Môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT: Đề thi mở, đáp án đóng?

0:00 / 0:00
0:00
Liệu thí sinh có bị thiệt với đáp án, thang điểm của đề thi Ngữ văn năm nay? Ảnh: Như Ý
Liệu thí sinh có bị thiệt với đáp án, thang điểm của đề thi Ngữ văn năm nay? Ảnh: Như Ý
TP - Bộ GD&ĐT vừa công bố đáp án, thang điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Năm nay, đề thi và đáp án môn này nhận được nhiều tranh luận trái chiều từ phía thầy cô, chuyên gia.

Đáp án cứng nhắc, cào bằng?Về đáp án và thang điểm môn Ngữ văn vừa được Bộ GD&ĐT công bố, cô Trịnh Thu Tuyết, cựu giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội,nói rằng phần Đọc hiểu dành 50% quỹ điểm (1,5 điểm) cho câu 1 và 2 với yêu cầu chỉ cần chép đúng hai câu đầu và cuối đoạn ngữ liệu đã cho trong đề là đạt điểm tuyệt đối. Đó là yêu cầu dành cho học sinh tiểu học, cô nhận định. Cô cũng băn khoăn về câu hỏi và đáp án của câu 3 phần Đọc hiểu. Đáp án có ba ý: Dòng chảy của nước chậm rãi, hiền hoà/Cuộc sống của con người thanh bình, yên ả/ Dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hoà. Theo cô Tuyết, có một nghịch lý trong câu hỏi và đáp án. Đoạn văn đúng là gợi sự thanh bình, yên ả của cả nước và cuộc sống, nhưng nếu từ câu đọc hiểu này, yêu cầu học sinh tự rút cho mình thông điệp, các em sẽ chạm phải nghịch lý khi trong thực tế, cuộc sống cũng như dòng sông luôn nối tiếp cả êm đềm và ghềnh thác. “Cắt khúc một đoạn văn rồi yêu cầu học trò nhận xét theo hướng êm đềm, hài hoà như vậy, những học trò có tư duy phản biện sắc sảo sẽ bức bối, khó chịu vì cảm giác bị áp đặt; những học sinh ngoan hiền sẽ yên tâm về dòng đời êm ả (như bài thi), sự yên tâm sẽ khiến các em phải trả giá đau đớn khi gặp ghềnh thác”, cô nói.

Vì vậy, cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng với đoạn văn cắt khúc ấy, trong đáp án nên hướng tới nhận xét điểm giống nhau giữa dòng chảy của nước và cuộc sống con người theo gợi ý quen thuộc của Heraclitus: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” - cuộc sống như dòng sông, luôn trôi chảy với cả sự vĩnh hằng và thay đổi.

Với câu nghị luận văn học, cô Tuyết nêu quan điểm, phần cảm nhận về đoạn thơ và nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh đều chưa đề cập tới một nét rất “nữ tính” và rất “Xuân Quỳnh”, đó là những dự cảm lo âu, bất ổn ngay trong đằm thắm, khát khao… Về đề Ngữ văn năm nay, cô nhận định, đề không hẳn mở, còn đáp án thì hầu như chỉ có một phương án, thậm chí cho câu hỏi 3-4 vốn hướng tới yêu cầu tư duy độc lập và do vậy mang tính khác biệt rất rõ trong các hướng trả lời. Nên tạo không gian rộng hơn cho các phương án trả lời của bài làm học sinh, để giám khảo có thể chủ động tự quyết trong cách đánh giá bài học sinh, nhất là với những hướng suy nghĩ, cảm nhận logic, thuyết phục nhưng không trùng đáp án. Vì vậy, chỉ nên coi các phương án trả lời trong đáp án là gợi ý tham khảo, cô Tuyết nói.

Cô P.N.A, giáo viên dạy Ngữ văn tại Vĩnh Phúc, cho rằng ở phần Đọc hiểu, câu hỏi 3 vấn đề nêu ra rất cao siêu nhưng đáp án lại rất sơ sài. Rõ ràng, câu hỏi không yêu cầu hiểu về mối quan hệ giữa dòng chảy của nước và cuộc sống con người, nhưng đáp án lại có. Với câu hỏi 4, yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống, cô P.N.A nói rằng, tại sao đáp án lại có ý 1 trả lời về hành trình từ sông ra biển của nước; nhiều học sinh mất 0,25 điểm vì ý này.

Đối với phần Làm văn, cô P.N.A cho rằng, theo hướng dẫn chấm, câu 2 có 2 ý, mỗi ý 0,25 điểm. Trong đó, ý 1 vẻ đẹp nữ tính dịu dàng, ý nhị trong thơ Xuân Quỳnh gây khó cho giám khảo chấm đúng năng lực của thí sinh. Vì thực tế bài làm của các em sẽ có các mức độ khác nhau, nhưng đáp án cào bằng sẽ khiến cho học sinh giỏi bị thiệt.

Nguyên nhân đề Văn luôn gây tranh cãi

Đây không phải lần đầu tiên đề thi môn Ngữ văn gây tranh cãi. Đầu năm nay, nhiều giáo viên phản ứng mạnh mẽ với đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội với nội dung: Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem như là “chủ ngữ”, còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem như là “vị ngữ”. Đề yêu cầu: Em hiểu như thế nào về nhận định trên? Từ “chủ ngữ” mà em yêu thích, hãy làm rõ những phương diện độc đáo, đặc sắc của “vị ngữ” trong một vài tác phẩm ở chương trình ngữ văn THCS.

Thời điểm đó, hầu hết giáo viên dạy Văn đều nhận định, đề cao siêu, thiếu thực tế, văn chương không gắn với cuộc sống khiến cho đề nhạt, quá tầm đối với học sinh giỏi lớp 9 mà chỉ phù hợp với những người đã và đang nghiên cứu lý luận văn học. Gần đây nhất là đề thi vào trường chuyên của tỉnh Khánh Hòa. “Phương Tây có câu ngạn ngữ “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”.

Thực tế bài làm của thí sinh sẽ có các mức độ khác nhau, nhưng đáp án cào bằng sẽ khiến cho học sinh giỏi bị thiệt, cô P.N.A, giáo viên dạy Ngữ văn tại Vĩnh Phúc, nhận định.

Về đề Văn luôn gây tranh cãi, cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đây là hiện tượng dễ hiểu. Khác với các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, kiến thức mang tính khép kín,với môn Ngữ văn và Giáo dục công dân, đặc biệt là môn Văn, nội dung đề thi thường đề cập các tác phẩm quen thuộc trong cuộc sống cộng đồng. Phần nghị luận xã hội thường là những ngữ liệu quen thuộc được lấy từ đời sống. Vì vậy, ai cũng có thể có một chút suy nghĩ, xúc cảm hay kiến thức nhất định thể hiện quan điểm. Điều này đòi hỏi sự khách quan, nghiêm túc và phông kiến thức chắc chắn của hội đồng ra đề đối với môn Ngữ văn.

Theo cô Tuyết, sự tường minh liên quan tới cách diễn đạt của câu lệnh - đòi hỏi thể hiện sáng rõ, logic và đơn nghĩa trong các yêu cầu về nội dung và hình thức cho câu trả lời hoặc bài luận của thí sinh. Nhiều giáo viên cho rằng, người biên soạn đề thi cần hiểu rõ đối tượng đề bài hướng đến là ai, để từ đó xây dựng ma trận đề cho phù hợp. Tiếp đó là yếu tố hoàn cảnh, đề thi phải gắn với tình hình thời sự xã hội nhưng phải phù hợp với tầm nhìn của học sinh. Ngữ liệu phải phù hợp với trình độ của học sinh, câu lệnh đặt ra cần súc tích nhưng rõ ràng, không mơ hồ.

MỚI - NÓNG