Miền Trung - Tây Nguyên sắp hứng 'mưa như trút', nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong 24h giờ tới, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa to đến rất to cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở những vùng trũng thấp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng ngày 12/10, một vùng áp thấp hình thành trên khu vực giữa Biển Đông. Vào hồi 13, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,2-14,2 độ Vĩ Bắc; 116,3-118,3 độ Kinh Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.

Cảnh báo trong khoảng từ đêm 13-16/10, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to từ 200-500mm, có nơi trên 600mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở những vùng trũng thấp.

Miền Trung - Tây Nguyên sắp hứng 'mưa như trút', nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ảnh 1

Mưa to dự báo gây nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cho khu vực miền núi ở miền Trung - Tây Nguyên

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau theo dõi chặt diễn biến của vùng áp thấp; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các địa phương tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Đối với đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên, các địa phương cần khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có mưa lớn.

Mưa bão gây thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông; 226 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 02 đợt rét đậm, rét hại.

Thiên tai đã khiến 139 người chết, mất tích, 211 người bị thương và 630 nhà sập, 15.729 nhà hư hỏng, tốc mái.

Về nông nghiệp, chăn nuôi: 247.460 ha lúa, hoa màu và 44.795 ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại; 21.258 con gia súc, 468.047 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về thủy sản: 335 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 17.561 ha diện tích NTTS, 9.007 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Về thủy lợi: 255.903 m đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng.

Về giao thông: 130 cầu bị hư hỏng, cuốn trôi; sạt lở, hư hỏng 228,95 km đường GT với khối lượng 1.024.304 m3 đất, đá.

Thiệt hại đến nay ước tính trên 5.167 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Cựu chiến binh Trần Văn Tứ hồi nhớ ký ức về những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ
Những ân tình của một cựu binh
TP - 70 năm qua, dù vết thương trên da thịt đã lành theo năm tháng nhưng ký ức hào hùng về một thời “hoa lửa” của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người lính già Trần Văn Tứ (SN 1926, ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
TP - Tận dụng ánh sáng pháo của quân giặc thả, xé áo quấn lốp, luồng làm nan hoa... đoàn quân xe thồ từ Thanh Hóa vượt núi băng rừng, vận chuyển lương thực hướng về chiến trường Điện Biên Phủ.