Mấy chỗ để nằm?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi thường bắt gặp những hình ảnh thật thanh bình và chan hòa nơi công viên nhỏ cách không xa Viện cổ Chàm và cầu Rồng. Trẻ con đạp xe chơi đùa, người già thể dục, Tây ta đi lại cười nói, mấy anh chàng giao hàng, lao công thỉnh thoảng ngả lưng nghỉ mệt trên ghế đá khuất phía trong, lâu lâu lại thấy căng dù tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Mới hai năm trước, khu đất ký hiệu A2 rộng chừng 2.000m2 nằm ngay ngã năm đường phố trung tâm này được Đà Nẵng rao bán, nhưng nhờ báo chí và dư luận lên tiếng, nên giữ lại được. Thử nghĩ nếu bán đi chỗ này sẽ lại chèn thêm tòa bê tông cao ngất và bít bùng, hàng trăm cục nóng chĩa ra ngoài, còn bên trong chỉ dành cho những “cư dân ngồi” được thuê làm việc, không ai biết ai.

Cư dân ngồi là tôi liên tưởng từ “hội chứng ngồi” của Jan Gehl khi nói về loại đô thị giết chết đời sống công cộng. Những thành phố dường như chỉ được thiết kế cho những người ngồi sau máy tính phòng lạnh và ngồi trong ô tô. Hầu như không có công viên, quảng trường, phố đi bộ, không một bóng xe đạp. Jan Gehl là kiến trúc sư và nhà tư vấn thiết kế đô thị nổi tiếng người Đan Mạch, đã góp phần sửa sai cho hơn 70 thành phố lớn nhất thế giới suốt gần 60 năm qua.

“Đầu tiên là cuộc sống, sau đó là không gian công cộng, rồi mới tới các tòa nhà – làm ngược lại sẽ phản tác dụng”, Gehl đúc kết một cách khôn ngoan, bởi ông quá hiểu rằng đầu tiên chúng ta định hình các thành phố, nhưng sau đó chính chúng sẽ định hình lại chúng ta.

Còn ở ta, những tòa nhà, những khu đô thị luôn là đích ngắm đầu tiên và cũng là mục đích cuối cùng. Để làm sao được giao đất một cách rẻ nhất, “viu” sang chảnh nhất, bán được nhiều căn nhất, “thổi giá” bằng chiêu gì độc địa nhất. Bất chấp đó là di tích hay thắng tích, những khu rừng bờ biển nào nổi tiếng và đẹp nhất đều dễ dàng được bao chiếm xây dựng, phân lô.

Chúng ta đã thấy điều đó ở Đà Lạt, Phú Quốc, Tam Đảo, Sa Pa, Hạ Long, Nha Trang,… Nên việc núi đá ở một vịnh biển bị dự án khu đô thị lấn biển quây nhốt làm “hòn non bộ” đang ồn ào mấy ngày qua, thực ra cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Khi dự án này được khẳng định là đã có “cơ sở pháp lý đầy đủ”. Không ngạc nhiên, khi từ trước đó công cuộc đô thị hóa mặt biển đã tiến hành rầm rộ nơi đây với vài chục dự án lớn.

Tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất điều chỉnh thu hẹp ranh giới vùng đệm Di sản vịnh Hạ Long. Có khi nào Di sản Thiên nhiên thế giới ngoại hạng toàn cầu, và là 1 trong 7 Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới này đến một lúc nào đó chỉ còn là cái…vũng, cửa sổ mở ra là chạm vào núi đá?

Trở lại với Jan Gehl, ông cho rằng bạn định hướng thế nào sẽ gặt hái được thế đó. Xây dựng nhiều đường phố cho ô tô thì sẽ tràn ngập ô tô. Mượn cách nói này của Gehl, nếu chúng ta cứ chăm chăm đô thị hóa thì đến một lúc cả rừng lẫn biển cũng sẽ chẳng còn. Đô thị lúc ấy con người sẽ chất chồng nhưng lại không còn không gian nào dành cho con người.

Một con người thực ra cần mấy chỗ để ở, và mấy chỗ khi nằm xuống?

MỚI - NÓNG