ tịch nước lại hỏi: “Ngôi nhà đó còn giống hồi trước không?”, “Hai bác còn nhận homestay nữa không”? Bởi, hồi đó, Chủ tịch nước đã lưu trú tại thành phố Miyazaki từ ngày 2-10/9/1997 và ở tại gia đình homestay ông bà Nagai từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7…

Lương duyên Việt - Nhật ảnh 3

Ông Sato Shigemitsu và bà Sato Ikuko, tỉnh Akita ôn lại những kỷ niệm khi Chủ tịch nước đến ở Homestay tại gia đình ông bà. Ảnh: Phùng Sưởng

Hôm sau, một người bạn cho tôi xem bài báo nói về bữa sáng thân mật mà Chủ tịch nước mời ông bà Nagai. Ông bà Nagai đã chia sẻ trên tờ báo Miyazaki Nichinichi Shimbun (Nhật Bản) ra ngày 30/11/2023 rằng: “Ngày ấy, tôi và gia đình đã dẫn Thưởng đi tham quan thác Sekinoo ở thành phố Miyakonojo, đi siêu thị mua nguyên liệu làm nem và phở. Đầu tháng 11 này, tôi nhận được lời mời của JICA đến dự buổi gặp gỡ và ăn sáng, khi nhắc đến Chủ tịch Võ Văn Thưởng, tôi đã nhớ đến một chàng thanh niên nghiêm túc và giản dị, tôi rất bất ngờ vì không nghĩ là người thanh niên ấy đã trở thành Chủ tịch nước”…

Câu chuyện của hôm qua, của những ngày yêu dấu chưa xa, như cuốn nhật ký tuổi xanh mở ra các trang ký ức một thời, xóa nhòa mọi ranh giới về ngôn ngữ, đưa tình người gắn kết nhau hơn.

Trong bữa sáng hôm đó, tôi còn chú ý đến một gia đình homestay, nơi Chủ tịch nước đã từng đến ở - Ông Sato Shigemitsu và bà Sato Ikuko (tỉnh Akita). Trong cuộc gặp thân tình và ấm cúng ấy, Chủ tịch nước đã nhắc lại kỷ niệm: “Tôi đã được ông dạy trượt tuyết như một người nông dân Nhật Bản thực thụ”. Và, ông Sato thật thà thừa nhận mình là thầy giáo dạy trượt tuyết, khiến mọi người cùng bật cười…

Khi mọi người đã yên vị để cùng thưởng thức các món ăn đậm hương vị Nhật Bản - Việt Nam, câu chuyện của hôm qua, của những ngày yêu dấu chưa xa, như cuốn nhật ký tuổi xanh mở ra các trang ký ức một thời, xóa nhòa mọi ranh giới về ngôn ngữ, đưa tình người gắn kết nhau hơn. Cao trào câu chuyện chính là lúc ông bà Nagai mở chiếc hộp, rồi trân trọng lấy ra một bức ảnh chụp Chủ tịch nước năm 1997. Mọi người xúm lại ngắm bức ảnh với những lời chú giải rất tỉ mỉ, nên ai nấy đều cảm động và trân trọng về sự chỉn chu của ông bà. Cũng chính ông Nagai khi trả lời báo chí Nhật Bản sau đó, đã chia sẻ rằng: “Tôi rất vui khi gặp lại Chủ tịch. Bắt tay lúc mới gặp lại, tôi có chút e ngại, không biết Chủ tịch có còn nhớ chúng tôi không. Nhưng, Chủ tịch lại nhớ rõ cả những chuyện rất nhỏ…”.

Hình như chính những bữa ăn, những câu chuyện tưởng như rất nhỏ của ngày hôm qua ấy, đã như những lớp phù sa miệt mài bồi đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, kết dính bền chặt mối lương duyên Việt- Nhật nghĩa tình.

Tin liên quan