Miền Nam 'chia lửa' với Điện Biên Phủ

TP - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù Nam bộ ở rất xa so với chiến trường Tây Bắc, nhưng dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng và sự chỉ huy của T.Ư Cục miền Nam, quân và dân ở miền Nam cũng đã có những hoạt động đấu tranh mạnh mẽ nhằm “chia lửa” với miền Bắc, góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu.

Miền Tây- Phong trào “phá Sóc tự trị vũ trang”

Theo tư liệu nghiên cứu của Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Nguyên UV T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 9, trên địa bàn miền Tây Nam bộ, từ năm 1953 quân Pháp liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Tại đây, địch triển khai tới 168 đồn bốt và thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá các căn cứ cách mạng của ta. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của T.Ư Đảng và Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây chỉ đạo các tỉnh tích cực phát triển phong trào nhân dân du kích chiến tranh, đẩy mạnh hoạt động tiến công ở vùng sau lưng địch, mở rộng vùng giải phóng. Từ cuối năm 1953, Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây và các tỉnh xây dựng kế hoạch tác chiến với phương hướng chính là tập trung sức đánh sâu, đánh mạnh vào vùng địch hậu, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá cơ sở kinh tế, cơ sở hậu cần, buộc địch phải đối phó ngay tại sào huyệt của chúng; đồng thời có kế hoạch đề phòng địch càn quét vào vùng căn cứ.

Các đơn vị bộ đội chủ lực của Phân liên khu là nòng cốt trong đấu tranh quân sự, phối hợp hoạt động với địa phương tổ chức đánh địch. Phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển mạnh, thanh niên hăng hái tòng quân vào các đơn vị bộ đội chủ lực của Phân liên khu miền Tây, như Tiểu đoàn 307 và Tiểu đoàn 410. Bộ đội địa phương và du kích luồn sâu vào vùng địch hậu vũ trang tuyên truyền, bắn tỉa, đánh phá giao thông, bao vây đồn bốt địch, bức hàng và vận động binh biến trong hàng ngũ địch.

Cuối tháng 2/1954, Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây chủ trương mở đợt hoạt động tiến công quân sự nhằm tiêu diệt, làm tan rã hàng ngũ địch, hoạt động tác chiến kết hợp với ngụy địch vận để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Phát huy những thắng lợi giành được ở một số địa bàn, ta phát động phong trào quần chúng tại chỗ nổi dậy kết hợp với bộ đội và dân quân du kích giải phóng địa phương. Các địa phương tiếp tục mở các cuộc bao vây đồn bốt, đẩy mạnh công tác binh- địch vận, phá rã nhiều tổ chức tề ngụy, đưa hàng loạt đồng bào về vùng giải phóng.

Miền Nam 'chia lửa' với Điện Biên Phủ ảnh 1

Bộ đội Mộc Hoá (Long An) vượt sông đánh địch (Ảnh: Nguồn Bảo tàng Quân khu 7)

Tại một số địa phương, Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây chỉ thị cho Tiểu đoàn 307 có nhiệm vụ tích cực giúp đỡ, hướng dẫn lực lượng địa phương và dân quân du kích tiếp tục bao vây địch ở Xẻo Rô, Tắc Cậu và lô cốt trên đường Minh Lương - Tắc Cậu. Vừa bao vây, vừa tiến hành công tác địch vận, kêu gọi binh sĩ địch. Huyện An Biên phát động mạnh mẽ phong trào nhân dân du kích chiến tranh, đồng thời tiếp tục bao vây uy hiếp địch ở Xẻo Rô, gây dựng cơ sở để phát động phong trào trong toàn huyện. Tại An Biên, lực lượng ta đào giao thông hào lấn dần vào đồn và bắn tỉa hàng ngày. Địch cố bám giữ, huy động máy bay bắn phá xung quanh Xẻo Rô, song trước sức vây ép mạnh mẽ của ta, địch ở đồn Xẻo Rô phải rút chạy, huyện An Biên hoàn toàn giải phóng. Đây là huyện đầu tiên được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Tây Nam Bộ.

Miền Nam 'chia lửa' với Điện Biên Phủ ảnh 2

Người dân miền Đông vót chông, chuẩn bị vũ khí.

Từ đầu tháng 4/1954, phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta phát động phong trào “phá Sóc tự trị vũ trang” do địch lập ra. Ta lần lượt phá được 22 Sóc, xây dựng chính quyền cách mạng do người dân tộc quản lý, có nhiều xã ta xây dựng được lực lượng du kích khá mạnh. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra (từ 13/3/1954 đến 7/5/954, quân và dân miền Tây Nam bộ đã đẩy mạnh tiến công, giành quyền chủ động chiến trường, mở rộng nhiều vùng giải phóng.

Miền Đông - “phân tán, cầm chân, làm tiêu hao lực lượng địch…”

Theo các tư liệu nghiên cứu của ông Huỳnh Văn Đức, cán bộ Bảo tàng Quân khu 7, vào đầu năm 1951, theo chỉ đạo của trên và tình hình thực tiễn, T.Ư Cục miền Nam đã tổ chức, bố trí lại lực lượng, tạo thế và lực mới trên chiến trường. Nam bộ được chia làm ba vùng: Phân liên khu miền Đông, Phân liên khu miền Tây và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong đó Phân liên khu miền Đông gồm 5 tỉnh: Thủ Biên, Gia Ninh, Bà Chợ, Mỹ Tân Gò và Long Châu Sa. Thực dân Pháp coi đây Đông Nam bộ là địa bàn hết sức nhạy cảm về chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt, là đầu cầu đường biển thuận tiện, mảnh đất giàu có cung cấp nhân lực, vật chất để phục vụ chiến tranh. Nó còn có ý nghĩa quan trọng hơn, khi ở đây có nhiều quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của đế quốc Mỹ mà thực dân Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ quân sự.

Miền Nam 'chia lửa' với Điện Biên Phủ ảnh 3

Tù binh Pháp đầu hàng tại Long An.

Miền Nam 'chia lửa' với Điện Biên Phủ ảnh 4

Họp mặt Vệ quốc đoàn tại miền Đông Nam bộ.

Đánh giá đúng tình hình, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và T.Ư Cục miền Nam đã xác định chiến trường Nam bộ là hướng phối hợp quan trọng, có nhiệm vụ phân tán, cầm chân, tiêu hao lực lượng địch, gây bất ổn ngay tại hậu phương lớn của chúng. Đồng thời, đẩy mạnh dân vận, địch vận, chống bắt lính, mở rộng các căn cứ, khu du kích. Tháng 10/1953, Phân liên khu ủy miền Đông tổ chức Hội nghị quân - dân - chính - đảng, đánh giá tình hình và đề ra nhiều biện pháp thực hiện cụ thể. Các cơ quan, đơn vị vũ trang tiến hành đợt chỉnh Đảng, chỉnh quân sâu rộng.

Đợt chỉnh Đảng, chỉnh quân đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang, xây dựng niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi trong mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức đảng các cấp được củng cố, nhiều xã “trắng” trước đây nay đã lập được chi bộ.

Cùng với hoạt động chỉnh Đảng, chỉnh quân, các cấp bộ đảng còn tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện phong trào chiến tranh du kích, đẩy mạnh hoạt động tác chiến, chống càn quét, tập kích, tiêu diệt đồn bốt địch. Ở Thủ Biên, Gia Ninh, Long Châu Sa, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, bộ đội và quân du kích tổ chức nhiều trận phục kích, diệt xe cơ giới, tàu thuyền quân sự trên sông. Tấn công vào hàng loạt các trục giao thông quan trọng của địch như: quốc lộ 1, 13, 14, các tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Lộc Ninh; tập kích khu kho quân sự Phú Thọ Hòa, phá hủy: 9.000 tấn bom đạn, mười triệu lít xăng dầu. Tính trong mùa khô 1953 - 1954, ta đánh hơn 2.000 trận, tiêu diệt bức rút hàng trăm đồn bốt, tháp canh; loại khỏi vòng chiến đấu trên 10.000 tên địch; phá hủy gần 20.000 tấn đạn; thu hơn 3.000 súng các loại…

Để công tác tuyên truyền hướng về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, từ nửa sau năm 1953, T.Ư Cục miền Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện … liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên, người dân Nam bộ. Tập trung công tác tuyên truyền, vận động về binh địch vận, vận động binh lính Âu Phi trong quân đội thực dân Pháp phản đối chiến tranh, chống hành quân… góp phần hạn chế sự tập trung lực lượng càn quét, bố ráp của địch vào vùng căn cứ, vùng giải phóng, vùng sau lưng địch… Đặc biệt, công tác tuyên truyền này góp phần quan trọng việc ngăn chặn hiệu quả sự vơ vét sức người, sức của của thực dân Pháp từ miền Nam ra chiến trường Bắc bộ, nhất là chiến trường Điện Biên Phủ.

Mặt khác, các cấp bộ đảng còn lãnh đạo đẩy mạnh công tác củng cố và phát triển cơ sở kháng chiến, mở rộng khu căn cứ cách mạng. Lấy hệ thống cơ sở làm nòng cốt vận động nhân dân nổi dậy, phối hợp với bộ đội, du kích bao vây bức rút đồn bốt, diệt tề, trừ gian, giải phóng cho hàng chục vạn dân trở về vùng tự do. Đến giữa năm 1954, Chiến khu Đ vươn tới sông Đồng Nai, giáp quốc lộ 14. Chiến khu Dương Minh Châu nối thông với căn cứ Định Thành, mở sang cả phía Đông sông Sài Gòn và biên giới Cam-pu-chia, tạo thành một mạng lưới căn cứ địa liên hoàn, tạo thế cài răng lược trên toàn bộ chiến trường.

Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền cho mọi người dân không hợp tác với chính quyền tay sai, thanh niên không đi lính cho thực dân Pháp. Tại vùng du kích, các đội công tác tổ chức gặp gỡ các gia đình ngụy binh, hướng dẫn họ kêu gọi con em trở về với kháng chiến. Tại Gia Ninh, vùng Suối Tre, Trà Cú và Tòa thánh Tây Ninh, các đội vũ trang tuyên truyền tổ chức nói chuyện với đồng bào tín đồ Cao Đài, có lần lên đến hàng nghìn người nghe. Tại Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, chống đàn áp... Phong trào đấu tranh chính trị “chống bắt lính” như một đòn tấn công phối hợp nhịp nhàng với quân dân cả nước trên mọi chiến trường. Mùa khô 1953 - 1954, trên địa bàn có hơn 4.000 binh sĩ ngụy bỏ ngũ, 6 đại đội, 5 trung đội tan rã không xây dựng lại được.

Tin liên quan