Mỗi năm Việt Nam công bố trung bình 18.000 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thống kê của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT, số lượng bài báo của các nhà khoa học tại Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế cao hơn tạp chí khoa học trong nước.  Tuy nhiên, tốc độ tăng đang có xu hướng chậm lại đối với việc đăng bài trên tạp chí quốc tế.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) cho biết kết quả tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Scopus của NXB Elsevier, trong giai đoạn 2018-2022 Việt Nam có 76.672 công bố, trong đó kể từ năm 2020 đến nay số lượng công bố hằng năm đều đạt trên 18.000 bài.

Mỗi năm Việt Nam công bố trung bình 18.000 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế ảnh 1

Ảnh: VNU

Năm 2022, các bài báo của Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế được phân loại theo 27 lĩnh vực chuyên ngành từ 4 lĩnh vực lớn theo phân loại của Scopus: Khoa học vật lý, Khoa học sức khỏe, Khoa học xã hội và Khoa học đời sống, trong đó 10 lĩnh vực chuyên ngành chiếm phần lớn nghiên cứu là: Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Toán học, Vật lý và thiên văn, Khoa học môi trường, Y học, Khoa học vật liệu, Hóa học, Khoa học nông nghiệp và sinh học.

Mỗi năm Việt Nam công bố trung bình 18.000 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế ảnh 2
Công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín của Việt Nam giai đoạn 2018-2022. Nguồn: Vụ KHCNMT

Vụ KHCNMT thông tin trong số 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022 thì có tới 9 tổ chức là các cơ sở giáo dục ĐH:

Mỗi năm Việt Nam công bố trung bình 18.000 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế ảnh 3
Mười tổ chức trong nước có nhiều nhất công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Nguồn: Vụ KHCNMT

Như vậy, ĐH Bách khoa TPHCM đứng đầu với trên 2.200 công bố trong năm 2022. Đứng thứ hai là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, thứ ba là ĐH Quốc gia Hà Nội. ĐH Bách khoa Hà Nội đứng thứ tư.

Trong top 10 có sự góp mặt của một số cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập như Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành...

Có thể thấy, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập đứng trong top này tập trung ở khu vực phía Nam. Khu vực phía Bắc chưa có cơ sở nào trong top của năm 2022.

Vụ KHCNMT cho biết theo Cơ sở dữ liệu Quốc gia về KHCN, tổng hợp từ 236 tạp chí trong tổng số 334 tạp chí KHCN trong nước cho thấy, năm 2022 có 15.075 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí KHCN trong nước.

Trong đó, chiếm phần lớn là các nghiên cứu ở lĩnh vực Khoa học xã hội với 7.857 bài báo (hơn 50%). Kế đến là Khoa học y, dược với 3.226 bài báo, thấp nhất là lĩnh vực Khoa học tự nhiên, với 819 bài báo .

Số lượng công bố khoa học trong lĩnh vực Khoa học y, dược đã tăng đột biến, từ hạng 4 năm 2020 vươn lên hạng 2 trong các năm 2021 và 2022, qua đó cho thấy: bên cạnh những đầu tư nghiên cứu về khoa học xã hội (giáo dục, kinh tế, pháp luật,…), các nhà khoa học Việt Nam đang có sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trong y học và chăm sóc sức khỏe, với các nghiên cứu trong chẩn đoán lâm sàng và điều trị bệnh.

Trong đó, các công bố khoa học về ung thư trong năm 2021 và 2022 tăng gấp đôi so với năm 2020 (năm 2020 là 215 bài báo, năm 2021 là 555 bài báo và năm 2022 là 554 bài báo). Đặc biệt, góp phần vào số lượng công bố khoa học trong lĩnh vực y học là các nghiên cứu liên quan đến đại dịch COVID-19, với số lượng liên tục tăng từ 13 bài báo (năm 2020) lên 93 bài báo (năm 2021) và 243 bài báo (năm 2022).

Nhìn chung trong các năm qua, hệ thống giáo dục đại học luôn có vai trò chủ đạo về công bố khoa học trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, đã đóng góp khoảng 70% công bố quốc tế trong danh mục WoS và khoảng 90% trong danh mục Scopus, hơn 50% công bố trên các tạp chí uy tín quốc gia.

Bên cạnh đó, tuy số lượng công bố khoa học trong nước tăng mạnh trong 3 năm gần đây nhưng công bố khoa học quốc tế đang tăng chậm lại.

Đánh giá từ thực tế cho thấy, nguyên nhân của việc công bố trong nước tăng mạnh có xuất phát từ việc chất lượng các tạp chí tăng lên. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định công bố khoa học khi bảo vệ luận án tiến sĩ đối với nghiên cứu sinh từ bắt buộc phải có bài báo quốc tế sang khuyến khích, không bắt buộc cũng có tác động tới biến động trên.

Việc giảm công bố quốc tế có tác động từ chính sách của các trường đại học. Trong đó có việc siết lại chất lượng công bố từ những phản ánh của dư luận về tạp chí rởm, bài báo rởm, tình trạng mua bán báo báo quốc tế... Trong tiêu chuẩn xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư cũng nâng cao yêu cầu về báo báo quốc tế.

Tuy nhiên, có thể thấy số lượng bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế vẫn cao hơn các tạp chí trong nước.

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …