Mạo danh, xâm phạm uy tín thương hiệu doanh nghiệp – Ứng xử và cảnh báo nào cho các bên?

0:00 / 0:00
0:00
Giả mạo nhãn hiệu, thông tin doanh nghiệp, sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu công ty, đưa tin không đúng sự thật về doanh nghiệp trên mạng internet… là hành vi khá phổ biến hiện nay. 

Những hành vi này không mới nhưng ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng kết hợp các công cụ mạng xã hội, không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà còn xâm phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và người dùng. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Xuân Lộc – Luật sư thành viên, Giám đốc SHTT, Công ty Luật TNHH T&G .

Xin chào Luật sư Lê Xuân Lộc!

PV:Thưa ông, từ thực tiễn hoạt động, ông đánh giá như thế nào về thực trạng hành vi giả mạo nhãn hiệu, thông tin của doanh nghiệp trên mạng internet hiện nay?

Tình trạng vi phạm này khá phổ biến và diễn ra chủ yếu với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài bởi các đối tượng xâm phạm luôn muốn trục lợi uy tín của các doanh nghiệp nổi tiếng.

Dựa trên những vụ việc đã xử lý, chúng tôi nhận thấy, một số doanh nghiệp chủ quan chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nên khi xảy ra tình huống bị giả mạo hình ảnh, thông tin doanh nghiệp nhưng không biết dựa vào đâu, căn cứ nào để xử lý.

Mặt khác, các đối tượng vi phạm không có thông tin địa chỉ chính xác trên thực tế, có hoạt động kinh doanh không minh bạch nên không thể truy ra địa chỉ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm.

PV:Thực tế cho thấy, các đối tượngkhông chỉ sử dụng hình ảnh, tên thương mại, nhãn hiệu của công ty mà chúng còn mạo danh cả chữ ký, con dấu của công ty A để trục lợi và lừa đảo người dùng trên internet thông qua website, mạng xã hội... Vậy, hành vi xâm phạm này có thể phải đối diện với trách nhiệm pháp lý gì, thưa Luật sư?

Mạo danh, xâm phạm uy tín thương hiệu doanh nghiệp – Ứng xử và cảnh báo nào cho các bên? ảnh 1

Tùy theo mức độ của hành vi thì các trách nhiệm pháp lý bao gồm các chế tài hành chính, các biện pháp dân sự hoặc các trách nhiệm hình sự.

Nếu cấu thành nên tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS, hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS hay tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng.

Đối với trách nhiệm dân sự thì chủ thể quyền SHTT có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chấm dứt vi phạm, đòi bồi thường thiệt hại, xin lỗi cải chính công khai, bồi hoàn phí luật sư.

Đối với biện pháp hành chính thì tùy theo hành vi vi phạm mà có thể phải chịu các chế tài tương ứng. Ví dụ, trong trường hợp xâm phạm quyền SHTT thì sẽ bị xử phạt lên đến 500tr đồng, buộc chấm dứt vi phạm, thu hồi số lợi bất hợp pháp hay tạm đình chỉ kinh doanh đến 3 tháng. Đối với hành vi lập website giả mạo thì có thể bị xử phạt theo nghị định 15/2020.

Ngoài ra, các hành vi như tung tin giả, nói xấu doanh nghiệp, mạo danh thì có thể cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Điều 45 Luật cạnh tranh. Các hành vi này cũng có thể bị xử lý hành chính và khởi kiện dân sự.

PV: Hành vi xâm phạm uy tín, thương hiệu doanh nghiệp bằng cách mạo danh, tung tin thất thiệt... không phải là mới. Tuy nhiên, tại sao thời gian gần đây, hành vi xâm phạm lại ngày càng nhiều và phức tạp như vậy, liệu có khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Theo quan điểm của tôi thì hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thực thi quyền SHTT để xử lý các hành vi này. Cụ thể:

- Bản thân doanh nghiệp chưa có ý thức bảo hộ quyền SHTT trước khi kinh doanh

- Chế tài xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe và dường như chúng ta chưa có được các cơ quan đủ mạnh, đủ kiến thức chuyên môn để xử lý các hành vi trên mạng

- Quá trình xử lý vi phạm cũng mất nhiều thời gian và phức tạp. Trong đó xử lý hành chính sẽ gặp khó khăn nếu không tìm ra được đối tượng vi phạm. Còn với dân sự, việc xác định thiệt hại là vô cùng phức tạp.

PV: Vậy, doanh nghiệp cần ứng xử như thế nào khi đối diện với tình huống bị mạo danh, xâm phạm nhãn hiệu, uy tín doanh nghiệp, theo ông?

Lời khuyên của tôi ngắn gọn là sống chung và chủ động, thông qua các hoạt động sau:

- Theo dõi và giám sát: Doanh nghiệp nên thường xuyên theo dõi hoạt động trên mạng liên quan đến thương hiệu của mình. Điều này bao gồm theo dõi sự xuất hiện của thương hiệu trên các trang web, diễn đàn, mạng xã hội và quan sát ý kiến và đánh giá từ người dùng.

- Phản hồi nhanh chóng: Nếu phát hiện bất kỳ hoạt động xâm phạm thương hiệu, doanh nghiệp nên phản ứng nhanh chóng. Liên hệ với các bên liên quan như nhà cung cấp dịch vụ, nhà đăng ký tên miền hoặc nền tảng mạng xã hội để yêu cầu xử lý sự việc và loại bỏ nội dung xâm phạm.

- Tương tác và đối phó công khai: Doanh nghiệp có thể đối phó với các thông tin xâm phạm trên mạng bằng cách tương tác công khai. Điều này có thể bao gồm việc đăng bài viết, bình luận hoặc phản hồi trực tiếp để giải đáp và làm rõ thông tin, đồng thời xây dựng lại uy tín và đáp ứng đối tác và khách hàng.

- Nâng cao nhận diện thương hiệu: Tăng cường quảng cáo tích cực để đảm bảo rằng thông điệp chính xác và đúng truyền đạt đến khách hàng và công chúng. Tăng cường hoạt động quảng cáo và truyền thông để tạo dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu tích cực và đánh bại thông tin xâm phạm.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ của luật sư: Nếu tình huống xâm phạm trở nên phức tạp hoặc không thể tự giải quyết, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ luật sư cũng như chuyên gia về thương hiệu…vv

Mạo danh, xâm phạm uy tín thương hiệu doanh nghiệp – Ứng xử và cảnh báo nào cho các bên? ảnh 2

PV: Còn đối với người dùng internet cũng như đối với các đối tượng xâm phạm, Ông có khuyến nghị và cảnh báo gì, thưa ông?

Đối với người sử dụng internet:

- Cần nâng cao nhận thức và phân biệt thông tin đúng và thông tin sai trước khi chia sẻ và phát tán thông tin về một doanh nghiệp hay thương hiệu nào đó. Các doanh nghiệp được coi là chính thống luôn công khai những thông tin hoạt động kinh doanh, thông tin thanh toán qua website, mạng xã hội để mọi người cùng nắm được.

- Tuân thủ luật pháp. Người dùng internet nên tuân thủ các quy định và pháp luật sở hữu trí tuệ. Không sao chép, phát tán hoặc sử dụng trái phép nội dung, hình ảnh, logo hoặc thông tin thuộc về doanh nghiệp khác. Ngoài ra cũng phải tuân thủ các pháp luật khác có liên quan như Luật cạnh tranh, pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật an ninh mạng…

- Báo cáo vi phạm: Nếu phát hiện hoạt động xâm phạm uy tín và thương hiệu của một doanh nghiệp, hãy báo cáo vụ việc cho nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng mạng xã hội hoặc cơ quan có thẩm quyền. Báo cáo này có thể giúp giải quyết vấn đề và bảo vệ các doanh nghiệp khỏi sự xâm phạm.

Đối với đối tượng vi phạm: Hiện nay cơ quan chức năng Việt Nam đang hoàn thiện dần hệ thống pháp luật cũng như áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm. Do đó, tôi tin rằng các đối tượng vi phạm rất khó chạy trốn khỏi pháp luật nên cần chấm dứt ngay các vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG