Mãi là sao sáng dẫn đường

TP - 15 năm gắn bó với mái nhà Tiền Phong, cũng là ngần ấy năm tôi bén duyên với người lính Quân đội nhân dân Việt Nam. Những lần đến với đội quân “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” ấy, tôi đã trưởng thành hơn và học hỏi được nhiều điều quý báu.

Can trường lính biển

Chủ quyền Tổ quốc thân yêu luôn là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm đối với mỗi con dân Việt. Và điều này được minh chứng một cách sâu sắc qua tinh thần và ý chí của anh Bộ đội Cụ Hồ.

Tháng 4/2023, trong chuyến thăm lại quần đảo Trường Sa sau gần 13 năm trên tàu Hải quân mang tên Trường Sa 571, ngoài sự lớn mạnh, chính quy từ cơ sở vật chất bề thế, khang trang và vũ khí trang bị hiện đại hơn ngày trước, tâm sự những người lính giữ đảo và nhà giàn DK1 thêm một lần khiến tôi vững tin về chủ quyền biển đảo quê hương bởi có những người lính kiên gan bền chí giữa điệp trùng sóng nước.

Mãi là sao sáng dẫn đường ảnh 1

Đội hình của Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Quảng Trị) tuần tra bảo vệ chủ quyền, không để Tổ quốc bị bất ngờ. Ảnh: Nguyễn Minh

Nhập ngũ tháng 2/2022 và đang đóng quân ở đảo Sinh Tồn Đông, Trung sĩ Nguyễn Hữu Thắng (SN 1998, quê ở Quy Nhơn, Bình Định) tâm sự, cánh lính đảo luôn háo hức mỗi khi nghe tin có đoàn từ đất liền ra thăm và xem đây là “liều doping” quý giá để họ dâng hiến sức trẻ cho quê hương. Thắng chia sẻ: “Chúng tôi đến từ nhiều miền quê khác nhau, có người muốn gắn bó lâu dài trong quân ngũ, người thì dự định sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự sẽ trở về nhà cưới vợ, sinh con, song tất cả đều chung suy nghĩ phải bảo vệ bằng được những hòn đảo thân yêu mà chúng ta đang đóng giữ ở Trường Sa”.

Cũng trên chuyến đi này, tôi gặp lại người quen là Thiếu tá Đoàn Văn Duân - Chính trị viên Hải đội 411 thuộc Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân (Hải đội 411 là đơn vị trực tiếp quản lý tàu Trường Sa 571). Đã tham gia đưa đón nhiều đoàn ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, với Thiếu tá Duân, cảm xúc đặc biệt nhất là khi tàu chở các đại biểu chuẩn bị rời cầu cảng đảo Trường Sa luôn để lại trong anh những cảm xúc khó phai mờ. Thời khắc ấy, những bài hát được cất lên từ đáy lòng người giữ đảo và người trở lại đất liền, những lời chia tay nghẹn ngào trong nước mắt cùng những cái ôm rất chặt - cái ôm của đất liền và biển đảo thân yêu…

Mãi là sao sáng dẫn đường ảnh 2

Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái - nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân truyền lửa bảo vệ Tổ quốc cho chiến sĩ Trường Sa, tháng 4/2023.

Thiếu tá Duân kể với tôi rằng, hình ảnh những chiếc khăn tay đẫm nước mắt và những cái vẫy tay chào người ở lại trong mỗi lần đưa đoàn tới Trường Sa chính là động lực để anh cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc mình, cho đồng bào mình và cho những đồng đội đang ngày đêm can trường giữ chủ quyền nơi biên giới, hải đảo.

Dấn thân vì đồng bào

Còn nhớ, quãng thời gian đại dịch COVID-19 xâm nhập và bùng phát tại Việt Nam, nhờ sự ưu ái thân tình của các đơn vị nhà binh, tôi là một trong số ít các nhà báo ngoài Quân đội được tạo điều kiện thâm nhập nhiều điểm nóng phòng chống dịch do bộ đội đảm trách.

Mãi là sao sáng dẫn đường ảnh 3

Lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu tiễn nữ quân nhân thuộc Đội Công binh số 2 đi thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tháng 8/2023

Thường ngày, các đơn vị Quân đội vốn nổi tiếng về sự nghiêm cẩn, chính quy, thế nên, khi thực hiện nhiệm vụ chống “giặc COVID”, điều này cũng chính là một lợi thế rất lớn để góp phần khắc chế đại dịch. Từ cánh lính biên phòng chốt chặn trên các tuyến biên giới phên dậu cho đến những đội hình quân y xung phong vào Nam chi viện dập dịch hay các đoàn xe đặc chủng của bộ đội hóa học miệt mài tiêu tẩy mầm bệnh tại các bệnh viện, khu dân cư cùng những tổ đội tận tâm phục vụ trong các khu cách ly… Hình ảnh người lính Cụ Hồ “vì nhân dân quên mình” đã hiện hữu thân thương, khiến mọi người xúc động và cảm phục cao độ.

Gặp những người lính trong thời điểm ấy, tôi càng hiểu thêm về sự chịu đựng và hy sinh của họ để đất nước và đồng bào được bình yên, trong khi bản thân họ chấp nhận xa tổ ấm gia đình yêu thương. Đã có không ít quân nhân phải chịu tang, vái vọng người thân từ những chốt tiền tiêu trên biên giới và trong các doanh trại bởi lệnh cấm trại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Trong chuyến tác nghiệp trên tuyến biên phòng Quảng Ninh đầu năm 2020, phẩm cách người lính chịu đựng sương gió và luôn lạc quan qua lời tâm sự của Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Văn Bách (nhân viên Đội vũ trang Đồn Biên phòng Bắc Sơn) khiến tôi nhớ mãi.

Mãi là sao sáng dẫn đường ảnh 4

Chiến sĩ phòng hóa khử trùng, tiêu độc COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, tối 28/3/2020. Ảnh: Nguyễn Minh

Thời gian đó, Trung tá Bách đang cùng đồng đội và các học viên tăng cường từ Học viện Biên phòng cắm chốt tại chiếc lán dã chiến trên đỉnh đồi trống trải, thời tiết mưa gió triền miên và lạnh thấu xương, không ít lần lán bị hỏng. Thế nhưng, anh vẫn tự an ủi rằng: “Chúng tôi vẫn sướng chán, nhiều điểm khác trên tuyến biên giới phía Bắc anh em còn không có chòi để ở, trên người độc bộ quân phục và manh áo mưa quân trang. Mùa hè còn đỡ, mùa này thì vô cùng khắc nghiệt. Ở sát bờ sông anh em dựng tạm cái lán như lều vịt, cũng phải thức cả đêm trực. Dù vất vả nhưng lính chúng tôi quen rồi”.

Tô thắm hình ảnh đất nước

Hết lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân, đội quân mang tên Quân đội nhân dân Việt Nam ấy còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đùm bọc, sẻ chia và nghĩa cử quốc tế cao cả.

Đầu tháng 2/2023, khi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu thảm họa động đất gây tổn thất rất lớn về nhân mạng và tài sản, đội hình gần 80 quân nhân Việt Nam thuộc nhiều đơn vị của Bộ Quốc phòng đã tức tốc lên đường tới tâm chấn động đất để giúp đỡ chính quyền và người dân ở đây. Đây cũng được xem là cuộc cứu hộ chưa từng có tiền lệ của nhiều đơn vị Quân đội, trong đó có lực lượng công binh.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, Thiếu tá Lê Đức Tài - Phó Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Tiểu đoàn Công binh 93 thuộc Bộ Tham mưu Binh chủng Công binh, kể lại với tôi nhiều câu chuyện xúc động về tình người không biên giới giữa người lính Việt Nam và người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Anh và đồng đội không thể nào quên hình ảnh người dân và lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt tay lên ngực trái mỗi khi đoàn Việt Nam và lực lượng cứu hộ quốc tế đi qua, bởi họ như muốn nói lời cảm ơn bằng tất cả trái tim của mình.

Thực hiện sách lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, ngay từ năm 2014, Bộ Quốc phòng đã cử những sĩ quan đầu tiên đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ). Đến nay, đã có gần 800 lượt quân nhân Việt Nam cống hiến trong lực lượng mũ nồi xanh tại 3 phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ. Ngoài những điều đáng tự hào về quân phong, quân kỷ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được LHQ và Bộ Quốc phòng tin tưởng giao phó, những người lính mũ nồi xanh Việt Nam còn để lại dấu ấn sâu đậm tại châu Phi xa xôi bởi sự sẻ chia nhân văn đối với người dân bản địa.

Trong quá trình đến với anh Bộ đội Cụ Hồ và viết về họ, tôi được họ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin tốt đẹp về cuộc sống và công việc, như hai câu thơ trong bài thơ “Núi đôi” của nhà thơ Vũ Cao: Anh đi bộ đội, sao trên mũ/Mãi mãi là sao sáng dẫn đường.

Lý giải về điều này, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga - Phó trưởng Phòng hợp tác quốc tế thuộc Cục GGHB Việt Nam (Thượng tá Hằng Nga là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm vai trò sĩ quan tham mưu phụ trách theo dõi các hoạt động quân sự tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan vào năm 2018) cho biết, bộ đội Việt Nam đã coi những người dân ở đây như là người thân của mình và giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống một cách rõ rệt, nên mỗi khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ công tác, từ người già cho đến các em nhỏ đều quyến luyến không rời, có người dân còn bật khóc…

Tin liên quan