Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn: Nương theo quy luật để thích ứng lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây), do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và các đập nước thượng nguồn sông Mê Kông. Từ diễn biến thực tiễn, việc sống chung, thích ứng lâu dài với hạn, mặn cần được tính tới, thay vì các giải pháp ngăn mặn một cách quá cực đoan, trái quy luật.

Không khó dự báo

Có bằng chứng cho thấy, chuỗi các đập nước đầu nguồn, dự án chuyển nước dòng chính sông Mê Kông tuy không làm mất đi lượng nước quá lớn, nhưng đã làm trầm trọng hơn chất lượng tài nguyên nước vùng hạ lưu. Các công trình tác động làm thay đổi quy luật tự nhiên của dòng sông theo hướng tiêu cực, khắc nghiệt. Đặc biệt, các đập nước đã làm suy giảm lượng phù sa, chặn lối di cư và sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản đa dạng của sông Mê Kông.

Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn: Nương theo quy luật để thích ứng lâu dài ảnh 1

Một đoạn đường liên xã tại Cà Mau sạt lở do hạn hán, nước kênh giảm kéo đất tụt theo (Ảnh: Tân Lộc).

Miền Tây là cửa ngõ ra biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp trong mối quan hệ sông Mê Kông và biển Đông, biển Tây, nên chịu tác động tiêu cực lớn nhất. Mùa lũ phù sa ít, còn mùa khô sông cạn, nước mặn lấn sâu vào đất liền, còn kéo theo sụt lún, sạt lở. Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chính con người đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng hạn mặn tại miền Tây.

Không còn là các dự báo, thực tế mùa khô năm nay thời tiết đã cực đoan hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại miền Tây. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, lịch sử hình thành, kiến tạo, phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long hàng triệu năm qua là quá trình giao thoa sông – biển, và nó vẫn tiếp tục diễn ra. Con người phải nương theo quy luật để chủ động thích ứng.

Thích ứng để cùng chung sống

Từ diễn biến tình hình thực tiễn, để chủ động ứng phó với cao điểm hạn, mặn năm nay, các ngành, địa phương có thể nghiên cứu thực hiện 3 yêu cầu, 5 nhóm giải pháp.

Về yêu cầu, cần nhận thức, tư duy chủ động thích ứng phải trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, chỉ huy mọi hành động. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu “chi phí - lợi ích” và nguyên tắc “không hối tiếc” cần được đặt ra khi đầu tư công trình. Đầu tư xây dựng trụ cột kinh tế vùng, cùng với khoa học công nghệ, tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với con người để không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, phải tăng cường liên kết, phối hợp liên vùng, liên ngành cùng hành động, thiết lập và vận hành thể chế vùng có tính đại diện và trách nhiệm.

Cùng đó, khu vực miền Tây có thể tổ chức thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước tiên, cần giải pháp đo, công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn để người dân ai cũng tiếp cận được, nhằm chủ động biết và ứng phó từ sản xuất tới sinh hoạt. Các địa phương chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt, phù hợp mức độ hạn, mặn. Hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công trình đầu tư theo đúng tiến độ, các dự án trữ nước, đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn: Nương theo quy luật để thích ứng lâu dài ảnh 2

TS. Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Không phòng, chống hạn mặn một cách cực đoan cho tất cả các địa phương, các vùng. Cần dựa vào yêu cầu, ưu tiên phát triển và điều kiện thực tế từng nơi để trồng trọt, chăn nuôi phù hợp. Trong đó, cần tính đến đặc điểm riêng của từng vùng mặn, ngọt, lợ của vùng đồng bằng. Tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các định chế của Ủy hội sông Mê Kông và các nước có liên quan đến vấn đề nước xuyên biên giới, để bảo vệ lợi ích quốc gia. Về dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Cần xem hạn mặn là đặc tính chu kỳ và đột xuất để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, tổ chức dân cư cho phù hợp.

Những giải pháp công trình rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình cũng không thể thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vào các công trình cục bộ. Với nền đất phù sa yếu, khi mặt nước thấp sẽ kéo theo sạt lở, sụt lún. Nếu ngăn nước mặn bằng các cửa cống đóng chặn trong thời gian quá dài, mực nước trong các sông, kênh rạch sụt giảm, sạt lở, mất đất sẽ khó tránh khỏi - điều trước đây ít xảy ra khi nước ngọt giảm sẽ có nước mặn bù vào. Do đó, bên cạnh nước ngọt, cần xem nước lợ, mặn cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển, tránh ngăn mặn thô bạo, cần thích ứng phù hợp.

Nhìn nước ngọt từ hệ thống sông Cửu Long đổ ra biển Đông, biển Tây là “phí của trời cho”, nhưng nước sông ra biển là hợp với tự nhiên, các dòng sông luôn tìm đường ra biển. Nước ngọt chảy ra biển vừa tải dinh dưỡng, thức ăn, cân bằng nhiệt độ, tạo môi trường đa dạng sinh học cho nhiều loài thủy, hải sản phát triển. Con số thống kê cho thấy, dù bờ biển miền Tây chiếm chưa đến 1/4 bờ biển quốc gia, nhưng sản lượng thủy sản đánh bắt hơn tất cả các vùng miền cả nước gộp lại. Có người so sánh bờ biển nước Úc dài gấp 40 lần bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do điều kiện tự nhiên phần lớn sa mạc liền biển, không có mối lương duyên sông - biển, nên sản lượng đánh bắt cá hàng năm của nước này chỉ ngang bằng một tỉnh của miền Tây.

Lâu nay, ta chỉ lo dùng nước ngọt trồng lúa, làm màu, lập vườn trồng cây, đào ao nuôi cá, quanh quẩn với sinh kế trên nền tảng phải có nước ngọt, nên tập trung làm đê ngăn mặn, giữ ngọt. Thay vào đó, có thể thích ứng, chuyển dịch mùa vụ, cây trồng, vật nuôi thích ứng với mùa nước ngọt, mùa nước mặn, để mùa nào cũng nuôi cấy được. Với con người, là các phương án dẫn nước ngọt từ thượng nguồn về để phục vụ sinh hoạt những ngày khô mặn, với bán kính vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ dưới 100km, đầu tư đường ống dẫn nước sinh hoạt không phải quá khó.

Thích nghi với hạn, mặn, phát triển kinh tế ven biển, kinh tế biển xanh phù hợp chính là bước chuyển dịch căn bản để vùng đất phù sa vượt qua khỏi cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ ngàn đời, hướng đến mục tiêu an toàn, thịnh vượng trong tương lai.

Ngày 27/3/2024, Báo Tiền Phong với sự đồng hành của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức “Hội thảo Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn: Nương theo quy luật để thích ứng lâu dài ảnh 3
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT; lãnh đạo và chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ; các chuyên gia độc lập về môi trường, biến đổi khí hậu, trồng trọt, nước sạch; đại diện sở ngành các tỉnh đang chịu tác động bởi hạn, mặn gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang; đại diện lãnh đạo chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ lợi, nước sạch.

Hội thảo sẽ được trực tiếp và trực tuyến:

Trực tiếp: 8h30 ngày 27/3/2024, tại Trường Đại học Cần Thơ – Đường 3 tháng 2, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Trực tuyến trên tienphong.vn; fanpage Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG