“Mắt thần” cho người khiếm thị

TS Nguyễn Bá Hải hướng dẫn cách sử dụng kính điện tử giúp tránh vật cản cho học sinh khiếm thị
TS Nguyễn Bá Hải hướng dẫn cách sử dụng kính điện tử giúp tránh vật cản cho học sinh khiếm thị
TP - Ngày 23/7 tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Cty TNHH Kiến Bình Minh tổ chức trao tặng kính điện tử giúp tránh vật cản cho thương binh và học sinh nghèo khiếm thị. 

Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 67 năm ngày thương binh, liệt sĩ. Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long cho biết, kính điện tử giúp tránh vật cản (hay còn gọi là Mắt thần) là sản phẩm do tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, giảng viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐHQG TPHCM phát minh. 

Mắt thần có hình dạng như cặp mắt kính có gắn thiết bị tạo rung, khi phát hiện vật cản phía trước, thiết bị sẽ tạo tốc độ rung vào cơ thể để báo cho người khiếm thị biết. Càng gần vật cản, độ rung càng mạnh và nhanh. Trong một khoảng cách nhất định được lập trình sẵn, Mắt thần sẽ nhận diện, báo về hộp điều khiển của thiết bị và báo cho người dùng biết để họ tìm đường tránh vật cản. 

Hiện nay Cty TNHH Kiến Bình Minh là đơn vị duy nhất sản xuất loại kính này với mục đích phi lợi nhuận, hạ thấp giá thành sản phẩm để có nhiều người khiếm thị được sử dụng sản phẩm nhân văn này.

Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao 30 kính Mắt thần cho 20 thương binh bị hỏng mắt và 10 học sinh nghèo bị khiếm thị trên địa bàn TP Hà Nội, góp phần chia sẻ một phần khó khăn cho các thương binh, học sinh. Trước đó, 140 chiếc kính Mắt thần đã được trao cho người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM.

Tự tin hòa nhập

Cùng với sự quan tâm của cộng đồng, những người khiếm thị còn xúc động khi được thoải mái hơn trong từng chuyển động. Chẳng còn sự chênh lệch của thế hệ, hoàn cảnh bệnh tật, những cựu binh từng xông pha lửa đạn và những học sinh khiếm thị say sưa trải nghiệm với Mắt thần khi ngửa đầu hướng lên phía trần nhà, quay sang hai bên, hay đưa tay ra trước mặt. Trên gương mặt mỗi người đều hiện rõ nụ cười hy vọng.

“Mắt thần” cho người khiếm thị ảnh 1

Các thương binh trải nghiệm với kính điện tử. Ảnh: Xuân Tùng 

Đôi bàn tay vân vê chiếc hộp điều khiển của Mắt thần, thương binh hạng 1/4 Tạ Ngọc Thường (SN 1955, Cầu Giấy Hà Nội) không giấu được niềm vui khi nhận món quà ý nghĩa. Tại mặt trận Quảng Nam năm 1975, trong khi làm công tác tử sĩ, ông và đồng đội đã bị dính mìn. Một người hy sinh, ông và một người khác may mắn chỉ bị thương. 

“Lần đó một mắt tôi không còn nhìn thấy được nữa, sau này một mắt cũng hỏng. Tôi phải làm quen với bóng tối, mò mẫm đường đi và các đồ vật trong nhà. Tập mãi cũng quen, nhưng ra ngoài sân, ngoài đường phải dùng gậy và phải có người đưa đi”- ông Thường nói - “Nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các đơn vị hảo tâm, những người khiếm thị như chúng tôi có thêm mắt kính thần, cùng với chiếc gậy dò đường để tự tin di chuyển và thuận lợi hơn trong sinh hoạt”.

Sinh ra trong thời bình, nhưng Phùng Văn Minh, Vũ Hoàng Trung (trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) chịu thiệt thòi khi khiếm khuyết về đôi mắt. 

Minh bộc bạch: “Em quê Ba Vì, lên học trường Nguyễn Đình Chiểu từ tháng 9/2006. Bố mẹ đều đã mất. Em học trên này, còn một em trai ở nhà bác”. Học cùng các bạn lành lặn, những học sinh khiếm thị như Minh, Trung luôn phải tập trung cao độ để nhớ lời giảng của giáo viên nhất là những môn nhiều phép tính, hình vẽ như toán, lý…, bên cạnh việc nhờ bạn bè giúp đỡ.

Vũ Hoàng Trung (THCS Nguyễn Đình Chiểu) cho biết: “Với em, có kính đeo vào mà nhìn thấy dù mờ mờ là điều ước mơ không gì lớn hơn được. Chúng em hy vọng kính Mắt thần sẽ tiếp tục được cải tiến để có thể mô tả được chướng ngại vật bằng giọng nói”.

Gắn bó với người khiếm thị

Những người có mặt tại chương trình có dịp cảm nhận và chia sẻ thêm với tình cảm của những người phát minh là TS Nguyễn Bá Hải (SN 1983) và cộng sự khi sản xuất kính Mắt thần để gửi tới những người khiếm thị. TS Nguyễn Bá Hải cho hay, sản phẩm được nghiên cứu, hoàn thiện xuất phát từ sự cảm thông chia sẻ với những thiệt thòi của người khiếm thị, trong đó, nhiều người có hoàn cảnh nghèo khó. 

Hình ảnh vầng trán của người bán vé số bị khiếm thị in hằn những vết sẹo do va chạm, nụ cười và sự hy vọng của những người khiếm thị, người thân của họ là động lực để TS Nguyễn Bá Hải và các cộng sự kiên trì, nỗ lực nghiên cứu. 

“Những người khiếm thị như chúng em, khó khăn nhất là việc di chuyển, sinh hoạt. Gậy chỉ đường chỉ có thể giúp chúng em tránh va vấp vật cản dưới mặt đất, nhưng lại gặp khó khăn với vật cản phía trên cao. Kính mắt điện tử sẽ hỗ trợ để em nhận biết được những chướng ngại vật phía trước mặt, từ thắt lưng trở lên”. 

Phùng Văn Minh

TS Nguyễn Bá Hải cho biết: “Sản phẩm này giúp người khiếm thị cảm nhận được vật cản ở xa-gần, to-nhỏ. Đây là sản phẩm dành cho người khiếm thị ở Việt Nam với giá thành rẻ, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và có ý nghĩa”. Trải qua nhiều lần nghiên cứu, cải tiến hiện mắt kính đã được thu nhỏ gọn như những chiếc mắt kính thông thường. Chi phí chế tạo cho mỗi chiếc mắt kính này ước tính khoảng 3,5 triệu đồng.

Không chỉ giúp di chuyển tiện dụng hơn khi kết hợp với gậy dò đường, kính Mắt thần còn tạo điều kiện để người khiếm thị cải thiện khả năng hoạt động của đầu, cổ linh hoạt hơn. 

Tại buổi lễ, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và Cty TNHH Kiến Bình Minh đã ký thỏa thuận hợp tác về việc tổ chức chương trình tặng kính hỗ trợ cho người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian tới.

Mắt thần là sản phẩm đoạt giải Nhân văn trong cuộc thi Tech Show Robocon 2012, giải Nhất tuần Nhà sáng chế Việt Nam 2013. Mắt thần là đôi mắt thay thế cho người khiếm thị, sẽ phát hiện vật cản phía trước và báo về cho hộp điều khiển, rồi truyền đến người khiếm thị bằng tín hiệu rung.

MỚI - NÓNG