Có một câu chuyện rất cũ kể về một cô gái trẻ xin vào sống trong tu viện. Tu viện là một trong những nơi có kỷ luật nghiêm ngặt nhất. Ngoài những nguyên tắc chung, thì riêng tu viện này còn có một đòi hỏi khắt khe nữa: đó là sự tĩnh lặng. Không ai ở đây được nói một lời nào cả, trừ khi có sự cho phép của tu viện trưởng. Cô gái được giải thích rằng, nguyên tắc về việc im lặng này là tuyệt đối, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, cứ mỗi khi hết một năm, thì mỗi người sẽ được phép nói ba từ. Và chỉ đúng ba từ mà thôi.
Đến thời điểm một năm kết thúc, cô gái trẻ được cho biết rằng, giờ đây, cô được "thưởng", có thể được thể hiện những gì mình nghĩ qua ba từ, và chỉ bằng ba từ mà thôi. Ba từ đó sẽ là gì? Câu trả lời của cô sẽ là thế nào?
"Thức ăn tệ!" – Cô gái nói.
Một năm nữa lại trôi qua và cô gái, một lần nữa, được nói thêm ba từ để thể hiện mình. Vậy lần này cô sẽ nói gì đây?
"Giường quá cứng!" – Cô gái nói.
Hết năm thứ ba, cũng là lần thứ ba cô gái được gọi tới sảnh và được cho phép nói ba từ. Lần này, cô gái kêu lên trong giận dữ: "Tôi đi đây!".
"Được thôi, chúng tôi cũng nhẹ cả người" – Tu viện trưởng đáp – "Kể từ khi cô đến đây, tất cả những gì cô làm chỉ là than phiền mà thôi!".
Vậy là, dù chỉ được thể hiện mình rất ít, nhưng cô gái kia vẫn khiến cho mọi người trong tu viện không hài lòng.
Những người hay than phiền luôn khiến người khác khó chịu.Từ xa xưa, người ta đã nói rằng, chúng ta được cho sẵn khuôn mặt, nhưng chúng ta tự tạo ra những gì mình thể hiện, như vẻ mặt, giọng nói, biểu lộ cảm xúc…, từ đó tạo ra vẻ ngoài nói chung của chúng ta. Bạn có bao giờ để ý đến những điều mà mình đang thể hiện không? Hãy nghe một câu chuyện nữa nhé.
Bố tôi hay kể lại câu chuyện là ngày chị em chúng tôi còn nhỏ, bố thường chở chúng tôi trên xe ô tô về nhà ông bà vào mỗi cuối tuần, và đó là một chặng đường khá dài. Có một lần, bố lái xe được khoảng nửa tiếng thì chợt nghe tôi rít lên từ ghế sau. Đang cần tập trung lái xe nên khi hai chị em tôi cứ léo nhéo ở đằng sau thì bố rất khó chịu. Bố hỏi: "Có chuyện gì vậy?"
.
Tôi mách rằng em trai túm vào cánh tay tôi rất đau. Em tôi lại tuyên bố rằng, nó làm thế chỉ vì tôi đã cấu nó. Xong rồi tôi lại nói rằng, tôi cấu nó vì nó đã nói một câu rất xấu tính. Và em trai lại cáu kỉnh cãi rằng, nó buộc phải nói cái câu xấu xí đó bởi khi nó quay sang nhìn tôi thì tôi đã nhăn mũi và cười khẩy…
Trẻ con thường hay cãi nhau vặt mà không biết điểm dừng.Bố tôi mỗi lần kể lại câu chuyện này thì thường không phải để cho buồn cười, mà bố nhắc nhở chúng tôi rằng, thật không may, cái hình mẫu tương tự như câu chuyện cãi nhau vặt rất phổ biến ở trẻ con này, lại có thể xuất hiện trong các mối quan hệ của người lớn nữa. Một người gây khó chịu hoặc tổn thương cho người khác, và người bị tổn thương đáp lại bằng một điều khó chịu hoặc tổn thương tương tự. Tất nhiên, người đầu tiên lại sẽ "trả đòn" bằng một lời xúc phạm nữa. Chẳng bao lâu, sự tức tối và những từ ngữ xấu xí, tồi tệ sẽ phá tan một mối quan hệ.
Bạn tự tạo nên vẻ ngoài cho mình bằng vẻ mặt tươi cười, bằng những lời tử tế…Chính vì thế mà người ta luôn nói rằng, những lời nói không thận trọng cũng có thể sắc như dao kiếm, rằng một lời nói cay độc sẽ khuấy động sự giận dữ, còn một câu trả lời nhẹ nhàng lại làm giảm bớt những thù hằn. Đúng vậy, chúng ta được cho sẵn một khuôn mặt, nhưng còn những sự thể hiện của mình, con người mình, thì do chúng ta hoàn toàn tự tạo ra.
Như một câu danh ngôn bạn có thể đã biết: "Một câu trả lời dịu dàng thường chính là cách để làm mềm một trái tim quá cứng".