Những gián đoạn mà ngành giáo dục gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động dạy và học, đồng thời chỉ ra rằng các trường học phải chú trọng phát triển những kỹ năng cần thiết trong tương lai cho đối tượng học sinh, sinh viên.
“Đại dịch COVID-19 sẽ không phải là biến cố cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. Chúng ta cần trang bị cho sinh viên đầy đủ các kỹ năng cần thiết để vượt qua sự bất ổn và vươn lên thành công”, nhận định của GS Rick Bennett, Giám đốc cấp cao phụ trách đào tạo tại ĐH RMIT Việt Nam, ở một diễn đàn trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Việt Nam, Úc và châu Âu.
“Chưa bao giờ đức tính linh hoạt lại quan trọng đến vậy. Các tân khoa cần thành thạo kỹ năng đặt ra những câu hỏi khó, biết lãnh đạo với mục đích rõ ràng và lòng can đảm, cũng như thực hành trí thông minh văn hóa”, ông cho biết.
Dù trọng tâm của các trường đại học quốc tế tại Việt Nam như ĐH RMIT là đào tạo ra những tân khoa xuất sắc với kiến thức và kỹ năng được các nhà tuyển dụng “săn đón”, mục đích này đã thay đổi mạnh mẽ theo hướng số hóa khi việc dạy và học trực tuyến trở nên phổ biến trong giai đoạn giãn cách xã hội.
“Cho dù là một phần của chiến lược dạy và học kết hợp bao trùm hơn hay dưới hình thức nào khác đi chăng nữa, thì việc học tập có hỗ trợ kỹ thuật số đều sẽ giúp các tân khoa tương lai thành công làm chủ nền kinh tế số ngay khi rời ghế nhà trường”, GS Bennett nói.
Khách mời tham dự tọa đàm đến từ cộng đồng doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng các trường đại học, đặc biệt là những trường quốc tế, có thể tận dụng sự thay đổi này để tạo ra tác động sâu sắc hơn và phục vụ lợi ích chung.
Ông Lê Minh Tài, Tổng Giám đốc Merita Capital cho rằng, “các trường đại học quốc tế có thể tìm cách tận dụng tính kết nối kỹ thuật số chưa có tiền lệ này để tiếp tục đổi mới dịch vụ”.
“Trước kia, các trường thường kết nối sinh viên với cộng đồng toàn cầu bằng những chuyến tham quan học tập hay chương trình trao đổi sinh viên, giờ đây sẽ có thêm nhiều cách làm khác trên thế giới ảo”, ông nói.
Bà Nguyễn Cát Thảo, Chủ tịch và Đồng sáng lập Đối thoại Lãnh đạo Trẻ Úc – Việt Nam (AVYLD), thì cho biết, các trường đại học quốc tế có khả năng đi đầu trong việc đồng sáng tạo ra các giải pháp bền vững ở Việt Nam, đặc biệt là trong hệ sinh thái giáo dục.
“Đại dịch toàn cầu COVID-19 chỉ rõ rằng, chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp tổ chức. Những thách thức chúng ta gặp phải là những thách thức chung mà chúng ta phải hợp tác và cùng nhau sáng tạo để vượt qua”, bà Thảo nhận định.