Lưu Quang Vũ nói sai rồi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước khi mất, Lưu Quang Vũ hoài nghi: “Như tia nắng, chúng mình không còn mãi / Những câu thơ chắc gì ai đọc lại”. Một khán giả trẻ sau khi xem chương trình “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” vừa diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội đã bình luận: “Lưu Quang Vũ nói sai rồi”. 35 năm sau ngày mất, thơ ông vẫn được đọc ở những sân khấu, được phổ nhạc… Những vở kịch của ông vẫn hút khán giả hôm nay.

Thơ anh và thơ em, cùng mùa thu ở lại

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh mất vào mùa thu (29/8/1988) đến nay tròn 35 năm. Sinh thời, Xuân Quỳnh yêu nhất là mùa thu. Bà để lại những câu thơ nổi tiếng: “Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ”. Đây cũng là “mùa” của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh trong trí nhớ những người ở lại…

Lưu Quang Vũ nói sai rồi ảnh 1

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sau 40 năm vẫn được diễn đi diễn lại.

Khi thơ của hai người được đưa lên sân khấu, mức độ phổ cập của những tác phẩm này lần nữa được kích hoạt, đặc biệt với một số bài mang tính chính luận không dễ nhớ của Lưu Quang Vũ. Khoảnh khắc nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đọc lại “Nói với mình và các bạn”, đến đoạn “nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ, chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi” khán giả đồng loạt vỗ tay hưởng ứng, trở thành một tiêu điểm được nhắc đi nhắc lại trong buổi diễn “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”.

Tôi nhớ, vào năm 2019, đúng dịp sinh nhật Lưu Quang Vũ (17/4/1948), đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức rất thành công một đêm thơ có tên gọi “Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất”. Toàn bộ sân vườn một quán cà phê trong ngõ phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) kín khán giả, đa phần là người trẻ. Sau đó không lâu, xuất hiện những hội, nhóm yêu thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Rất nhiều trích dẫn thơ của hai người, kiểu như: “Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi” hay “ Nếu cuộc đời chỉ toàn chuyện xấu xa/ Thì sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước lại trong veo đến thế”... nhanh chóng nhận được lượt “like” (thích) và “comment” (bình luận) kỷ lục, không thua kém những trích dẫn của Trịnh Công Sơn. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư thì hứng thú phổ thơ Lưu Quang Vũ. Nhiều bài hát lần đầu công bố đã bắt đầu được các ca sĩ tiếp cận và lan tỏa. Có thể kể đến: “Tiếng Việt” của Lê Tâm, “Quán cà phê ngoại ô” của Nguyễn Bình Đức, “Em vẫn mơ về” của Giáng Son. Rồi mới đây là: “Phố ta”, “Nhà chật” (Lê Tâm), “Mắt một mí”, “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (Nguyễn Vĩnh Tiến)...

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Đối với những người tầm tuổi tôi, họ tiếp cận với thơ Lưu Quang Vũ nhiều hơn là kịch Lưu Quang Vũ. Giới 8X nhiều người coi thơ Lưu Quang Vũ gần như thơ của thủ lĩnh tinh thần, có tiếng nói, sự thay đổi, cách mạng, dám sống, dám tin, dám yêu. Ngoài ra còn có sự đồng điệu, có lấp lánh huyền thoại tình yêu với chị Quỳnh. Rất khó nhắc đến thơ Lưu Quang Vũ mà thiếu Xuân Quỳnh. Tình yêu của họ là một huyền thoại sống cho đến hôm nay”.

Nói thêm về tình yêu đặc biệt này, nghệ sĩ Minh Vượng kể: “Khi tôi còn làm ở nhà hát Kịch, trong những buổi tập chị Quỳnh đều xuất hiện bên anh Vũ, từ đầu đến cuối, và chị nhẫn nại ghi chép những phản hồi của đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ... không sót thứ gì. Tôi bảo em tưởng anh Vũ nghe là đủ rồi, thì chị cười, chị ghi lại, về anh chị sẽ tổng hợp lại và sửa. Anh Vũ hồi ấy nghèo lắm, đi xe chả ra Liên Xô chả ra Đức, tuột xích suốt. Anh rủ tôi ra hồ Hale uống nước chè, tâm sự: Anh biết ơn Quỳnh, nhờ Quỳnh anh tự tin hơn, bởi anh chỉ là nhà thơ, đến nhà hát Quỳnh theo anh từng bước chân, động viên anh từng tý. Anh có hôm nay một phần nhờ Quỳnh”.

Nguyên cớ “anh có hôm nay một phần nhờ Quỳnh” cũng được chính Lưu Quang Vũ đưa vào thơ, thi phẩm “Và anh tồn tại” viết riêng cho Xuân Quỳnh: “Anh lạc bước, em đưa anh trở lại/Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi/ Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh”...

Những vở kịch chưa cũ bao giờ

Cũng trong đêm diễn “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Tiến (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) chia sẻ: Ngày 19/8, Nhà hát Tuổi trẻ diễn lại “Ông không phải là bố tôi”, dự lại cháy vé. Đây là vở kịch được viết năm 1988, một trong những tác phẩm cuối cùng của Lưu Quang Vũ. Nghệ sĩ Chí Trung nhớ lại: “Gần bốn mươi năm rồi, mà mỗi lần Nhà hát dựng vở mới của Lưu Quang Vũ là lại giống như một ngày hội của diễn viên trẻ. Có người cát xê rất cao nhưng vẫn sẵn sàng bỏ cả phim để về xin vai”.

Trong chương trình “Quán thanh xuân” số đặc biệt về Lưu Quang Vũ, họa sĩ, NSND Doãn Châu, người từng được coi là cặp bài trùng với Lưu Quang Vũ kể: “Những năm 90, kịch Vũ gần như thống trị sân khấu cả trong Nam ngoài Bắc. Nhiều người mê anh đến không tưởng tượng nổi. Một lần, tôi đi công tác Sài Gòn về, ngồi trên sân bay cầm mẩu giấy báo gói bánh mỳ thấy câu chuyện hay mới vuốt phẳng cầm về bảo Vũ, viết đi! Sau đó, chúng tôi mời thêm đạo diễn Ngọc Phương cùng làm ra “Đôi dòng sữa mẹ”, ký là Nguyễn Đỗ Lưu (Nguyễn Ngọc Phương, Đỗ Doãn Châu, Lưu Quang Vũ). Tác phẩm cực kỳ đắt khách, bảy tám đoàn dựng. Mấy năm sau có ông Nguyễn Đỗ Lưu ở Nghệ An ra nhận đây là tác phẩm của ông ấy. Chúng tôi phải lên Hội Sân khấu đề nghị làm rõ trắng đen”.

Còn NSND Lê Khanh thì khẳng định, thế hệ của chị lớn lên cùng tác phẩm của Lưu Quang Vũ, cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, cả về nhận thức. Cố NSND Trọng Khôi kể một kỷ niệm: “Khi chúng tôi mang “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” diễn ở Mỹ, một quan chức của Mỹ có hỏi tôi về tác giả. Tôi nói người viết vở kịch này chưa đầy 40 tuổi. Ông ấy ngạc nhiên bảo tôi: Tôi không nghĩ là tác giả trẻ như thế, tôi nghĩ ông ta phải là một triết gia”.

Nhưng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng từng chịu số long đong. Theo nhà văn Ngô Thảo: “Lưu Quang Vũ viết “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” năm 1981-1982 nhưng không nơi nào nhận dựng. Phải đến năm 1987, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mới dựng cho Nhà hát kịch Việt Nam. Vậy mà khi công diễn, một số tờ báo chính thống đã có bài phê phán gay gắt. Hội Nghệ sĩ sân khấu đã phải tổ chức cả một cuộc hội thảo để bảo vệ quyền tồn tại của vở diễn. Tuy vậy, cuộc tranh luận vẫn tiếp tục cả khi vở diễn nhận được Huy chương Vàng Hội diễn. Đây cũng là vở kịch duy nhất được công diễn cả ở Liên Xô và Mỹ, nhận được đánh giá tích cực”.

Bà Phạm Thị Ngọc Anh (Giám đốc NXB Sân khấu) cho biết: NXB đã kịp xuất bản cuốn “Sân khấu và nghệ thuật diễn xuất” trong đó tập hợp những bài viết của chính Lưu Quang Vũ đã in trên tạp chí Sân khấu vào những năm 70 của thế kỷ XX, được em gái ông, PGS.TS Lưu Khánh Thơ sưu tầm, biên soạn. Cuốn sách sẽ được ra mắt bạn đọc trong thời gian sắp tới.

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).